Còn 37 bộ và 3 địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 15%
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực khi 6 tháng đầu năm gần 215.579 tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Tài chính vừa công bố tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 5 tháng, ước thực hiện 6 tháng kế hoạch năm 2023. Theo báo cáo, tỉ lệ giải ngân của 6 tháng đã tăng gần 10% so với tỉ lệ giải ngân của 5 tháng trước đó.
Trong năm 2023, tổng kế hoạch vốn đã giao là 804.420,3 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng (không bao gồm 12.887,2 tỷ đồng chưa giao).
Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5 là 158.363,3 tỷ đồng, đạt 19,68% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 226.159,2 tỷ đồng, đạt 28,11% kế hoạch.
Về giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2023, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 5/2023 trên 152.543 tỷ đồng, đạt 20,26% kế hoạch (752.877,4 tỷ đồng) và đạt 21,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (707.044,2 tỷ đồng).
Ước tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 215.579 tỷ đồng đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, số vốn đầu tư kế hoạch năm 2023 trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 10% so với tỉ lệ giải ngân của 5 tháng trước đó và tăng khá hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (25,68%).
Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 29,13% (cùng kỳ năm 2022 đạt 26,76%); vốn nước ngoài đạt 15,72% (cùng kỳ năm 2022 đạt 8,61%).
Có 9 bộ và 32 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 30%. Một số bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (52,81%), Đồng Tháp (50,28%), Long An (48,9%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (47,08%).
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 39 bộ và 12 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 37 bộ và 3 địa phương chỉ giải ngân được dưới 15% kế hoạch vốn.
Mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để đạt mục tiêu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn khi hết năm ngân sách vẫn cần rất nhiều sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm.
Do đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2022 sang năm 2023, Bộ Tài chính đã có công văn số 5258 hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân kế hoạch nguồn vốn trên đảm bảo đến 31/12/2023 giải hết toàn bộ số vốn đã được thông báo.
Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế còn thấp so với cả nước, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Y tế khẩn trương quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc nội dung số 2 Tiểu dự án 2 dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện, từ đó, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ này
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận