“Cởi trói” cơ chế cho sở giao dịch hàng hóa
VCCI đề nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi khoản 13 Điều 3 của Nghị định 158/2006/NĐ-CP theo hướng mở rộng hơn, cho phép cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài không phải là thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa, được thực hiện hoạt động mua bán hàng h
Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về giao dịch hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (SGDHH) đã tạo ra bước tiến lớn cho sự phát triển của mô hình giao dịch hàng hóa qua Sở GDHH tại Việt Nam khi cho phép kết nối phép liên thông trực tiếp với các sở lâu đời trên thế giới, mở cánh cửa cho nhà đầu tư trong nước đến với thị trường quốc tế. Tuy nhiên trên thực tiễn triển khai một số doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng còn có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để quốc tế hóa thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam phát huy những lợi thế cạnh tranh về ngành nông sản, nguyên liệu, thúc đẩy thị trường kỳ hạn tại Việt Nam, bước vào một kỷ nguyên mới.
Góp ý cùng Bộ Công thương về thực tế triển khai Nghị định 51/2018/NĐ-CP, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện có rất nhiều nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ, hoặc doanh nghiệp chế biến, trồng trọt, chăn nuôi có nhu cầu mua bán hàng hóa qua Sở GDHH. Nguyên nhân do nhóm đối tượng này dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động về giá của thị trường hàng hóa, tỷ giá và lãi suất. Vì thế họ sử dụng công cụ bảo hiểm giá (là các hợp đồng kỳ hạn trên thị trường hàng hóa) để giảm thiểu tác động của các diễn biến thị trường, quản lý và hạn chế rủi ro.
Thực tế cho thấy, với một quốc gia mà nông nghiệp vẫn đang là yếu tố chủ đạo trong nền kinh tế và hơn 65% dân số làm nông nghiệp với các mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh gồm gạo, cà phê, hồ tiêu…, nhu cầu của người nông dân, các doanh nghiệp đối với loại công cụ bảo hiểm rủi ro đã xuất hiện từ lâu và có xu hướng tăng nhanh trong khoảng 5 năm qua; dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới bởi những yếu tố chính trị, kinh tế, dịch bệnh, xã hội toàn cầu…
Tuy nhiên, quy định tại khoản 13 Điều 3 của Nghị định 158/2006/NĐ-CP và cơ chế ủy thác giao dịch đang hạn chế việc chủ động giao dịch trực tiếp hợp đồng kỳ hạn của các cá nhân, tổ chức khi quy định chỉ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện trở thành Thành viên kinh doanh mới có thể trực tiếp thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH. Các tổ chức, cá nhân không phải là Thành viên kinh doanh khi muốn tham gia giao dịch hàng hóa bắt buộc phải ký hợp đồng ủy thác giao dịch với Thành viên kinh doanh hay nói cách khác là tham gia gián tiếp. Điều này dẫn đến khi các chủ thể trên đặt lệnh thông qua ủy thác, khiến nhà đầu tư thường không chốt được mức giá như ý muốn trong khi thị trường hàng hóa biến động không ngừng.
Vì vậy, VCCI đề nghị Bộ Công thương xem xét sửa đổi khoản 13 Điều 3 của Nghị định 158/2006/NĐ-CP theo hướng mở rộng hơn, cho phép cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài không phải là thành viên của Sở GDHH, được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH thông qua các hình thức: đặt lệnh trực tiếp hoặc ủy thác cho Thành viên kinh doanh của Sở GDHH thực hiện giao dịch.
Việc bổ sung hình thức giao dịch trực tiếp không chỉ giúp người nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến.. phát huy công cụ hợp đồng kỳ hạn mua bán hàng hóa qua Sở GDHH tại Việt Nam thiết lập một mức giá có lợi trước khi bán hàng hóa của mình, phòng chống rủi ro trước các chuyển biến bất lợi của thị trường hàng thực mà còn giúp tăng cường quản lý nhà nước nhằm kéo giá Việt Nam tiệm cận với mặt bằng giá thế giới, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
VCCI cũng chỉ ra Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung Điều 16a cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch tại Sở GDHH ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào mở tài khoản và giao dịch trên Sở GDHH ở Việt Nam. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật trong nước có liên quan về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH của nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng. Ví dụ như pháp luật đầu tư chưa đưa ra mô tả về loại hình đầu tư (gián tiếp hay trực tiếp), hình thức đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư...
Để đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết nhu cầu giao dịch hàng hóa tại Sở GDHH ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và tuân thủ tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, VCCI đề nghị xây dựng các quy định chi tiết về hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua Sở GDHH.
“Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH đang trở thành một kênh đầu tư mới, hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Quy định cụ thể hơn về việc nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua các Sở GDHH tại Việt Nam sẽ giúp tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cân bằng cán cân thương mại”, VCCI khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận