Cởi mở để hút vốn ngoại vào hạ tầng
Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đặt ra yêu cầu tháo gỡ các chính sách thu hút FDI trong giai đoạn mới.
Trong tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim Bank) đã gửi thư đến UBND TP.HCM đề nghị cho phép tiếp cận nghiên cứu đầu tư dự án tuyến Metro số 5 - giai đoạn 2 đoạn ngã tư Bảy Hiền - bến xe mới Cần Giuộc. Hành động của ngân hàng Hàn Quốc đề nghị đầu tư vào dự án Metro số 5 theo hình thức hợp tác công tư (PPP) cho thấy khả năng huy động vốn ngoại cho các dự án hạ tầng giao thông hiện đại và trọng điểm không phải là quá khó khăn.
Quan sát cho thấy, trước Kexim Bank trong các năm 2017-2019 đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án PPP ở Việt Nam. Đơn cử tại TP.HCM, Tập đoàn GS E&C Hàn Quốc trong năm 2018 đã tham gia đầu tư PPP theo hình thức BT tại dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài nay là đường Phạm Văn Đồng, tổng mức đầu tư 495 triệu USD. Trước đó, ở Hà Nam hai nhà đầu tư khác của Nhật Bản là Nexco và Jexway cũng đã mua lại 20% cổ phần của Fecon tại dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý…
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ tính riêng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong năm 2019 đã có hàng chục nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia theo hình thức PPP. Trong đó có những tên tuổi lớn, như Daewoo, Lotte, Hyundai... và nhiều DN cỡ vừa đến từ các thị trường Trung Quốc, Pháp và Philippines.
Không chỉ lĩnh vực giao thông, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến các dự án BOT ngành điện. Ví dụ, các dự án, như: Nhiệt điện Mông Dương 3, Nhiệt điện Quảng Trị, Nhiệt điện Vân Phong 1, Nhiệt điện sông Hậu 2, Nhiệt điện Long Phú 2… trong giai đoạn 2018-2020 vừa qua đều đã kêu gọi vốn ngoại thành công theo hình thức PPP từ các nhà đầu tư nước ngoài là: AES (Hoa Kỳ), EGATI (Thái Lan), Sumitomo, Toyo-Ink (Nhật Bản) và Tata Power (Ấn Độ)… Thậm chí, chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đề xuất các kế hoạch đầu tư các dự án điện khí, cũng với hình thức BOT, như Energy Capital với Dự án Điện khí Bạc Liêu, Sembcorp với Dự án Điện khí Quảng Ngãi, Total với Điện khí Cà Ná, Marubeni với Điện khí Long Sơn… Đây hầu hết là các dự án “khủng”, có vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD và cũng toàn là nhà đầu tư tầm cỡ trên thị trường toàn cầu.
Tháo nút thắt sẽ có hàng chục tỷ USD
Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Mỹ), việc ban hành Luật PPP năm 2020 cho thấy ý định của Chính phủ Việt Nam trong mục tiêu thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư của khu vực tư nhân vào xây dựng hạ tầng.
Hãng này cho rằng, trong khoảng 10 năm tới Việt Nam sẽ cần khoảng 480 tỷ USD để phát triển hạ tầng. Nếu mỗi năm Việt Nam chi 5,7% ngân sách cho hạ tầng thì con số này vẫn chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu vốn để phát triển các đô thị cần thiết, đường sá, cầu cống, trạm điện và bến cảng. Vì vậy, giai đoạn 2021-2030, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là lực lượng đóng vai trò quan trọng để Việt Nam hoàn thành các dự án trọng điểm.
Ông Tony Foster - Luật sư của Văn phòng luật Freshfields Bruckhaus Deringer LLP tại Việt Nam cho rằng, để tạo ra cơ chế thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án PPP, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện và hướng dẫn thực thi Luật PPP đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2020.
Trong đó cần tập trung tháo gỡ một số nút thắt quan trọng. Chẳng hạn, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Đầu tư PPP không còn quy định cho phép bảo đảm nghĩa vụ của cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước đối với dự án. Vậy Chính phủ cần làm rõ cơ sở pháp lý để tiếp tục ban hành thoả thuận về cam kết bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án. Hay hiện nay Luật Đầu tư cũng không cho phép cung cấp bảo đảm ngoại tệ cho các dự án điện độc lập (IPP). Điều này sẽ khiến nhiều dự án điện LNG đang được thực hiện dưới dạng IPP gặp khó khi đưa ra thị trường tài chính. “Nếu tháo gỡ được những nút thắt này thì sẽ có hàng tỷ USD đổ vào các dự án hạ tầng ở Việt Nam dưới hình thức tài trợ miễn truy đòi”, ông Tony Foster nhận định.
Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF cũng cho rằng, hiện nay các quy định chồng chéo giữa các luật liên quan đến Luật PPP còn quá nhiều. Ngoài ra, Luật PPP hiện nay cũng chỉ cho phép áp dụng mức cân bằng ngoại tệ 30% đối với các dự án do Quốc hội và Thủ tướng ban hành. Như vậy, chỉ có dự án năng lượng quy mô lớn mới đủ điều kiện. Chính phủ nên mở rộng phạm vi các dự án đủ điều kiện áp dụng biện pháp cân bằng ngoại tệ để thu hút nhà đầu tư tư nhân.
Ở góc độ khuyến nghị, ông Đào Việt Dũng - Chuyên gia kinh tế của ADB đánh giá rằng, hợp tác quốc tế trong các dự án PPP điều cốt yếu nhất là cân bằng được lợi ích và kỳ vọng của 4 bên. Theo đó, nếu Chính phủ Việt Nam đã xác định thu hút đầu tư tư nhân vào PPP là một chủ trương lớn thì cần có định hướng rõ ràng, các văn bản pháp lý hướng dẫn luật PPP cần nhanh chóng được ban hành trong năm nay, đồng thời cần cân nhắc tính toán đảm bảo các yếu tố bền vững; khả năng chi trả của người sử dụng; độ tín nhiệm của nhà đầu tư; tính ổn định của Chính phủ và khu vực công cũng như khả năng cho vay của ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Mỹ), trong khoảng 10 năm tới Việt Nam sẽ cần khoảng 480 tỷ USD để phát triển hạ tầng. Nếu mỗi năm Việt Nam chi 5,7% ngân sách cho hạ tầng thì con số này vẫn chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu vốn đễ phát triển các đô thị cần thiết, đường xá, cầu cống, trạm điện và bến cảng. Vì vậy, giai đoạn 2021-2030, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là lực lượng đóng vai trò quan trọng để Việt Nam hoàn thành các dự án trọng điểm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận