Coi chừng thao túng trên thị trường phái sinh
Xét về lâu dài thì việc thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh là không thể xảy ra nhưng thao túng ở một thời điểm thì có thể xảy ra đặc biệt là tại các mốc thời gian nhạy cảm như đáo hạn.
Chính thức vận hành ở thị trường Việt Nam từ tháng 8/2017 chứng khoán phái sinh dù sơ khai đã trở thành một phần quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư bởi các lợi thế giao dịch hai chiều (kiếm lời ngay cả khi thị trường giảm).
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (thứ Năm tuần thứ 3 hàng tháng) đang được quan tâm theo một cách đặc biệt. Nhiều bản tin dự báo của các công ty chứng khoán cũng đưa ra những lưu ý liên quan khi gần đến ngày đáo hạn.
Biến động bất thường
Thực tế, tại các ngày đáo hạn sự quan tâm lưu ý phần lớn lại không đến từ việc kết quả lãi lỗ ra sao mà thay vào đó là sự biến động bất thường của chỉ số VN30 trên thị trường cơ sở.
Theo đó, nhiều phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) của ngày đáo hạn hợp đồng tương lai trong thời gian qua ghi nhận diễn biến tăng giảm đột ngột. Sự đột ngột này thường đến từ việc một hoặc một vài mã tăng/giảm mạnh trong phiên ATC. Và kết quả tất yếu là chỉ số Vn-Index cũng biến động mạnh theo vì VN30 gần như là trụ cột chính của sàn HoSE.
Cụ thể, theo quy định tại ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh giá thanh toán sẽ là điểm số của chỉ số cơ sở mà ở đây là VN30-Index. Do đó, đối với các nhà đầu tư giữ vị thế mua (Long) từ trước thì chỉ số VN30 tại ngày đáo hạn càng tăng cao càng có lợi, ngược lại nếu nắm giữ vị thế bán (Short) chỉ số càng giảm nhiều càng tốt.
Việc tác động lên chỉ số tại thời điểm đáo hạn sẽ dễ dàng hơn nếu như cùng xu hướng: VN30-Index đang xu hướng tăng thì việc đẩy giá tăng cao hơn sẽ thuận lợi và ngược lại, vì lợi dụng được cả lực cầu bình thường của các nhà đầu tư khác mua cổ phiếu.
Dẫn ví dụ phiên đáo hạn gần nhất là ngày 21/5, trước khi bước vào phiên ATC giá hợp đồng tương lai VN30F2005 kỳ hạn 1 tháng dao động quanh mức tham chiếu 807,5 điểm bám khá sát chỉ số cơ sở VN30.
Tuy nhiên đến lúc đóng cửa, nhiều lệnh lớn đã được tung ra để mua hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn kéo chỉ số này tăng mạnh 12 điểm chỉ trong đợt này và đóng cửa tại 815,55 điểm.
Cùng với đó lệnh mua tại giá trần bất ngờ đổ vào sàn phái sinh khiến giá hợp đồng tương lai đáo hạn trong phiên này vọt tăng và đóng cửa tại mức trần đạt 864 điểm, cao hơn 48,45 điểm so với mức giá đóng cửa của VN30.
Với diễn biến bất ngờ này, các nhà đầu tư mở vị thế mua trong phiên ATC, mức lỗ đến từ sự chênh lệch giữa giá phái sinh và chỉ số cơ sở là 4,845 triệu đồng/hợp đồng (1 điểm tương đương 100.000 đồng), còn bên mở vị thế bán trong phiên ATC có mức lãi tương ứng.
Điều này đồng nghĩa với việc khiến một số nhà đầu tư thu về được khoản lãi "kếch xù" còn một số nhà đầu tư khác thì "cháy" tài khoản.
Dấu hiệu làm giá
Theo nhận định của ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, trên thị trường phái sinh luôn có người lãi và lỗ, nhưng hiện tượng tăng giá trần trong phiên ngày 21/5/2020 là bất thường, dù những ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai thường có biến động không nhỏ.
Thông thường, rất ít nhà đầu tư thực hiện mở mới vị thế trong phiên ATC mà đa số lệnh được khớp trong phiên này là của các nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận hoặc cắt lỗ.
Theo đó, mức lãi hay lỗ 4,845 triệu đồng/hợp đồng đến từ việc giá phái sinh cao hơn 48,45 điểm so với chỉ số VN30 chủ yếu là của các nhà đầu tư mở vị thế mua/bán từ trước.
Thậm chí mức lãi/lỗ của nhà đầu tư trong phiên 21/5 có thể lớn hơn vì mức giá phái sinh tại thời điểm đóng cửa cao hơn 56,5 điểm so với giá tham chiếu cũng như so với các mức giá giao dịch trước khi bước vào phiên ATC.
Từ việc mức tăng của chỉ số VN30 không lớn nhưng giá của hợp đồng tương lai VN30F2005 tăng trần vào thời điểm cuối phiên bất chấp đây là phiên đáo hạn, mức lãi/lỗ được tính theo VN30 khiến nhiều ý kiến cho rằng đã xuất hiện hiện tượng làm giá chứng khoán phái sinh.
Cơ sở cho nghi ngờ này được các nhà đầu tư phái sinh phân tích rằng nếu mua giá trần trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai sẽ cầm chắc thua lỗ nên diễn biến như phiên 21/5 nhiều khả năng do một nhóm nhà đầu tư gây ra.
Theo đó, nhóm này có thể vừa đặt lệnh mua giá cao để kích giá phái sinh vừa đặt lệnh bán nhằm hiện thực hóa lợi nhuận từ các vị thế mua có trước ở mức giá thấp. Khoản lãi từ việc đóng vị thế mua cũ sẽ lớn hơn nhiều mức lỗ từ việc mở vị thế mua mới.
Thực tế, ngay từ khi thị trường phái sinh đi vào hoạt động nhà đầu tư đã nhiều lần được trải nghiệm sự “biến sắc” đầy bất thường của chỉ số VN30 tại ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F.
Từ “đặc sản” này không ít lần các nhà đầu tư đã đặt ra nghi vấn về việc thao túng giá chỉ số để trục lợi trên thị trường phái sinh. Tuy nhiên, để làm giá các cổ phiếu lớn nhằm thao túng chỉ số VN30 sẽ phải tốn khá nhiều tiền bạc nên việc thao túng thời gian dài là không hiệu quả.
Thế nhưng, thao túng ở một thời điểm lại có thể xảy ra, đặc biệt là các thời điểm nhạy cảm như đáo hạn. Ngoài ra còn một kỹ thuật nữa cũng mang tính thời điểm, là ép giá phái sinh dao động vượt một ngưỡng nào đó để kích hoạt nhiều lệnh kỹ thuật.
Một nhà đầu tư phái sinh sau khi trải qua những "đau thương" đã đưa ra nhận định rằng thị trường này đang thuần về đầu cơ hơn là đầu tư là “nơi tập hợp đầy rẫy những cá mập có tiềm lực tài chính mạnh đang chờ đón bạn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận