menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Miên

Có trường hợp thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ để vay tiền rồi đi gửi lấy lãi

Rất nhiều trường hợp vay vốn ưu đãi chính sách rồi đem cho cá nhân vay lại với lãi suất cao hoặc gửi sang ngân hàng khác để ăn lãi chênh lệch.

Một trong những nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước cấm các nhà băng cho vay để gửi tiết kiệm là có trường hợp thế chấp cả sổ tiết kiệm ngoại tệ để vay tiền rồi gửi vào ngân hàng lấy lãi.

Cấm khách vay tiền ngân hàng để gửi tiết kiệm

Kể từ 1/9, theo quy định mới tại Thông tư 06/2023, các ngân hàng sẽ không được cho vay vốn để khách gửi tiền tiết kiệm.

Lý giải điều này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tiễn thời gian qua có phát sinh trường hợp ngân hàng đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ để vay tiền đồng để gửi tiết kiệm.

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số cảnh báo các tổ chức tín dụng.

"Bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng; không phải là tiền đi vay từ ngân hàng", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Cấm vay vốn để thanh toán tiền mua cổ phần doanh nghiệp chưa niêm yết

Ngoài ra, ngân hàng cũng không được cho khách vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh là vốn điều lệ của công ty trên báo cáo tài chính, do vậy nếu hình thành từ vốn vay sẽ phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty.

Đồng thời, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc ngân hàng cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro. Nhu cầu vốn này khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do ngân hàng không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.

"Đây là một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau", Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Về phía khách hàng và việc sử dụng vốn vay, nguồn trả nợ của khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền từ chủ đầu tư (hoàn trả vốn góp và lợi tức); giá trị khoản vay khá lớn, khách hàng vay có thể là các doanh nghiệp mới thành lập, không có nguồn trả nợ nào khác, hoặc nếu có nguồn trả nợ khác thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.

Trên thực tế, bên nhận vốn góp sử dụng khoản vay góp vốn của khách hàng tại tổ chức tín dụng phần lớn để kinh doanh/khai thác vào các dự án; trong khi các dự án này chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa đủ điều kiện triển khai theo quy định của pháp luật.

"Trường hợp rủi ro xảy ra, do dự án chưa đảm bảo tính pháp lý, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ phát sinh rất nhiều vướng mắc và khó xử lý", Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn nhiều rủi ro

Tổ chức tín dụng cũng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, việc cho vay với các nhu cầu vốn này để thực hiện dự án, mà dự án lại không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tiềm ẩn rủi ro.

Nguyên nhân do các khoản hợp tác kinh doanh, góp vốn có thời gian góp vốn và lợi tức góp vốn cố định, không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nhận góp vốn; mà nguồn trả nợ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của chủ đầu tư, khách hàng vay vốn không có nguồn trả nợ nào khác hoặc có thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.

Bên cạnh đó, nếu dự án chưa bảo đảm tính pháp lý, điều kiện để triển khai sẽ phát sinh rủi ro khi dự án không có nguồn thu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và vướng mắc trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Đối với quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để bù đắp tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho biết cho vay bù đắp tài chính là việc các nhà băng cho khách hàng vay để bù đắp các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng, vốn vay từ cá nhân, tổ chức nhằm thực hiện phương án, dự án hoạt động kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống.

"Việc cho khách hàng vay để bù đắp tài chính tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay do khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch", Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Đơn cử, khi không có hồ sơ, tài liệu đủ tin cậy chứng minh cho phương án vay vốn của khách hàng, nhiều trường hợp cho vay bù đắp nhu cầu phục vụ đời sống như để thanh toán giao dịch phát sinh từ lâu (5 năm, 10 năm trước đây) và chứng từ là giấy tờ viết tay mượn tiền giữa các cá nhân để mua bất động sản/hàng hóa thường với số tiền giá trị khá lớn... ngân hàng khó xác định nguồn tiền mà khách hàng đã ứng trước, không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân cho vay.

Tuy nhiên, trên thực tế có một số nhu cầu vốn vay bù đắp là chính đáng, như trường hợp doanh nghiệp đang làm thủ tục vay vốn trung, dài hạn để thực hiện dự án kinh doanh, trong thời gian chưa được phê duyệt khoản vay trung, dài hạn, doanh nghiệp cần phải thanh toán một số chi phí phát sinh liên quan đến dự án mà các khoản chi phí này đã được đưa vào phương án sử dụng vốn vay và theo đó, doanh nghiệp đã phải ứng trước vốn của mình để thanh toán, đảm bảo tiến độ dự án.

Đối với trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau khi khoản vay trung dài hạn được phê duyệt, tổ chức tín dụng giải ngân số tiền doanh nghiệp ứng trước vốn đã thực hiện dự án; đồng thời, tiếp tục xem xét giải ngân để thực hiện dự án đó nếu doanh nghiệp có nhu cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại