Có thể mất hơn 12 triệu lượt khách quốc tế, du lịch phục hồi ra sao?
Hiện tại, không ai có thể đưa ra nhận xét chắc chắn về thời điểm có thể phục hồi lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, có dự báo là Việt Nam có thể sẽ mất hơn 70% lượng khách quốc tế, tức 12,5 triệu lượt khách trong năm 2020 này và thời gian phục hồi sẽ rất dài.
Hai kịch bản tham khảo
Trong tháng 3 vừa qua, cả nước chỉ đón 449.923 lượt khách quốc tế, thấp kỷ lục trong rất nhiều năm qua nhưng có thể chưa là tháng tồi tệ nhất. Ước tính, trong tháng 4, thậm chí là trong cả hai tháng 5 và 6 tới đây, ngành du lịch mới thực sự "chẳng còn gì" vì những hạn chế về nhập cảnh, đi lại hàng không... để ngăn dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, cho rằng hiện vẫn còn một số du khách quốc tế ở lại do những lý do khách quan như ngừng đường bay, đóng cửa biên giới. Trong thời gian tới, sự suy giảm này mới thực sự chạm đáy.
Dựa trên dữ liệu về khách quốc tế đến cả nước trong thời gian qua, tình hình phục hồi của du lịch sau các sự cố như dịch SARS 2003, khủng hoảng tài chính 2009 và diễn biến dịch trên thế giới, chuyên gia này đưa ra hai kịch bản phục hồi chính để tham khảo.
Đầu tiên, dịch kết thúc cuối tháng 6-2020, đồng nghĩa với việc từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ gần như không có khách quốc tế đến Việt Nam. Đến cuối năm 2020, lượng du khách sẽ dần được phục hồi nhưng rất ít nên không thể có tăng trưởng dương so với năm 2019.
Theo ông Lê Tuấn Anh, khi dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động du lịch công vụ có thể được phục hồi trước do nhu cầu thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất... Tuy nhiên, do các nước vẫn còn duy trì các biện pháp phòng dịch Covid-19 tái diễn, vì vậy độ mở về việc đi lại giữa các quốc gia chưa được bình thường như trước khi có dịch.
Với kịch bản này, các thị trường trong khu vực châu Á có khả năng sẽ phục hồi sớm. Số lượt khách quốc tế đến trong năm nay có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, tức giảm 12,5 triệu lượt, còn khoảng 5,5 triệu lượt.
Kịch bản thứ hai, dịch kéo dài, đặc biệt là ở châu Âu, Bắc Mỹ và đến cuối tháng 9 năm nay mới kết thúc. Lúc này, cho dù khu vực châu Á đã cơ bản khống chế được dịch trước nhưng các biện pháp hạn chế đi lại, giao thương vẫn bị hạn chế để ngăn ngừa dịch lây lan.
Vì vậy, thời gian "gần như không có khách du lịch quốc tế" sẽ kéo dài hơn, từ tháng 4 đến tháng 9. Lượng khách chỉ có thể bắt đầu được hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với loại hình du lịch công vụ, giao thương. Theo kịch bản này, số lượt khách quốc tế năm nay sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.
Ông Tuấn Anh còn có thêm một kịch bản dự phòng cho diễn biến xấu hơn là đến hết tháng 12-2020 dịch vẫn chưa kết thúc. Do đó, từ tháng 4 đến tháng 12-2020 sẽ gần như không có khách quốc tế đến. Tổng số khách quốc tế trong cả năm sẽ giảm khoảng 80% so với năm ngoái, chỉ bằng số khách của quí 1 năm nay, cỡ 3,7 triệu lượt.
Không kỳ vọng "lò xo" bung ngay sau dịch
Dịch SARS 2003, khủng hoảng tài chính 2009 làm khách quốc tế đến Việt Nam giảm nhưng không giảm quá sâu và phục hồi nhanh sau đó. Đồ họa: Đào Loan
Trao đổi với TBKTSG Online trong những ngày gần đây, dù đang trong tình trạng rất khó khăn nhưng một số doanh nghiệp trong ngành du lịch vẫn có niềm tin vào khả năng hồi phục sớm của thị trường. Đặc biệt là những thị trường gần.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, Covid-19 lần này khác hoàn toàn với những biến cố làm suy giảm khách trước đây như dịch SARS 2003 hay khủng hoảng tài chính 2009. Những lần đó, quy mô của du lịch Việt Nam còn nhỏ, các đợt suy giảm khách diễn ra nhanh và cũng kết thúc nhanh, có thể lần này sẽ khó lạc quan được như thế.
Theo ông Tuấn Anh, dich Covid‐19 kéo dài làm ngừng trệ các hoạt động du lịch. Sau khi dịch được khống chế, du khách không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch đi du lịch vào cuối năm. Thêm vào đó là tâm lý vẫn còn e ngại dịch bệnh nên năm 2020 được dự báo sẽ là năm tăng trưởng thấp kỷ lục của du lịch Việt Nam.
"Tôi cho rằng sẽ không có nhiều lạc quan, sẽ khó có việc du lịch xuống đáy bùng rồi lên ngay mà có khả năng cao là chưa biết thời điểm phục hồi hoặc trước mắt là phục hồi chậm", ông Tuấn Anh nói.
Trong lần trao đổi trước đây, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, cũng cho rằng ngành du lịch sẽ mất nhiều thời gian để có thể phục hồi sau Covid-19.
Giới doanh nhân gọi đây là một đợt khủng hoảng kép vì dịch bệnh làm nền tảng của du lịch, là những thói quen, sở thích thói quen như đi lại, gặp gỡ, giao tiếp, thăm thân mất đi vì nhiều người thực hiện cách ly xã hội (social distancing) để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Việc này làm nhu cầu du lịch giảm đi hoặc bị kìm nén lại và có thể sẽ kéo dài từ 6-12 tháng. Tiếp sau đó là sức mua giảm vì người dân không còn tiền, tương tự như sự ảnh hưởng dây chuyền của khủng hoảng tài chính.
Tổng giám đốc một công ty lữ hành lớn tại TPHCM cũng cho rằng kỳ vọng lạc quan nhất hiện nay là đến tháng 6 tới hết dịch. Khi mọi người được tự do đi lại thì hàng không, khách sạn, nhà hàng phục hồi, kế đến là đến lữ hành.
Doanh nhân này cho rằng, nếu được vậy, mảng du lịch nước ngoài có thể sẽ kéo được khách vào mùa thu và hy vọng khách châu Âu vẫn giữ kế hoạch đi nghỉ đông để còn có một ít khách vào mùa du lịch cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận