Có thể được đàm phán giá trong mua sắm thuốc, biệt dược
Để cơ quan y tế chủ động trong mua sắm, Luật Đấu thầu sửa đổi có thể cho áp dụng đàm phán giá, sử dụng danh sách nhà thầu nhiều lần.
Thời gian qua, nhiều bệnh viện trên cả nước gặp khủng hoảng do thiếu vật tư y tế, bệnh nhân phải tự mua dụng cụ cho các bác sĩ cấp cứu vì vướng mắc về quy định mua sắm. Mới đây, Chính phủ đã cho phép bệnh viện thí điểm một số cơ chế mới mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền. Tuy nhiên, về lâu dài, sửa đổi quy định tại Luật Đấu thầu được kỳ vọng mới giải quyết dứt điểm vướng mắc.
Báo cáo phương án tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 15/3, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, cho biết dự thảo đã có quy định về chỉ định thầu, đàm phán giá với thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. Ngoài lựa chọn nhà thầu, cơ sở y tế còn được đàm phán giá, sử dụng danh sách nhà thầu nhiều lần, mua sắm hóa chất, sinh phẩm kèm theo nhà thầu phải cung cấp máy móc xét nghiệm để sử dụng.
Trong đó, dự thảo luật quy định chỉ định thầu áp dụng cho gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hoá chất, trang thiết bị y tế cho phòng chống dịch bệnh, cấp cứu cần triển khai ngay để tránh nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ người dân.
Việc đàm phán giá được áp dụng riêng với các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu, thuốc, dược liệu chỉ có 1-2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, một số ý kiến cho rằng quy định về việc chỉ định thầu trong trường hợp phục vụ phòng chống dịch, cấp cứu người cần triển khai ngay có thể dẫn đến lạm dụng chỉ định thầu.
Phản hồi ý kiến này, Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận cho biết, việc mua vật tư y tế, thuốc, hoá chất trong phòng chống dịch, cấp cứu là có điều kiện. Trong điều kiện bình thường, các cơ sở y tế đều có vật tư, thuốc men, nhưng trong trường hợp thiên tai, địch hoạ xảy ra, nhu cầu sử dụng có thể vượt quá bình thường. "Lúc này chỉ định thầu là cần thiết", ông nói.
Góp ý thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói cần nghiên cứu thêm một số nội dung về đấu thầu trong y tế để khi luật đi vào cuộc sống vận hành hiệu quả.
Ví dụ với việc đàm phán giá cho biệt dược, ông nói, cần phải làm rõ quy định, điều khoản về trường hợp được đàm phán hoặc không.
"Biệt dược nhưng có thuốc generic (bản sao của biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự) thì phải đấu thầu", ông nói và nhấn mạnh tránh trường hợp mua biệt dược toàn đàm phán thay vì đấu thầu. Bởi lẽ, đấu thầu mua sắm vẫn là biện pháp hiệu quả.
"Nếu biệt dược chỉ có một loại, chỉ có một nhà đầu tư thì mới dứt khoát đàm phán", ông nói thêm. Ngoài ra, ông cũng lưu ý, cần bổ sung cụm "hoá chất" vào nhóm trang thiết bị vật tư y tế. Hiện hoá chất không nằm trong nhóm này, và nếu không bổ sung, khi thực thi Luật sẽ "gay go".
Chia sẻ về đàm phán giá, Thứ trưởng Lê Đức Luận nói, đàm phán giá trong trường hợp thuốc, biệt dược có một hai nhà sản xuất là phù hợp. Việc đàm phán cũng phức tạp khi có hội đồng đàm phán lẫn hội đồng thẩm định công việc này. Tuy nhiên, ông đề nghị đưa dược liệu ra khỏi danh mục đàm phán giá vì đây vẫn chưa phải là thuốc.
Ngoài ra, ông cũng đồng tình với Chủ tịch Quốc hội về việc bổ sung hoá chất vào nhóm trang thiết bị y tế. "Đang có hai loại hoá chất, một loại đi theo máy xét nghiệm y tế thì thuộc nhóm trang thiết bị, loại còn lại đang thiếu và cần bổ sung", ông nói.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết có rất nhiều vấn đề bất cập với lĩnh vực y tế trong hoạt động đấu thầu, đầu tư. "Nhưng nói đi nói lại, trước hết là do quá trình thực hiện không tốt. Thứ hai là các quy định từ các văn bản dưới luật, toàn vướng ở nghị định, thông tư mà thông tư là của chính Bộ Y tế", ông Dũng nói.
Theo ông, việc giải quyết những vướng mắc về đấu thầu trong y tế rất mất công, phải xử lý theo từng nghị quyết. "Lần này sửa chữa bằng cách luật hoá, tìm cách bao phủ, giải quyết hết", Bộ trưởng Dũng nói.
Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư thực tế kéo dài từ 2022 đến nay, theo ngành y tế, chủ yếu do Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế và Thông tư 68 của Bộ Tài chính thiếu hướng dẫn chi tiết.
Vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với các bên liên quan đề nghị các Bộ Y tế, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ phối hợp sửa quy định về quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số lưu hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận