Cổ phiếu VNZ phá vỡ kỷ lục thị giá, tài sản ông Lê Hồng Minh lọt top nghìn tỷ
Chỉ sau 2 phiên có giao dịch khớp lệnh, giá trị vốn hóa của “kỳ lân” công nghệ VNG đã tăng thêm 5.250 tỷ, lên xấp xỉ 13.850 tỷ đồng (~590 triệu USD).
Ngày 1/2/2023, sau hàng chục phiên "trắng" thanh khoản, CTCP VNG (mã: VNZ) chính thức ghi nhận những cổ phiếu đầu tiên được khớp lệnh trên sàn chứng khoán.
Kết phiên giao dịch, cổ phiếu VNZ đã tăng kịch trần (tăng 96.000 đồng, +40%) lên mức 386.400 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hoá VNG lên 13.850 tỷ đồng (~590 triệu USD).
Với biên độ phiên khớp lệnh đầu tiên sau khi chào sàn UpCOM lên đến 40%, VNZ đã lập kỷ lục trở thành cổ phiếu có mức tăng trong một phiên mạnh nhất lịch sử tính theo số tuyệt đối. Con số này thậm chí còn cao hơn thị giá của phần lớn cổ phiếu trên toàn sàn chứng khoán.
Như vậy, sau 2 phiên tăng trần liên tiếp, “kỳ lân” công nghệ này đã có thêm 5.250 tỷ vốn hóa. Với hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ đang nắm giữ (tỷ lệ 9,837% vốn), khối tài sản trên sàn chứng khoán của Lê Hồng Minh - CEO VNG cũng tăng thêm hơn 500 tỷ, qua đó vượt mức 1.360 tỷ đồng, đồng thời đưa ông Lê Hồng Minh gia nhập CLB những người sở hữu tài sản nghìn tỷ trên sàn giao dịch.
So với dàn lãnh đạo nhóm các công ty công nghệ, ông Minh đã vươn lên trở thành người giàu thứ 4, xếp sau 3 đại diện liên quan đến cổ phiếu FPT và vượt Phó chủ tịch FPT Đỗ Cao Bảo.
Điều đáng nói, cổ phiếu VNZ bất ngờ có thanh khoản trong bối cảnh VNG vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 với kết quả không mấy khả quan. Năm 2022, doanh nghiệp này lỗ ròng lên đến 1.315 tỷ đồng trong đó lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 858 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG.
Về vai trò hiện tại của ông Lê Hồng Minh, trước đó, VNG đã công bố thông tin về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Hồng Minh – đồng sáng lập VNG từ ngày 1/1/2023. Ông Võ Sỹ Nhân được bổ nhiệm vào vị trí này thay cho ông Lê Hồng Minh trong nhiệm kỳ 2022-2025. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Hiện ông Lê Hồng Minh vẫn là Tổng giám đốc của VNG.
Việc ông Minh rời vị trí Chủ tịch HĐQT của VNG có thể là để phù hợp với quy định "Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) của 01 công ty đại chúng", tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Trước diễn biến giằng co của 2 phiên đầu tháng, các công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ rung lắc mạnh trong các phiên tới. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ thị trường tạo điểm cân bằng trước khi xem xét việc mở mới giao dịch.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) nhận định, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp và đi ngang trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và kèm thanh khoản thấp, đồ thị giá của VN-Index xuất hiện mô hình nến Harami Cross cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong phiên giao dịch kế tiếp.
Ngoài ra, áp lực giảm vẫn có thể sẽ còn diễn ra, theo FSC, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên vội mua vào trong thời điểm này. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể dừng mua và cơ cấu lại danh mục ngắn hạn để giảm rủi ro ngắn hạn.
Lạc quan hơn, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, trong ngắn hạn, chỉ số có thể sẽ tiếp tục có những phiên giằng co trong vùng 1.070 - 1.080, nhưng cũng không loại trừ khả năng áp lực chốt lời sau đợt hồi phục trước đó mạnh và đẩy chỉ số xuống tiếp. “Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới” – BSC lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận