menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Anh Dũng

Cổ phiếu “rơi” sâu phiên 10/1: CEO, DIG đã được cảnh báo, một cổ phiếu trong VN30 gây bất ngờ

Nhà đầu tư đu đỉnh CEO, DIG, CII, POW trong ngày 10/1 đều đã tạm lỗ từ 10 - 17% chỉ sau một phiên và chưa hẹn ngày “về bờ”.

Thị trường chứng khoán ngày 10/1 chứng kiến nhiều cú “quay xe” của các cổ phiếu nóng dưới áp lực chốt lời dồn dập. Trong số này đáng chú ý có cái tên đã được CTCK SBS cảnh báo “nguy hiểm” từ cuối tuần trước là CEO của Tập đoàn C.E.O. Báo cáo của SBS đánh giá mức độ cực kỳ rủi ro đối với cổ phiếu này khi thị giá đang bị thổi phồng quá mức (gấp hơn 9 lần chỉ trong khoảng 3 tháng) bởi dòng tiền đầu cơ.

Cổ phiếu “rơi” sâu phiên 10/1: CEO, DIG đã được cảnh báo, một cổ phiếu trong VN30 gây bất ngờ

Cổ phiếu CEO tăng hơn 9 lần trong khoảng 3 tháng trước khi quay đầu

Trong phiên 10/1, CEO có thời điểm đã chạm đến 100.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 8,1% nhưng cuối cùng lại kết phiên tại mức giá sàn 83.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nhà đầu tư mua vào mức cao nhất phiên đã nhanh chóng lỗ ngay gần 17%. Đáng lo ngại hơn là đà rơi của CEO có thể vẫn chưa dừng lại bởi áp lực chốt lời vẫn còn rất lớn sau nhịp tăng sốc vừa qua.

Báo cáo của SBS chi ra rủi ro đầu tư là việc giá cổ phiếu CEO đã tăng cao bất thường và không phản ánh đúng thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp. Định giá doanh nghiệp theo hai phương pháp so sánh P/B ngành và phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, kể cả trong kịch bản khả quan, mức giá hợp lý mà SBS đưa ra cho cổ phiếu CEO chỉ là 21.695 đồng/cổ phiếu.

Theo SBS, CEO là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quỹ đất giá trị, lên đến 962,1 ha và chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khả năng triển khai dự án của CEO còn hạn chế do thiếu quy mô vốn đầu tư, dẫn đến tiến độ triển khai các dự án vẫn bỏ ngỏ. Đồng thời, khi dịch COVID-19 xảy ra, sự linh hoạt và điều hành của ban lãnh đạo còn nhiều hạn chế khiến doanh nghiệp có khả năng thích nghi kém so với các đối thủ.

CTCK này còn chỉ ra điểm yếu của CEO đến từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính không hợp lý, cụ thể là vay ngắn hạn quá nhiều cho những dự án dài hạn. Tỷ lệ Tổng nợ/Tổng tài sản đạt 0,54 trong khi Tổng nợ/Vốn chủ sở hữu là 1,17. Tính đến cuối tháng 9/2021, CEO chỉ có 50 tỷ đồng tiền mặt trong khi nợ ngắn hạn lên đến 2.066 tỷ đồng.

Một cổ phiếu khác cũng đảo chiều chóng vánh trong phiên 10/1 là DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Dù không nằm sàn nhưng cổ phiếu này thậm chí đã rơi từ mức giá trần xuống giảm gần 4,4% cuối phiên. Đương nhiên, nhà đầu tư đu đỉnh đã lỗ ngay 11,4%.

Trên thực tế, dù giảm phiên 10/1 thì thị giá 112.000 đồng/cổ phiếu của DIG vẫn cao hơn 63% so với cách đây 1 tháng và gấp 3,7 lần thời điểm đầu tháng 10/2021. Do đà tăng quá “nóng”, Chứng khoán VDSC đã đưa ra dự báo có phần thận trọng đối với DIG cùng mức giá mục tiêu chỉ 36.100 đồng/cổ phiếu, tức là chỉ tương đương 1/3 mức thị giá hiện tại.

Cổ phiếu “rơi” sâu phiên 10/1: CEO, DIG đã được cảnh báo, một cổ phiếu trong VN30 gây bất ngờ

Nhà đầu tư đu đỉnh DIG tạm lỗ 11,4% chỉ sau một phiên

VDSC cũng đề cập đến rủi ro về việc giá đất tăng cao có thể ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án lớn như Long Tân và Bắc Vũng Tàu và dù có quỹ đất lớn nhưng thời gian triển khai không chắc chắn.

Cụ thể, DIC Corp đang tập trung phát triển 7 dự án với tổng diện tích là 802 ha. Trong đó, 406 ha quỹ đất được đảm bảo, tương đương 51% tổng diện tích. Tuy nhiên, công ty đã chuyển nhượng một số dự án có vị trí tốt bao gồm Đại Phước (45 ha), cùng với việc hoàn thành bàn giao Gateway (2,3 ha) và bán hàng tại Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1 và 2 (140 ha). Do đó, dự kiến quỹ đất sạch còn lại để phát triển ước tính vào khoảng 266 ha.

Cùng trải qua một nhịp tăng nóng theo sóng bất động sản, cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM chưa đến mức bị cảnh báo như 2 cái tên kể trên nhưng cũng đã bất ngờ quay xe ngay vùng đỉnh. Việc cổ phiếu này rơi từ mức giá sát trần xuống nằm sàn khiến nhà đầu tư đu đỉnh đã nhanh chóng mất 12,5% chỉ sau 1 phiên.

Trên thực tế, trong chuỗi ngày tăng nóng trước đó, CII cũng đã từng đưa nhà đầu tư trượt từ giá trần xuống dưới tham chiếu trong phiên khớp lệnh kỷ lục (trên 10% lượng cổ phiếu lưu hành) ngày 15/12/2021. Việc CII tiếp tục tăng mạnh sau phiên giao dịch trên có thể phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữ tại thời điểm này.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng thời điểm “thay máu” cổ đông phiên 15/12 mức giá cao nhất phiên của CII chỉ 31.650 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá hiện tại đã tăng hơn 70% so với thời điểm đó. Động thái chốt lời nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu đặc biệt khi cổ đông ngoại vẫn đang trong thời gian đăng ký bán ra.

Cổ phiếu “rơi” sâu phiên 10/1: CEO, DIG đã được cảnh báo, một cổ phiếu trong VN30 gây bất ngờ

Cổ phiếu CII rơi từ giá sát trần về nằm sàn phiên 10/1

CII được biết đến là một trong những đơn vị có quỹ đất lớn ở Thủ Thiêm với một số dự án tiêu biểu như Thủ Thiêm Lakeview có tổng diện tích sàn là 33.000m2; The River Thủ Thiêm với tổng diện tích sàn là 190.000m2. Không thể phủ nhận, đà tăng mạnh của cổ phiếu này trong thời gian qua được hỗ trợ đáng kể từ phiên đấu giá đất gây nhiều tranh cãi.

Vì vậy, nhà đầu tư có ý định bắt đáy cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền bởi những luồng thông tin trái chiều có thể sẽ tác động tiêu cực đến diễn biến giá cổ phiếu theo cách khó lường trước được.

Cái tên gây bất ngờ nhất trong phiên 10/1 phải kể đến cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power). Cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 nằm sàn ngày 10/1 dù trong phiên có thời điểm đã tăng hơn 3% tương đương biên độ dao động 10%, con số nhà đầu tư không được thấy nhiều trên nhóm vốn hóa lớn.

Dù là cổ phiếu trong nhóm VN30 nhưng diễn biến thời gian gần đây của cổ phiếu này lại có nhiều hơi hướng đầu cơ khi không ít lần đưa nhà đầu tư đi “tàu lượn”. POW từng "tặng" cho cổ đông 1 cây sàn với thanh khoản kỷ lục ngày giáng sinh (24/12) nhưng ngay sau đó đã trả lại cho nhà đầu tư một phiên ngược dòng tăng trần.

Cổ phiếu “rơi” sâu phiên 10/1: CEO, DIG đã được cảnh báo, một cổ phiếu trong VN30 gây bất ngờ

Cổ phiếu POW đưa nhà đầu tư đi "tàu lượn"

Biến động mạnh của cổ phiếu POW những ngày cuối năm xuất phát từ thông tin doanh nghiệp đầu ngành điện khí dự kiến báo lỗ trong quý cuối năm 2021 do các chi phí bảo dưỡng sửa chữa và sự cố kỹ thuật của Vũng Áng. Đáng chú ý, biến cố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh nhưng PV Power lại công bố chưa đủ rõ ràng để nhà đầu tư nắm bắt kịp thời.

Nhà máy điện than Vũng Áng bị sự cố kỹ thuật từ tháng 9/2021 và PV Power ước tính sửa xong trong quý 3/2022. Do đó, sản lượng điện từ nhà máy Vũng Áng đã giảm 63% so với cùng kỳ trong tháng 10 và tháng 11/2021. Năm 2022, ban lãnh đạo công ty cũng lên kế hoạch thận trọng với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 3,4% và 61% so với ước tính năm 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Yêu thích
16 Bình luận 11 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại