[Cổ phiếu nổi bật tuần] Tăng hơn 14%, NBB có dấu hiệu “ngóc đầu” từ sau sự cố hỏa hoạn chung cư Carina
Sự cố hỏa hoạn chung cư Carina đã khiến giá cổ phiếu NBB bốc hơi gần 25%. Hơn một năm sau, thị giá mới gượng dậy nhờ việc bơm tiền từ chuyển nhượng dự án và tuyên bố trả cổ tức 50% tiền mặt.
Diễn biến giá cổ phiếu NBB
Tuần qua, cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy nổi sóng trong 2 phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu, qua đó có được mức tăng 14,21% trong cả tuần lên 21.700 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu NBB trong vòng 2 năm trở lại đây.
Một số nhà đầu tư đã khá lạc quan nhận định NBB là cơ hội "ăn tiền" bởi trong đợt tăng này NBB cũng bứt mạnh khỏi ngưỡng MA200. Họ kỳ vọng giá cổ phiếu NBB có thể trở lại mặt bằng giá 25.000 đồng/cổ phiếu - mức giá NBB đã từng đạt được trước sự cố hỏa hoạn chung cư Carina.
Thêm một cơ sở nữa cho hy vọng là NBB còn được ban lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra mức định giá cao hơn là 50.000 đồng – 55.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, công ty mẹ là CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật (CII) - hiện nắm 61,82% cồ phần NBB đã từng định giá NBB gần 72.000 đồng/cổ phiếu.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng khi giá cổ phiếu từng có ít nhất 2 lần vượt MA200 nhưng chỉ tạo được các nhịp sóng ngắn hạn và đều tuột dốc để mất ngưỡng quan trọng này. Bên cạnh đó, với thanh khoản không ổn định, NBB cũng không hề là một cổ phiếu "dễ chơi".
Rạng sáng ngày 23 tháng 3 năm 2018, một vụ hỏa hoạn đã bùng phát tại khu chung cư Carina Plaza (gồm 3 tòa nhà), tọa lạc tại số 1648, đại lộ Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Theo ước tính của ban lãnh đạo NBB, tổng chi phí xử lý hậu quả sự cố Carina là 70 tỷ đồng.
Lợi nhuận đột biến nhờ sang tay dự án và lời hứa trả 50% cổ tức tiền mặt
Dù thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng do vụ hỏa hoạn tháng 3/2018, NBB vẫn có kết quả tài chính tích cực trong năm 2018. Công ty đạt doanh thu gần 1.140 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ 152,9 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 năm của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, NBB còn gây bất ngờ hơn nữa trong 6 tháng đầu năm nay khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ còn cao hơn cả năm 2018, đạt 228 tỷ đồng.
Dù doanh thu thuần nửa năm của NBB chỉ đạt có 111 tỷ đồng nhưng Công ty lại có khoản thu nhập khác "khủng" lên tới 262,51 tỷ đồng.
Được biết nguồn thu đột biến này đến từ việc chuyển nhượng Quyền tham gia Dự án đầu tư Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi cho CTCP Đầu tư Pearl City.
Theo tìm hiểu của BizLIVE, đây là một doanh nghiệp mới được thành lập khoảng 4 tháng (từ ngày 21/5/2019) và đặt trụ sở tại Quảng Ngãi với ngành nghề chính là buôn bán máy móc, thiết bị phụ tùng. Điều này có thể khiến cho không ít nhà đầu tư đặt hoài nghi về giao dịch này bởi Công ty mẹ CII cũng thường xuyên có giao dịch có tính thủ thuật tài chính.
Dù sao, nhờ có khoản thu nhập này, NBB đã có được nguồn tiền bổ sung kịp thời giúp Công ty giải quyết vấn đề thanh khoản. Theo BCTC được soát xét 6 tháng, tỷ lệ đòn bẩy vẫn ở mức cao khi Nợ phải trả/Vốn Chủ sở hữu đang ở mức 1,5 lần.
Tiền mặt Công ty nhờ thương vụ trên đã tăng từ mức 67,24 tỷ đồng lên 109,95 tỷ đồng. Trong quý II/2019, Công ty đã có thể trả 132 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu quỹ và gần 100 tỷ đồng để trả nợ gốc.
Có lẽ, chính điều này đã giúp cho NBB có "tự tin" để tuyên bố trả 50% cổ tức tiền mặt tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua vào ngày 29/8.
Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường NBB vào cuối tháng 8/2019.
Được biết, năm 2019, NBB dự kiến nguồn thu đến từ các dự án khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside (City Gate 2), khu dân cư Sơn Tịnh, Khu biệt thự Đồi Thủy Sản.
Trước mắt, cổ đông NBB mong muốn nhận cổ tức sẽ phải cần phải đợi dòng tiền từ các dự án này. Tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, trước đã câu hỏi về thời gian chi trả cổ tức, ban lãnh đạo NBB cho biết việc chi trả cổ tức cho cổ đông sẽ thực hiện khi có đủ điều kiện chi trả. Theo tính toán, NBB sẽ cần khoảng 432 tỷ đồng để chi trả khoản này, tương đương gấp 4 lần số dư tiền mặt cuối quý II/2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận