Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng
Năm 2019 khép lại đánh dấu một năm không thực sự thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ tăng hơn 7,67% so với cuối 2018, đạt 960,99 điểm dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đều đạt kết quả tốt. Năm 2020,
Đầu năm nhiều CTCK đã công bố báo cáo chiến lược đầu tư 2020 và đều dự báo thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực hơn. VN-Index có thể vượt được mốc 1.000 điểm. Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở dựa trên một số yếu tố. Thứ nhất, vĩ mô ổn định và dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức cao. Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có nhiều phiên thăng hoa như phiên 9/1 VN-Index tăng 11 điểm, còn phiên 10/1 cũng tăng được 9 điểm... dù đang chịu không ít áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới, bất ổn địa chính trị.... Đáng nói ở đây là trong các phiên thị trường thăng hoa cũng như cố gắng giữ không bị điều chỉnh mạnh đều nhờ lực đỡ từ cổ phiếu ngân hàng.
Đánh giá chung về cổ phiếu ngân hàng, nhiều nhà phân tích cho rằng, cổ phiếu này vẫn giữ được phong độ ổn định nhờ nền tảng hoạt động kinh doanh tốt. VDSC nhận xét, sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu, hiện đã có nhiều ngân hàng Việt Nam tất toán nợ xấu bán cho VAMC. Bên cạnh đó, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng khả quan trong giai đoạn 2017-2019, không chỉ nhờ chi phí dự phòng giảm mà còn nhờ tăng trưởng doanh số mảng dịch vụ với danh mục sản phẩm đa dạng hơn.
Theo đó, nhiều NHTM vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với những con số cực kỳ ấn tượng. Với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020, một số nhà phân tích của các CTCK nhận định dư địa tăng trưởng của nhóm ngân hàng nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Do vậy, việc dòng tiền tập trung nhiều vào nhóm ngân hàng trong năm 2020 là điều dễ hiểu.
TS. Cấn Văn Lực đánh giá: nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, nền tảng hoạt động kinh doanh ngân hàng tăng trưởng tốt, nợ xấu được xử lý ráo riết hơn... sẽ là yếu tố tác động tích cực đến cổ phiếu ngân hàng. “Trong năm 2019 cổ phiếu ngân hàng tăng 20% chỉ xếp thứ 2 sau nhóm cổ phiếu ngành công nghệ viễn thông, cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang tăng trưởng khá tốt”, TS. Cấn Văn Lực nhận xét.
CTCK Kim Eng cũng đưa ra đánh giá tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng như các quy định cân bằng tiếp tục hỗ trợ khối ngân hàng duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh đó bối cảnh vĩ mô thuận lợi cùng với đà tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất trong khu vực cũng là một động lực cho các ngân hàng. Cùng với đó là định giá của nhiều ngân hàng Việt Nam đã trở lại mức rất hấp dẫn vốn có và chất xúc tác từ việc các quỹ ETF mới (như VN Diamond Index) sẽ được ra mắt trong quí I/2020 có thể giúp khắc phục sự khác biệt về định giá do các vấn đề sở hữu ngoại (FOL) gây ra.
Tuy nhiên cũng có quan điểm tỏ ra thận trọng hơn như ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư của CTCK Kim Eng cho rằng, năm 2020, cơ hội sinh lời từ đầu tư cổ phiếu ngân hàng không quá cao. Nguyên do, mặc dù ngân hàng đang tăng trưởng, nhưng trong 20 năm qua cổ phiếu ngân hàng chỉ có khoảng 4 -5 đợt tăng giá. Hiện tại là dài nhất, đã kéo dài khoảng 3 năm nay mà chưa điều chỉnh. Đặc biệt hiện nhiều cổ phiếu ngân hàng có giá gần như đang ở mức đỉnh cao nhất trong lịch sử. Vì vậy rất có thể bước sang năm thứ 4 nó sẽ được điều chỉnh.
Chưa kể, trong năm 2020 các ngân hàng tiếp tục bị kiểm soát chặt hoạt động cho vay đối với lĩnh vực BĐS, chứng khoán; tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng giảm dần theo lộ trình cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng. Ngoài ra nhiều lo ngại thị trường chứng khoán thế giới nhất là thị trường Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái nên ngành Ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, theo ông Khánh, đối với thị trường chứng khoán, ngoài triển vọng lợi nhuận, điều quan trọng để bẩy giá cổ phiếu lên chính là dòng tiền. Hiện mặc dù lợi nhuận các DN niêm yết, trong đó có ngân hàng khá tốt, nhưng dòng tiền vẫn còn yếu nên giá cổ phiếu không tăng cao được. Năm 2019, dòng tiền vào thị trường chứng khoán giảm khoảng 30% so với năm trước. Đáng chú ý hoạt động giao dịch của các NĐTNN với quy mô ngày càng co hẹp lại. Do vậy, muốn giá cổ phiếu tiếp tục tăng cần kích hoạt dòng tiền lớn đổ vào thị trường.
Nói như vậy có nghĩa là cơ hội kiếm lời đầu tư cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều triển vọng nếu nhóm này hút dòng vốn lớn. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, nếu tổ chức xếp hạng quốc tế tiếp tục nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, theo đó ngân hàng cũng được nâng bậc, hoặc các ngân hàng lớn có tính dẫn dắt thị trường như VietinBank được tăng vốn, hay thêm ngân hàng đạt chuẩn Basel II... có thể là điểm cộng đối với các nhà đầu tư.
Triển vọng nữa được TS. Cấn Văn Lực đề cập tới đó là theo “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỷ lệ sở hữu nhà nước tối thiểu tại các NHTM quốc doanh (trừ Agribank) từ mức 65% hiện tại xuống mức 51% vào năm 2021. Đó có thể là chất xúc tác hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào nhóm cổ phiếu này và giúp đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tăng lên.
Tất nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân nhóm tuỳ vào sức khoẻ của ngân hàng đó. Nhưng dù là đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lớn hay nhỏ, theo lời khuyên của ông Phan Dũng Khánh nhà đầu tư cần phải theo dõi sát sao để điều chỉnh dòng tiền ra – vào hợp lý, đảm bảo khả năng sinh lời cho mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận