Cổ phiếu IBC của Shark Thủy lập kỷ lục 'giảm sàn' sau loạt tin đồn
Cổ phiếu IBC của Shark Thủy lập kỷ lục "giảm sàn" và trắng bên mua. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, mã chứng khoán này đã có tới 16 phiên "giảm sàn".
Cổ phiếu IBC của Shark Thủy lập kỷ lục giảm sàn 16 phiên liên tiếp và trắng bên mua. Theo đó, mã này hiện chỉ còn giao dịch ở mức giá 4.940 đồng/CP với hơn 9,23 triệu đơn vị dư bán.
Trong khi cổ phiếu IBC tiếp tục giảm sâu thì việc bán giải chấp mã chứng khoán này lại được các Công ty Chứng khoán thông báo liên tiếp.
Cụ thể, mới đây Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset vừa báo cáo kết quả giải chấp cổ phiếu IBC.Theo đó, Mirae Asset đã thực hiện giải chấp 300.000 cổ phiếu IBC thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup – Công ty mẹ của IBC. Việc bán giải chấp diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 9/12/2022, tuy nhiên cổ phiếu IBC không có lệnh mua đối ứng nào khiến cho Mirae Asset không bán được lô cổ phiếu IBC như kế hoạch.
Không chỉ Mirae Asset, trước đó Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội ( SHS) cũng thông báo bán giải chấp 2,5 triệu cổ phiếu IBC, đang được sở hữu bởi ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn gọi là Shark Thủy). Thời gian dự kiến bán giải chấp cổ phiếu IBC từ 28/9 đến 31/12/2022.
Tuy nhiên, dù có thông báo bán giải chấp nhưng cổ phiếu IBC không có lệnh mua đối ứng khiến IBC liên tục nằm sàn. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, mã này đã có tới 16 phiên giảm sàn.
Việc cổ phiếu IBC liên tục sàn, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, có liên quan đến việc Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp thuế, bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của IBC (tại số 88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) với tổng số tiền hơn 5.625 tỷ đồng.
Nguyên nhân bị cưỡng chế thuế là bởi Apax Holdings mở tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng, để tránh việc các ngân hàng trích vượt số tiền cưỡng chế theo quy định, Cục thuế TP Hà Nội đã ban hành 17 các quyết định gửi đến 9 ngân hàng và các chi nhánh.
Bên cạnh đó, Apax English - công ty con của Apax Holdings cũng vừa thông báo tái cấu trúc hệ thống kể từ ngày 25/11 và dự kiến kết thúc vào hết quý 1/2023. Động thái này diễn ra sau khi IBC bị nhiều phụ huynh học sinh tố hệ thống này tạm dừng giảng dạy trong khi đã nhận tiền học phí. Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax Holdings hoàn trả học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.
Sau đó, lãnh đạo của Apax English phối hợp với Apax Holdings đã có những phương án xử lý phù hợp.
Phía Apax Holdings khẳng định việc các thông tin của Apax English xuất hiện trên báo chí không có ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tình hình quản trị của công ty vì Apax Holdings là công ty mẹ, hoạt động hoàn toàn độc lập.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 IBC công bố, IBC ghi nhận tổng tài sản tăng gần 181 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và vốn chủ sở hữu tăng 53 tỷ đồng lên 1.618 tỷ đồng.Trong cơ cấu tài sản của IBC, các khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 39%. Các khoản thu ngắn hạn của IBC là 1.839 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn là 532 tỷ đồng.
Nợ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn của IBC. Tính đến hết tháng 9/2022, tổng nợ IBC là 3.191 tỷ đồng, tăng 128 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm hơn 66% tổng nguồn vốn.Trong đó, tổng nợ vay là 1.984 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, tổng nợ vay của công ty đang lớn gần gấp 2 lần vốn chủ sở hữu.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, IBC thu lãi từ tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay khoảng 26 tỷ đồng nhưng phải trả chi phí lãi vay 124 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải trả 2,4 tỷ đồng lãi trái phiếu phát hành. Tính bình quân, mỗi ngày IBC trả tiền lãi vay gần 470 triệu đồng/ngày.
Trong Báo cáo quý 3/2022 không ghi rõ các khoản nợ của công ty, tuy nhiên theo báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét bán niên năm 2022, IBC đang nợ trái phiếu hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trái phiếu phát hành 1.131 tỷ đồng bao gồm các lô trái phiếu có mã IGECH2124001, IGARTEN_BOND2020, AECH2123001, AECH2123002 và lô trái phiếu riêng lẻ phát hành theo mệnh giá đều có lãi suất 12,5%/năm. Ngoài ra, còn hơn 72 tỷ đồng là nợ trái phiếu chuyển đổi, lãi suất 5%/năm.
Như vậy, có thể thấy với bối cảnh nợ vay, nợ trái phiếu và các vụ lùm xùm kiện Shark Thuỷ không thanh toán đúng hẹn cho các khoản tiền của nhà đầu tư vào Tập đoàn Egroup do Shark Thuỷ làm Chủ tịch HĐQT, cổ phiếu IBC trên sàn cũng mất thanh khoản và nhiều khả năng các Công ty bán giải chấp cũng không thu được tiền về từ các lô cổ phiếu mà IBC hoặc Shark Thủy đã thế chấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận