Cổ phiếu HPX lao dốc và những chuyện còn lại
Tính từ phiên giao dịch ngày 2/11/2022 tới cuối tuần qua, cổ phiếu HPX của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Invest có tới 19/28 phiên giảm sàn, đưa thị giá cổ phiếu này từ gần 26.000 đồng/cổ phiếu rơi xuống còn hơn 6.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh suy giảm
Đây là chuỗi giảm giá kỷ lục của cổ phiếu này kể khi lên sàn vào năm 2018 cho tới nay. Trước đó, thị giá HPX “ổn định” trong một thời gian dài, bất chất nóng, lạnh của thị trường chung.
Giai đoạn cổ phiếu HPX liên tục giảm sàn cũng là lúc chứng kiến sự thay đổi về cơ cấu cổ đông khi Dragon Capital thoái vốn hoàn toàn khỏi Công ty sau hơn 5 năm nắm giữ. Trước đó, quỹ ngoại này cũng thoái vốn tại hàng loạt cổ phiếu bất động sản nhóm midcap khác như CII, DIG, KDH, CRE… với giá thoái dưới giá vốn.
Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Hải Phát Invest lý giải, việc cổ phiếu giảm giá thời gian vừa qua là do cung - cầu trên thị trường, nằm ngoài kiểm soát của Công ty. Hiện tại, hoạt động sản xuất - kinh doanh của HPX vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào. Đồng thời, đại diện Công ty cho rằng, thị giá hiện nay đang thấp hơn giá trị thực của HPX.
Tuy vậy, ngoài việc thị trường chung kém tích cực (thị trường điều chỉnh mạnh trong nửa đầu tháng 11) thì kết quả kinh doanh của Công ty cũng đi xuống.
Báo cáo tài chính quý III/2022 của Hải Phát Invest cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch của Công ty đạt hơn 1.307,7 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm cùng các chi phí tài chính tăng nên tổng lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt hơn 179 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Vài năm qua, doanh thu từ hoạt động tài chính là một khoản đóng góp khá thường xuyên vào kết quả kinh doanh của Hải Phát Invest. Ngoài lý do cơ cấu sở hữu tại một số đơn vị thành viên thay đổi (từ công ty liên kết sang công ty con), dẫn tới thay đổi cách hạch toán (hợp nhất kết quả kinh doanh) thì doanh thu tài chính sụt giảm phần nào cho thấy các đơn vị thành viên có liên quan hoặc doanh nghiệp mà HPX đang góp vốn triển khai dự án gặp khó khăn trong việc bán hàng.
Tính tới cuối tháng 9/2022, dư nợ trái phiếu của Hải Phát Invest là hơn 2.650,04 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Hải Phát Invest cho biết, chính sách tín dụng thắt chặt khiến sức cầu trên thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, nhiều dự án phải lùi thời gian bán hàng hoặc phải tính toán việc cơ cấu lại sản phẩm, từ đó ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận chung của tập đoàn mẹ. Trong khi đó, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng mạnh khiến Hải Phát Invest phải điều chỉnh các kế hoạch tài chính, nhất là đảm bảo nguồn vốn cho việc ưu tiên tất toán các lô trái phiếu tới hạn và trước hạn.
Từ năm 2017, Hải Phát Invest phát hành khoảng hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Con số này không lớn nếu so với quy mô phát hành của nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, sau một số sự cố trên thị trường trái phiếu, như nhiều doanh nghiệp, Hải Phát Invest đã tiến hành mua lại một lượng trái phiếu trước hạn nhằm tránh các rủi ro tài chính có thể phát sinh.
Tính tới cuối tháng 9/2022, dư nợ trái phiếu của Công ty ghi nhận hơn 2.650,04 tỷ đồng.
Năm 2023 vẫn khó
Một trong những điểm được nhà đầu tư đánh giá cao ở cổ phiếu HPX khi niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 7/2018 là doanh nghiệp này sở hữu quỹ đất khá lớn và Ban lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quỹ đất thông qua M&A.
Sau vướng mắc liên quan đến những dự án đổi đất lấy hạ tầng mà Hải Phát Invest liên danh với Văn Phú Invest cũng như trục trặc trong việc phát triển các dự án liên quan đến Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), vài năm qua, doanh nghiệp này đã tích cực tìm kiếm cơ hội phát triển dự án tại các tỉnh như Hòa Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh.
Cụ thể, Công ty đã liên danh với Công ty TNHH Hà Sơn đấu thầu thành công dự án khu đô thị Mai Pha tại Lạng Sơn. Theo thiết kế, dự án này có diện tích 92 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.380 tỷ đồng, với khoảng 4.000 lô đất nền nhà liền kề và biệt thự.
Cũng thông qua đấu giá, Hải Phát Invest đã sở hữu khu đất 4,35 ha tại Cao Bằng. Tại đây, Hải Phát Invest dự kiến phát triển các khu nhà biệt thự, liền kề và căn hộ với tổng mức đầu tư 886 tỷ đồng.
Còn tại Quảng Ninh, Hải Phát Invest đang cùng với công ty con là Hải Phát Invest Land phát triển dự án Le Emera Hạ Long với quy mô 12,6 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hải Phát Invest cũng hợp tác với một đối tác lớn chuẩn bị chào bán một khu đô thị ở TP.Móng Cái.
Việc thị trường bất động sản xuất hiện “sóng” vào đầu năm, cùng với việc sử dụng quỹ đất lớn là cơ sở để Công ty đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 khá tham vọng với 2.700 tỷ đồng doanh thu, 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy vậy, với những biến động bất ngờ từ thị trường, sau 3 quý, Công ty mới thực hiện chưa đầy 40% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tính tại thời điểm cuối tháng 9/2022, vòng quay hàng tồn kho của Công ty đã gia tăng lên gần 1.300 ngày, mặc dù phần lớn các sản phẩm ra hàng của Công ty thuộc phân khúc đất nền dự án - loại hình sản phẩm có tính thanh khoản tương đối cao. Theo đó, các chỉ tiêu P/E hay EPS cũng về mức kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Theo đánh giá của các thành viên thị trường, thách thức lớn với Hải Phát Invest trong thời gian tới là tiếp tục giải quyết bài toán dòng tiền đáo hạn trái phiếu trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có nhiều tín hiệu sáng sủa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận