Cổ phiếu hàng không sẽ tăng tốc?
Xu thế tăng trưởng khả quan của nền kinh tế có thể mang tới động lực cho ngành hàng không. Theo kinh nghiệm thế giới, tăng trưởng ngành hàng không thường gắn chặt với tốc độ phát triển GDP. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5% đến 2% và ngược lại,
Bên cạnh động lực từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, phục vụ cho ngành sản xuất chế biến đang gia tăng, ngành hàng không còn nhận được cơ hội khi ngành du lịch nghỉ dưỡng đang ở giai đoạn tăng tốc. Chỉ tính riêng năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam lên đến 18 triệu lượt, tương ứng với mức tăng 16,2% so với năm trước. Trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,3 triệu lượt, chiếm 79,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Bệ đỡ cho ngành hàng không còn đến từ các động thái đầu tư rầm rộ vào hạ tầng hàng không. Năm nay, dự kiến sân bay Long Thành sẽ hoàn thành công tác đền bù giải tỏa để có thể sớm khởi công. Ngoài ra, hàng loạt dự án nâng cấp và mở rộng các sân bay dự kiến cũng sẽ được khởi công trong năm nay để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Vinh, Cát Bi, Liên Khương.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Nhìn chung, viễn cảnh cho các công ty hoạt động trong chuỗi ngành hàng không là khá sáng. Với lưu lượng khách quốc tế tăng trưởng đều đặn ở mức hai con số, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nằm trong số những đơn vị hưởng lợi lớn nhất. Theo Quỹ đầu tư Asia Frontier Capital, khách quốc tế giúp ACV không chỉ cải thiện tốc độ tăng trưởng mà còn cả tỷ suất lợi nhuận vì hành khách quốc tế cung cấp biên lợi nhuận cao hơn.
Điển hình là doanh thu và lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2019 đã tăng lần lượt 13,0% và 19,3% trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp đã được cải thiện 110 điểm cơ bản lên 51,8%. “Ở mức EV/EBITDA là 11,5 lần dựa trên thu nhập dự báo năm 2020, cổ phiếu ACV đang có giá hấp dẫn so với các doanh nghiệp tương tự tại châu Á như sân bay của Thái Lan và sân bay quốc tế Thượng Hải đang giao dịch với EV/EBITDA lần lượt lên đến 24,7 lần và 18,6 lần”, Quỹ đầu tư Asia Frontier Capital nhận định.
Trên phân khúc cung cấp các chuyến bay, áp lực cạnh tranh có phần khốc liệt hơn khi ngày càng nhiều các hãng hàng không mới xuất hiện, đe dọa thị phần của các tay chơi cũ như Vietnam Airlines hay Vietjet Air, mặc dù quy mô thị trường tiếp tục phình ra cũng là cơ hội cho tất cả.
Sau gần 1 năm cất cánh, hiện thị phần của Bamboo Airways là khoảng 4-5%, đồng thời khiến cho thị phần của “anh cả” Vietnam Airlines giảm xuống chỉ còn khoảng 36%. Trong năm nay, dự kiến xuất hiện thêm 3 hãng hàng không mới là Vinpearl Air, Vietravel Airlines và KiteAir, áp lực cạnh tranh giữa các hãng bay sẽ càng gia tăng đáng kể, mặc dù xét về quy mô thị trường.
Tất nhiên, rủi ro cho ngành vẫn đáng kể. Đó là nguy cơ chi phí nhiên liệu gia tăng do biến động địa chính trị quốc tế, áp lực săn tìm phi công và tiếp viên có trình độ đảm bảo, hay lượng khách quốc tế có thể sẽ tăng chậm hơn so với dự báo nếu kinh tế thế giới ảm đạm.
“Hàng không được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới với động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ hành khách nội địa do Việt Nam hiện đang ở thời kỳ dân số vàng, thu nhập bình quân đầu người và tầng lớp trung lưu đang gia tăng và lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tốt. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa. Nhưng tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại sau nhiều năm duy trì ở mức hai con số trong khi mức độ cạnh tranh trong ngành sẽ càng ngày càng gia tăng do nhiều hãng hàng không mới gia nhập ngành”, Công ty chứng khoán SBS nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận