Cổ phiếu công nghệ: Điểm đến an toàn của dòng tiền
Nếu đề cập đến nhóm ngành nào mang đến sự yên tâm và cổ tức bằng tiền ổn định cho các nhà đầu tư thì chắc hẳn, nhóm cổ phiếu công nghệ luôn nằm trong top đầu...
Nằm trong số ít các DN luôn giữ được đà tăng trưởng ở mức hai con số, kết quả kinh doanh quý II vừa qua của FPT tiếp tục làm phấn chấn các cổ đông khi ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng mạnh 22,2% (đạt 12.492 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế tăng 26,8% (đạt 2.139 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nổi bật trong hoạt động của FPT là chiến lược tiến ra toàn cầu cho thấy sự hiệu quả lớn khi tăng trưởng nhanh hơn so với thị trường trong nước. Sau nửa đầu năm 2019, thị trường nước ngoài mang về cho FPT 5.208 tỷ đồng doanh thu, tăng 34,0% và 802 tỷ đồng lợi nhuận trước, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế thị trường nước ngoài đóng góp vào kết quả hợp nhất của tập đoàn lần lượt đạt 42% và 38%, tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, FPT còn là cổ phiếu duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền khá ổn định cho nhà đầu tư với tỷ lệ trung bình lên đến 20%/năm.
FPT có lợi thế nhờ sở hữu quy mô rộng lớn và lĩnh vực hoạt động đa dạng. Tuy có thể sẽ gặp một số khó khăn về quản trị khi quy mô ngày càng phình to nhưng hiện hầu hết các mảng kinh doanh chính của FPT đều vận hành khá hiệu quả cho đến nay.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một trong những động lực tăng trưởng chính cho FPT nằm ở xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tạo động lực tích cực cho khối Công nghệ. Theo đó, xu hướng chuyển đổi sang hạ tầng cloud trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu phần mềm, giúp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng này ước đạt 22,3% và 37% trong năm 2019.
“Dịch vụ tư vấn chuyển đổi số và cung cấp giải pháp cũng được hưởng lợi nhờ nhu cầu số hóa ngày càng tăng. Trong các năm tiếp theo, chúng tôi kỳ vọng mảng giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin vẫn sẽ tăng trưởng một cách mạnh mẽ”, BVSC nhận định.
Một nhóm các cổ phiếu công nghệ khác đang dần gây dấu ấn trên thị trường chứng khoán là hệ thống các công ty thành viên của Tập đoàn Viettel. Đơn cử như mã VTP của Tổng công ty Bưu Chính Viettel đang đạt thị giá lên tới 142.000 đồng/cp. Việc Tập đoàn Viettel lấn sân sang sân chơi thương mại điện tử (Voso) và ứng dụng gọi xe bằng công nghệ (MyGo) dự kiến mang tới động lực tăng trưởng khả quan hơn cho mảng giao nhận của VTP trong các năm tới, đưa cổ phiếu này lọt vào danh sách các mã được nhà đầu tư an tâm lựa chọn.
Một thành viên khác của Viettel được chú ý là VGI của Viettel Global - đơn vị đảm trách nhiệm vụ đầu ra hạ tầng công nghệ viễn thông ở nước ngoài. Giá cổ phiếu VGI đã tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng đầu năm khi kết quả kinh doanh tại các thị trường nước ngoài ổn định hơn.
Đặc biệt, Myanmar là thị trường quốc tế mới đi vào hoạt động của Viettel nhưng đã đạt được các kết quả đáng kể. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Mytel (tên thương hiệu của Viettel tại Myanmar) đã trở thành nhà mạng lớn thứ 3 ở Myanmar, hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của VGI sau khi trải qua xong giai đoạn đầu tư ban đầu.
Các hãng công nghệ của Việt Nam còn là đích nhắm thâu tóm của các nhà đầu tư ngoại, đồng thời mang lại đòn bẩy giúp giá cổ phiếu tăng mạnh. Đơn cử như Samsung SDS - công ty thành viên của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chuyên về giải pháp IT và logistics – dự kiến sẽ thâu tóm 25 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Công nghệ CMC với mức giá tối thiểu 30.000 đồng/cp. Sau khi hoàn thành thương vụ, Samsung SDS sẽ sở hữu 25% cổ phần của CMC, đồng thời sẽ hỗ trợ mạnh mẽ nguồn lực để hãng công nghệ này đạt doanh thu tỷ USD vào 2023.
Theo chiến lược phát triển mới đầy tham vọng, CMC dự kiến sẽ tiến tới doanh thu 25.302 tỷ đồng và lợi nhuận 2.594 tỷ đồng với 10.000 nhân sự vào 2023 - tương ứng với tốc độ tăng trưởng gần 21 lần so với 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận