Cổ phiếu bảo hiểm “lạc sóng”
So với nhiều nhóm ngành khác, mức tăng giá của cổ phiếu bảo hiểm năm 2020 rất khiêm tốn, dòng tiền chỉ tập trung vào một số mã vốn hóa lớn, hoặc có “câu chuyện riêng”.
Ngành bảo hiểm tăng trưởng ổn định
Năm nay, nhóm cổ phiếu bảo hiểm có diễn biến khá trầm lắng cả về giá và thanh khoản. Một số cổ phiếu trước đây thường đi đầu trong các nhịp tăng của thị trường như BVH, BIC, BMI cũng có mức tăng giá khiêm tốn. Có vẻ như dòng tiền chỉ lướt qua nhóm cổ phiếu bảo hiểm, mặc dù ngành này vẫn tạo được dấu ấn tích cực trong hoạt động kinh doanh.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, ước tính đến hết tháng 11/2020, tổng giá trị tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 542.757 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế 449.355 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm 165.781 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ 54.154 tỷ đồng, doanh thu bảo hiểm nhân thọ 111.627 tỷ đồng.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2020 ước đạt 184.662 tỷ đồng, ttăng 15% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu lĩnh vực phi nhân thọ là 57.102 tỷ đồng, tăng 8%; doanh thu lĩnh vực nhân thọ 127.560 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2019.
Thị trường bảo hiểm tăng trưởng ổn định, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay là 3,07%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%).
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Bình nhận xét, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết các loại hình tài sản của mọi thành phần và ngành nghề kinh tế với nhiều loại hình bảo hiểm đa dạng như bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản...
Trong bối cảnh dòng tiền vẫn đang “lùng sục” cổ phiếu của các ngành, lĩnh vực tiềm năng, nhóm cổ phiếu bảo hiểm có cơ hội tăng trưởng, nhưng nhiều khả năng sẽ tập trung vào một số doanh nghiệp tiềm năng, hoặc có thông tin hỗ trợ. Chẳng hạn, cổ phiếu BVH có dư địa tăng giá, nhà đầu tư có thể duy trì nắm giữ.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Việt Nam thuộc Top quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành bảo hiểm cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, nhờ tiềm năng từ sự khác biệt trong hệ thống phúc lợi xã hội và chăm sóc y tế; nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bảo hiểm giúp đảm bảo thu nhập khi về hưu; nguồn vốn huy động từ ngành bảo hiểm là nguồn vốn phù hợp nhất với nhu cầu vốn đầu tư phát triển trong tương lai… Các doanh nghiệp bảo hiểm như BVH, PVI, PTI thu hút được nhiều khách hàng mới so với các doanh nghiệp khác trong ngành.
Săn tìm cổ phiếu có “biến”
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm ít khi tạo “sóng” vì đây là ngành ổn định và ít có “tay to” nào kéo hay đẩy. Mặt khác, thị trường bảo hiểm tuy có tiềm năng, nhưng chặng đường phát triển cũng gian nan và cạnh tranh khốc liệt. Một số doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, tệp khách hàng lớn, nhưng lợi nhuận khá mỏng, thậm chí thua lỗ.
Do đó, theo anh Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm tại Hà Nội, đầu tư vào cổ phiếu bảo hiểm không đơn giản, nhà đầu tư phải hiểu được thế mạnh của doanh nghiệp, tiềm năng và cơ hội là gì.
Nếu không có nhiều kiến thức chuyên môn cũng như thời gian để tìm hiểu, nhà đầu tư có thể xem xét cổ phiếu của doanh nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu tích cực, dòng tiền tốt, quản trị rủi ro hiệu quả.
Nhóm bảo hiểm là một phần trong lĩnh vực tài chính, sự kỳ vọng rất lớn, không thua kém ngành ngân hàng hay chứng khoán, nhưng khó tạo “sóng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, nhóm bảo hiểm là một phần trong lĩnh vực tài chính, sự kỳ vọng rất lớn, không thua kém ngành ngân hàng hay chứng khoán.
Tuy nhiên, các cổ phiếu bảo hiểm trên sàn chứng khoán hiện chưa nhiều, nên mức độ tập trung của nhà đầu tư bị phân tán sang các nhóm ngành khác.
Đầu tư vào nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư cần lưu ý cập nhật các thông tin liên quan đến ngành về chính sách phát triển, các hoạt động M&A, hợp tác đầu tư, vì đây là các thông tin sẽ có tác động mạnh đến giá cổ phiếu hơn là thông tin về hoạt động kinh doanh cơ bản.
Trong bối cảnh hoạt động bảo hiểm đang mở rộng ở nhiều lĩnh vực và kết nối sâu rộng với các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng gia tăng.
Do đó, nhà đầu tư khó có thể kỳ vọng vào một đợt tăng giá trong ngắn hạn, mà chủ yếu hướng đến chu kỳ dài hạn của ngành và doanh nghiệp.
Điểm nhấn đầu tư, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tập trung ở các sự kiện có ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh và cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp như phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn nhà nước.
Doanh nghiệp mới lên sàn dự kiến cũng sẽ được quan tâm như PVI Re, nhất là khi tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức cao so với mặt bằng chung. Ngày 5/1/2021, PVI Re sẽ chốt quyền nhận cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền, tỷ lệ 9%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận