Cổ phần hóa vào giai đoạn “nước rút”: Thêm nhiều hàng tốt cho nhà đầu tư
Công tác cổ phần hóa (CPH) và bán vốn Nhà nước đang được đẩy mạnh khi chỉ còn hơn một năm để CPH 93 Tập đoàn Tổng Công ty Nhà nước.
Với hàng loạt DNNN tên tuổi, quy mô lớn như MobiFone, VNPT, Agribank, Vicem, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội... trong danh sách, giai đoạn “chạy nước rút” này được dự báo sẽ có những khó khăn nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho thị trường khi nhiều hàng tốt được bán ra.
Hết năm 2020, hoàn tất cổ phần hóa 93 doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục 93 DN thực hiện CPH đến hết năm 2020. Theo đó, có 4 DN thực hiện CPH, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc; Công ty TNHH MTV Khoáng sản.
Có 62 DN thực hiện CPH, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, có 27 DN, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần. Bao gồm: Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
Như vậy, giai đoạn “chạy nước rút” sẽ chỉ còn 1 năm 3 tháng để hoàn tất CPH 93 Tập đoàn, Tổng Công ty. Trong đó, có hàng loạt tên tuổi đình đám, quy mô lớn như MobiFone, VNPT, Tổng Công ty Cà Phê, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng Công ty Vận tải Hà Nội... Nhiều cái tên như Agribank… vẫn chậm CPH do những mướng mắc về quy mô tài sản, đất đai.
Thông tin từ Bộ Tài chính, lũy kế từ năm 2017 đến nay, mới CPH 35/127 DN theo kế hoạch (đạt 28%). Một trong những nguyên nhân của sự chậm chạp này là phần lớn các DNNN đang tiến hành CPH là những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, tình hình tài chính còn nhiều vấn đề cần xử lý, mất thời gian, đặc biệt là tài sản đất đai.
“Bên cạnh đó, phải kể đến yêu cầu về chất lượng, trách nhiệm của các cơ quan tư vấn, thẩm định giá tăng lên nên họ cần thời gian để hoàn thiện. Việc CPH DNNN lớn cũng có nghĩa là một lượng hàng hóa nhiều sẽ được đưa ra, đòi hỏi nguồn vốn hấp thụ lớn. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn quan ngại về tính công khai, minh bạch của DNNN”- Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến nhìn nhận.
Cân nhắc cơ hội đầu tư
Theo các chuyên gia, với thị trường chứng khoán (TTCK), quá trình CPH tạo ra sự đa dạng hàng hóa, sản phẩm, tăng quy mô cho thị trường. Sự phong phú về nguồn cung sẽ mang đến cho nhà đầu tư cơ hội đầu tư vào các DN có quy mô lớn, thương hiệu lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn hoặc trong các ngành nghề hấp dẫn mà trước đây ít có cơ hội tiếp cận...
Các nhà đầu tư và giới phân tích cho rằng, đối với các DN trong các ngành nghề mà Nhà nước không nắm giữ, khi tiến hành CPH và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cần giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức thấp, tăng tỷ lệ bán ra bên ngoài để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Còn trong các đợt thoái vốn, có thể thực hiện thoái vốn “một gói lớn”, thoái vốn toàn bộ để tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, muốn thoái vốn khỏi hàng loạt những "ông lớn" này thì phải chọn thời điểm thị trường chứng khoán sôi động để bán được hàng và được giá.
Thực tế, ở các giai đoạn TTCK tăng trưởng như năm 2007, hàng loạt DN lớn như VCB, BVH, PVI, DPM, SSI, HPG… đã đưa cổ phiếu lên sàn và hút được một lượng vốn khổng lồ từ TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có những giai đoạn, nhiều DN dù đã có kế hoạch niêm yết vẫn chần chừ vì thị trường chưa như mong muốn.
Từ những phân tích này, các chuyên gia Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit khuyến nghị, giai đoạn CPH “nước rút” là một cơ hội để cân nhắc đầu tư, đón đầu những hàng hóa tốt.
"Những năm trước, chúng ta đã tiến hành CPH nhiều DNNN lớn và thành công. Rõ ràng, nếu làm quyết liệt thì các khó khăn, vướng mắc đều có lời giải." - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận