menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn “bình mới rượu cũ”

Theo đại biểu, việc cổ phần hóa thời gian qua chưa tạo ra một mô hình sản xuất mới, chỉ thay đổi chủ sở hữu, bình mới rượu cũ.

Chiều 5/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng, việc cổ phần hóa doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp ở tỉnh về cơ bản đúng định hướng.

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa thời gian qua bộc lộ một số vấn đề hạn chế. Đó là việc chưa tạo ra một mô hình sản xuất mới, chỉ thay đổi chủ sở hữu, bình mới rượu cũ, xuất hiện những khó khăn là khiếu nại, khởi kiện đội ngũ công nhân với ông chủ mới về giải quyết chính sách mới như giao nộp sản phẩm, thu hồi vườn cây.

Cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn “bình mới rượu cũ”

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu.

“Trong tình trạng này, hàng ngàn hộ công nhân đứng trước nguy cơ không có việc làm, không có đất ở, đất sản xuất, không biết đi đâu, về đâu, làm cho tình hình an ninh nông thôn bất ổn”, đại biểu nói.

Do đó, vị đại biểu này kiến nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm, tổng công ty hợp tác. Đồng thời phải rà soát, kiểm tra kỹ các doanh nghiệp cổ phần hóa, bổ sung phương án cho các doanh nghiệp còn lại để phù hợp và cần quan tâm đến quyền, lợi ích của công nhân cũng như gia đình họ.

Tương tự, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số hạn chế, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, mô hình quản trị doanh nghiệp được đổi mới.

Theo ông Hải, cổ phần hóa, thoái vốn không phải là mục tiêu cuối cùng của quản lý doanh nghiệp nhà nước mà là cách thức để cơ cấu lại nguồn lực của nhà nước. Có lúc chậm là cần thiết do còn phụ thuộc vào thị trường vốn từng thời kỳ. Ngoài ra, phải hoàn thiện chính sách theo kịp thực tế, vừa đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa nhưng cũng đảm bảo không thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Vướng mắc lớn nhất là xử lý đất đai. Để cổ phần hóa, doanh nghiệp phải làm 2 bước là lập phương án xử lý, sắp xếp nhà đất theo Nghị định 167/2017 và lập phương án sử dụng đất khi chuyển sang công ty cổ phần theo Nghị định 126.

Quy định như vậy là chặt chẽ, cần thiết, tránh thất thoát. Nhưng để làm bước 1, doanh nghiệp phải tự làm và báo cáo chính quyền địa phương, các bộ, ngành rất phức tạp, mất thời gian, nhất là các doanh nghiệp nhà nước lớn sử dụng đất đai ở nhiều tỉnh thành.

Vì vậy, ông Hải cho rằng cần tổ chức thực hiện việc rà soát, lập phương án sử dụng đất theo Nghị định 167 theo hướng không để các doanh nghiệp tự làm mà chính quyền địa phương cấp tỉnh cần chủ trì cùng các bộ, ngành rà soát, sắp xếp một cách toàn diện đồng bộ đất đai do các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, gắn với quy hoạch sử dụng đất ở địa phương. Kết hợp di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh đan xen trong đô thị ra các khu công nghiệp tập trung, thu hồi đất không cần dùng, không phù hợp quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Về quản trị, quyền sở hữu vốn trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo hình thức người đại diện, nhưng trong tập đoàn, tổng công ty còn có công ty con, công ty cháu, lãnh đạo và người đại diện doanh nghiệp nhà nước được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, chịu sự quản lý gần như công chức, hầu hết các quyết định kinh doanh đều phải báo cáo, chờ ý kiến của đại diện chủ sở hữu cấp trên.

“Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp với sửa đổi quan trọng về khái niệm doanh nghiệp nhà nước, nhưng đây mới là luật về hình thức. Do vậy, tôi đề nghị cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và các luật liên quan, luật hóa vị trí pháp lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, đại biểu kiến nghị.

Ngoài ra, cần quy định phân cấp rõ hơn về quyền sở hữu, quyền quản lý doanh nghiệp, quyền điều hành doanh nghiệp của các tổ chức và cá nhân liên quan.

Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn và các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cần tập trung xây dựng và quản trị chiến lược phát triển doanh nghiệp, gắn với cơ cấu lại trong nội bộ doanh nghiệp đó. Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong phạm vi chiến lược, đề án cơ cấu đã được phê duyệt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả