Có những người Việt luôn cố tỏ ra mình đứng cao hơn đồng bào của mình
Hôm qua trong lúc đi bộ, chợt nghe được câu nói của một chị phụ nữ Việt trẻ với hai anh chị Tây cũng trẻ (gốc Châu Âu): “Tôi là người Việt Nam, nhưng tôi …”. (mình chẳng muốn nghe lỏm đâu, nhưng vì tiếng chị ấy nói to quá, không muốn nghe nó vẫn cứ lọt vào tai).
Dù Việt Nam chúng ta còn nhiều điều chưa tốt, chưa thật văn minh, thế nhưng không thể vì thế mà một số người Việt khi tiếp xúc với những người thuộc “thế giới văn minh” lại luôn cố tỏ ra mình đứng cao hơn đồng bào của mình.
Ngay lúc đó, tôi nhớ lại câu chuyện thời năm 1991, thời tôi làm việc ở một hãng IT Pháp ở Nice và Sophia Antipolis, hai thành phố phía nam nước Pháp.
Một buổi sáng, trong lúc giải lao uống cafe trong văn phòng, một cậu người Bắc Phi (đang làm Tiến sĩ ở Viện INRIA) hỏi mình: “Việt Nam chúng mày không có ô tô à (no car)?”. Vừa nói cậu vừa đưa một tờ báo Pháp trong đó có bức ảnh chụp cảnh trên cầu Đuống một ngày mưa phùn, trong ảnh là một cụ bà đi chân đất, gánh đôi quang gánh rau, xung quanh toàn người đi xem đạp, lác đác vài chiếc xe máy, không một chiếc ô tô, kể cả xe ô tô tải, từ chiếc cầu sắt đến những chiếc xe, tất cả đều cũ kỹ. Ảnh chụp lúc trời mưa phùn, nền đường bụi đất ướt nhão nhoét, làm cho bức ảnh thêm ảm đạm. Một cảm giác xấu hổ pha lẫn tủi thân xâm chiếm tôi.
Mấy hôm sau, giữa giờ làm việc, cậu “no car” ấy, hốt hoảng chạy vào giữa phòng làm việc hỏi to:
- Các bạn, ai có tiền cho tớ vay 7.500 Franc
- Có việc gì vậy?
- Tớ đi đăng kiểm ô tô, họ bắt sửa một số chỗ (hết 7.500 Franc), đăng kiểm xe của tớ sắp hết hạn rồi, không sửa ngay thì quá hạn đăng kiểm, sẽ bị phạt.
Cả văn phòng in lặng với những cái lắc đầu. Tôi mở túi, lấy ra 7.500 Franc đưa cậu “no car”. Sau khi cậu “no car” đi, mấy người xúm lại hỏi:
- Mày cho nó vay tiền à?
- Ừ, nó cần tiền sửa xe cho kịp đăng kiểm car mà
- Nhưng mày không sợ nó vay không trả à?
- Không
- Mày có biết “bọn ấy” thường vay rồi không trả hoặc là nợ rất dai không?
- Tao vẫn tin rằng nó sẽ trả
Mấy hôm sau, trong lúc đang làm việc, thấy hội chúng nó ngồi bên cạnh hỏi nhau: “này, chuyển sang tiếng Anh/Pháp/Trung/Nhật/Ả rập/Việt Nam bấm Ctrl F mấy nhỉ”, tôi liền hỏi:
- Tại sao chúng mày không làm cái menu chọn các chức năng, chọn ngôn ngữ cho dễ dùng, lại đỡ phải nhớ, phải hỏi Ctrl F mấy?
- Ôi, làm cái đấy mất nhiều công lắm, bọn tạo chưa có thời gian làm
- Dễ lắm, đưa tao chỉ 60 phút là xong
- Thật không?
- Thì cứ đưa hết source, code cho tao, rồi ra uống cafe đi
Đúng 60 phút sau, “đây, chúng mày bấm chuột, muốn chuyển ngôn ngữ nào cũng được”. Sáng hôm sau CEO công ty nói:
- Mày chuyển sang dự án “hệ soạn thảo văn bản Multi Language” làm nhé
- Sao vậy, tôi chỉ muốn làm tiếp dự án AI (nhận dạng chữ) thôi
- Dự án Multi Language cần thiết hơn
- Hoặc là cho tôi làm tiếp AI hoặc là cho tôi về Việt Nam
Thực ra, thêm một lý do nữa khiến tôi cho cậu “no car” vay tiền mà không chút lăn tăn gì và chủ động giúp dự án Multi Language chính là vì câu nói “Việt Nam chúng mày no car à” hôm trước. Vâng, Việt Nam chúng tao “no car”, nhưng tao vẫn có thể giúp mày trong lúc mày bị kẹt tiền, giúp chúng mày trong làm phần mềm, đó là suy nghĩ của tôi khi ấy.
Kể từ ấy, tôi luôn tâm niệm rằng: Mình phải luôn giữ hai nguyên tắc khi đi ra nước ngoài: Làm bất cứ việc gì có thể nâng cao hình ảnh người Việt và đất nước Việt và luôn khẳng định TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận