Có nhà máy điện mặt trời buộc phải cắt giảm công suất vì sao?
Nguyên nhân khiến các dự án điện mặt trời buộc phải cắt giảm công suất, theo các chuyên gia, do chưa có sự đồng bộ trong phát triển dự án điện và lưới truyền tải.
Tốc độ phát triển điện mặt trời rất nhanh
Tuy nhiên, hầu hết dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành trong thời điểm tháng 4 đến tháng 6/2019 với tổng công suất 4.000 MW và tập trung mật độ lớn ở Ninh Thuận (1.102 MW) và Bình Thuận (995 MW).
Tại hội thảo quốc tế "Năng lượng tái tạo Việt Nam, từ chính sách tới thực tiễn" do VTV24, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 27/11 những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển điện mặt trời đã được các chuyên gia trong nước, quốc tế và các nhà đầu tư nêu ra.
Là lãnh đạo địa phương duy nhất nêu ý kiến tại hội thảo, và cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sau một thời gian phát triển với chính sách giá ưu đãi 9,35 cent/kWh, tổng công suất các dự án điện mặt trời của Ninh Thuận đưa vào vận hành hơn 1.100 MW. Do đó, hệ thống truyền tải điện đã không theo kịp sự phát triển của các dự án điện mặt trời, nhiều nhà máy đã phải giảm phát tới 69% côn suất gây thất thoát, lãng phí.
Ông Hậu cho biết, Ninh Thuận có khoảng 10 dự án bị cắt giảm công suất trên 50%. Tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang họp bàn tìm giải pháp giải toả công suất cho các dự án này.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Vũ cũng cho biết, rủi ro với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời là phải cam kết giảm công suất phát trong trường hợp lưới điện quá tải. Việc giảm phát điện mặt trời cũng khiến việc vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn do tính đảm bảo không được xác định.
Lý giải nguyên nhân khiến các dự án điện mặt trời buộc phải cắt giảm công suất ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng quy hoạch Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ phát triển điện mặt trời đang rất nhanh so với tốc độ xây dựng lưới điện truyền tải dẫn đến các dự án không thể phát được hết công suất trong giờ cao điểm.
Phía chuyên gia, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, quy hoạch điện mặt trời vừa qua phát triển ồ ạt dẫn đến tình trạng tắc nghẽn. Giải pháp đưa ra là cần xác định, tính toán lâu dài, về cường độ bức xạ mặt trời từng vùng, miền, từng m2. Bổ sung quy hoạch khẩn cấp để ở đâu có lợi thuế làm điện mặt trời có thể phát triền được, và làm được điều này cần sự phối hợp giữa địa phương, nhà đầu tư và EVN.
Cũng dưới góc độ chuyên gia, ông Vũ Đình Ánh cho biết, thời gian vừa qua đã có tình trạng ồ ạt đầu tư điện mặt trời trong khi quy hoạch cần đồng bộ từ phát điện truyền tải điện, phân phối bán lẻ. “Chất lượng quy hoạch có vấn đề, yếu tố công khai minh bạch có vấn đề”, ông Ánh nói.
Về phía EVN, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, quá trình vừa qua có sự tắc nghẽn nguyên nhân do các hệ thống đường dây truyền tải thực hiện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh trong khi đến thời điểm này có 11 dự án hoàn thành trong thời gian nhanh, dự án lưới điện truyền tải không theo kip tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời.
Cũng theo ông Tài Anh, năng lượng tái tạo là cần phân tán, không nên tập trung sẽ đỡ áp lực lưới truyền tải. “Chúng ta đề nghị các chủ đầu tư chung tay cùng EVN xây dựng hệ thống truyền tải, điểm đấu nối từ nhà máy vào hệ thống chính tư nhân có thể làm và nguyên tắc cuối cùng phải có trong quy hoạch”, ông Tài Anh nói.
Ủng hộ xã hội hoá lưới điện truyền tải
Sau ý kiến được đưa ra bởi đại diện EVN, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng quy hoạch Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương ủng hộ xã hội hoá vào lưới điện truyền tải.
Hai hình thức được ông Tuấn Anh nêu ra là đầu tư vào lưới điện để đấu nối từ nhà máy điện đến điểm đấu nối của truyền tải, trường hợp này theo Thông tư 25 của Bộ Công Thương, nếu nhà đầu tư đầu tư cả nhà máy, lưới điện giữa nhà đầu tư và ngành điện sẽ thống nhất phạm vi đầu tư, trường hợp này khi đầu tư, quản lý vận hành từ trước đến nay đang triển khai và không vướng mắc.
“Đầu tư lưới điện truyền tải chủ trương Chính phủ khuyến khích nhưng Luật Điện lực quy định nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải. Hoạt động truyền tải bao gồm đầu tư hay chỉ độc quyền quản lý vận hành, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục Năng lượng tái tạo nghiên cứu cơ chế, chính sách, qua đó chúng tôi báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp huy động nguồn lực xã hội đầu tư lưới điện. Chúng ta có thể áp dụng theo hình thức đầu tư sau đó bàn giao cho ngành điện quản lý vận hành thực hiện theo Nghị định 63 về đối tác công tư”, ông Tuấn Anh nói.
Ông cũng cho biết, cũng cần có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để làm rõ hơn khái niệm độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải. Theo hướng Bộ Công Thương đề xuất là giải thích độc quyền nhà nước là độc quyền quản lý, vận hành còn đầu tư cho phép xã hội hoá.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi lại cho rằng, giải pháp căn cơ tháo nút thắt điểm nghẽn trong phát triển điện mặt trời là "Việt Nam cần phải có cơ sở tính toán khoa học, cụ thể và bài bản cho quy hoạch điện".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận