Có người nước ngoài núp bóng cho vay lãi suất “cắt cổ” trên 1.000%/năm
Có trường hợp người nước ngoài đến Việt Nam thành lập, thu mua hoặc thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn tài chính... cho vay lãi suất cao ngất ngưởng.
Thông tin được thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, nêu tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30-11.
Theo Thượng tá Lê Vinh Tùng, tình hình tội phạm tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, chiêu trò đòi nợ. Tín dụng đen kéo nhiều hệ lụy.
Tội phạm tín dụng đen truyền thống kết hợp công nghệ thành lập cơ sở kinh doanh cầm đồ hoặc biến tướng, doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Sau đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay.
Gần đây, lực lượng chức năng còn phát hiện các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản…
"Qua đấu tranh, triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua hoặc thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lên đến trên 1.000%/năm" - Thượng tá Lê Vinh Tùng nói.
Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an TP HCM, Tiền Giang, Hà Nội bắt, xử lý hàng ngàn đối tượng thành lập ra các công ty luật nhưng thực chất là đi đòi nợ.
Tại TP HCM, Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó phòng cảnh sát hình sự Công an TP HCM, cho biết trong số 500 vụ án đã bị triệt phá trên cả nước thì TP HCM xử lý 219 vụ, khởi tố 105 vụ án, hơn 200 bị can.
Theo Thượng tá Lê Duy Sâm, đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng rất nhiều phương thức thủ đoạn như núp bóng công ty tài chính hay dưới các hợp đồng giả cách. Trong hợp đồng sẽ không đề cập đến lãi suất để tránh bị xử lý hình sự.
Ở chiều ngược lại, lợi dụng việc cơ quan công trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản, một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, công ty tài chính chính thống… cố tình "chây ỳ" trả nợ. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm, các đối tượng đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách "bùng nợ" gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính còn 134.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.
Để xóa tín dụng đen, các ý kiến cho rằng cần khơi thông dòng vốn tín dụng tiêu dùng của ngành ngân hàng, thúc đẩy gói vay tín chấp qua cơ sở dữ liệu dân cư để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vay vốn chính thống và mạnh tay xử lý đối tượng cho vay nặng lãi. Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn tất việc xác thực, làm sạch và loại bỏ sim "rác", tài khoản ngân hàng "ảo"; xác thực thông tin các tài khoản trên không gian mạng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận