24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cơ hội và thách thức của chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19

Đại dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng Thủy sản trên thế giới, đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành Thủy sản Việt Nam.

Niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam nói chung và với ngành Thủy sản Việt Nam nói riêng đã gia tăng đáng kể sau đại dịch Covid-19 nhờ vào quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh thuỷ sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador phải thường xuyên phong tỏa, cách ly xã hội để chống dịch, dẫn đến sản lượng sản xuất và xuất khẩu của những nước trên giảm đáng kể khoảng 50%.

Đây sẽ là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích hiện trạng xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam, đồng thời chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội trong chuỗi cung ứng thủy sản hậu đại dịch Covid-19.

Thực trạng chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển phải đối mặt với “những cơn gió ngược mạnh” do tác động của đại dịch Covid-19. Covid-19 làm suy giảm tăng trưởng GDP tăng trưởng thương mại và năng suất toàn cầu.

Dự báo của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) cho thấy, GDP toàn cầu giảm đi 5,2% năm 2020 (mức suy thoái sâu nhất trong 8 thập niên). Trong số 14 đợt suy thoái toàn cầu trong 150 năm qua, đợt suy thoái này đứng thứ 4 về độ sâu. Thương mại hàng hóa có thể giảm từ 13%-32% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2021 dự kiến sẽ giảm ở 93% các quốc gia (tỷ lệ lớn nhất trong hơn 1 thế kỷ qua).

Các nguồn vốn chủ yếu cho phát triển (FDI, đầu tư gián tiếp và kiều hối) đều sụt giảm nghiêm trọng. Dòng FDI vào những thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển giảm khoảng 21,4% trong năm 2020. Mạng sản xuất toàn cầu đang bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy. Mức tập trung cao khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC) bị đứt gãy nghiêm trọng, do đó dẫn đến suy giảm thương mại quốc tế trầm trọng.

Cơ hội và thách thức của chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19

Trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Việt Nam dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy có nhiều dư địa để làm tốt hơn nữa. Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực cùng với các Hiệp định mới được ký kết và đang đàm phán, Việt Nam là một trong số những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

Trong thu hút đầu tư, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mặc dù tác động của đại dịch Covid-19, song thu hút vốn FDI năm 2020 đã đạt 28,5 tỷ USD và có gần 300 DN từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Kết quả tích cực này chính là đòn bẩy để Việt Nam ngược dòng, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội mặc dù còn phải đối mặt với không ít tác động từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay là mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (theo WB, độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gấp 5 lần so với Trung Quốc). Mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN.

Số liệu của WB, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 53 trong số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Báo cáo phát triển thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên trong GVC để nâng cao năng suất.

Theo tính toán, GVC hiện chiếm 66% giao dịch thương mại, nhưng mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 28% tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc. Không những vậy, Việt Nam tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, DN như: 4 sản phẩm hàng đầu (dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại) chiếm 2/3; 4 thị trường lớn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ) chiếm 60%; 4 tập đoàn hàng đầu (Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic) chiếm 70% kim ngạch thương mại trong GVC. Điều này cũng đồng nghĩa, 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các DN FDI thực hiện. Trong khi đó, khả năng các DN nội địa tham gia và được kết nối vào GVC còn hạn chế.

Cơ hội và thách thức của chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19

Năm 2020, ước tính cứ 1% tăng lên trong việc tham gia GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người hơn 1% (nhiều hơn 2 lần so với thương mại truyền thống). Do vậy, tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nhanh năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, trung và dài hạn, Việt Nam nên có những cải cách dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa công - tư, chủ động thu hút các nhà đầu tư khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc để đa dạng GVC. Hai nhân tố quan trọng cần ưu tiên là đào tạo lao động chất lượng cao và xây dựng hạ tầng kết nối; thúc đẩy giáo dục – đào tạo sau phổ thông cao hơn, tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng và trình độ cao, nếu muốn vượt khỏi mức độ lắp ráp sản phẩm.

Tổng quan xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Sản lượng thủy sản xuất khẩu

Năm 2020, sản lượng thủy sản của cả nước đạt 8,4 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2019, trong đó nuôi trồng chiếm 54% với gần 4,6 triệu tấn, khai thác chiếm 46% với trên 3,8 triệu tấn. Xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2019, trong đó Thủy sản nuôi (tôm, cá tra) chiếm 62% với 5,2 tỷ USD, Thủy sản khai thác chiếm 38% với 3,2 tỷ USD.

Dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên các thị trường, nhưng các nước nhập khẩu chính thủy sản Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ giảm nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam (giảm 3-6%), trong khi thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kể (+10%). Ngoài ra, những thị trường khác như Nga, Anh, Australia, Canada thậm chí vẫn tăng mạnh (10-32%) nhập khẩu từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều sản phẩm xuất khẩu bị sụt giảm mạnh như cá tra phile đông lạnh, tôm sú đông lạnh, cá ngừ thăn phile, cá biển khác phile đông lạnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều sản phẩm có cơ hội tăng thị phần trên các thị trường như tôm chân trắng và tôm biển đông lạnh và chế biến, các loại cá hộp và chế biến, cá khô, tôm khô, cá tra chế biến, cua ghẹ chế biến, nước mắm… nhờ đó mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với kết quả xuất khẩu chung cũng hạn chế hơn. Năm 2020, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 3,73 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2019. Xuất khẩu tôm chỉ thực sự giảm sâu 46% vào tháng 3/2019 – giai đoạn đỉnh đại dịch Covid-19 lần 1 trên thế giới.

Cơ hội và thách thức của chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19

Thị trường xuất khẩu thủy sản

Năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giao thương thủy sản với tất cả các thị trường. Tuy nhiên, một số thị trường vẫn tăng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, bao gồm Mỹ tăng gần 10%, Anh tăng 23%, Canada tăng 14%, Nga tăng 32% và Australia tăng 10%. Sự ổn định nguồn cung, đa dạng sản phẩm đã đáp ứng được thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng các nước trong bối cảnh Covid-19.

Xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản hậu đại dịch Covid-19

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đại dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam bao gồm cả những thách thức và cơ hội mới. Theo VASEP, đại dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản.

Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh DN phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến DN chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đại dịch Covid-19.

Xu hướng của thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19, lệnh cấm, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ trong phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm mạnh. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 563 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 đạt 2,18 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Thu nhập của người tiêu dùng giảm nên tiêu thụ các sản phẩm cao cấp có xu hướng giảm, tác động giảm giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Trong các sản phẩm xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi xuất khẩu tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường: giảm tiêu thụ các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, tăng tiêu thụ tại các siêu thị, các kênh bán lẻ. Cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chính được tiêu thụ chính cho phân khúc dịch vụ, căng-tin. Trong khi đó, tôm với các loài và size cỡ và dạng sản phẩm, cách chế biến khác nhau vẫn phù hợp tiêu thụ tại các siêu thị và phân khúc bán lẻ, phù hợp cho chế biến tại nhà trong những thời điểm giãn cách xã hội. Một số sản phẩm hải sản cũng tương tự.

Do vậy, có nhiều sản phẩm Việt Nam vẫn xuất khẩu tốt như: tôm chân trắng nuôi đông lạnh và chế biến, tôm biển, cá ngừ và các loại cá biển đóng hộp, nước mắm, các loại thủy sản khô. như cá, mực bạch tuộc khô, những sản phẩm chế biến sẵn khác, sản phẩm ăn liền, sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu...

Tuy nhiên, kết quả trên chỉ là tình hình chung. Thực tế, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thủy sản. Nuôi trồng và khai thác thủy sản đều bị ảnh hưởng. Có những giai đoạn (như từ tháng 3 đến tháng 5), sản phẩm nuôi như tôm và cá tra không xuất được, lượng tồn kho tăng nhưng hệ thống kho lạnh ở Việt Nam không đủ, thuê kho giá đắt.

Cơ hội và thách thức với ngành Thủy sản Việt Nam

Dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, đây là cơ hội, cũng là thách thức mới đối với ngành Thủy sản Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19.

Thách thức

Một là, năm 2020, sản xuất và thương mại thủy sản thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Dịch căng thẳng ở những thị trường nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tác động rõ rệt đến thương mại thủy sản của Việt Nam với các nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I và quý II/2020 giảm lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2020, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng (với mức tăng trưởng 10% đến 13% tính trong cả quý III/2020), Sang quý IV, dù nhu cầu nhập khẩu của các thị trường vẫn tốt nhưng thương mại thủy sản lại bế tắc vì thiếu container rỗng để xếp hàng xuất đi các nước và cước phí vận tải lại đội lên nhiều lần khiến hoạt động xuất khẩu bị đình trệ và sụt giảm.

Cơ hội và thách thức của chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19
Hai là, sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”, đại dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường: giảm tiêu thụ các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, tăng tiêu thụ tại các siêu thị, các kênh bán lẻ. Bên cạnh đó, sẽ có 1 số DN bị đào thải đóng cửa/phá sản hay bán lại cho nhà đầu tư khác, nợ xấu có thể sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến cả các ngành có liên quan, chi phí sản xuất tăng cao. Lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng. Lao động sẽ thiếu và ngày càng khó khăn.
Ba là, thẻ vàng IUU của EU đã khiến cho xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ từ năm 2018 đến nay. Năm 2020, xuất khẩu sang EU bị tác động kép bởi đại dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Vương Quốc Anh rời EU, khiến cho giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này giảm 8% so với năm trước. Xuất khẩu thủy hải sản sang EU liên tục giảm và kể từ năm 2019 thị trường này đã rớt xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, là đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Năm 2020, khai thác hải sản khó khăn trong khi các quy định về chứng nhận, xác nhận thủy sản có nguồn gốc khai thác khiến cho nguồn nguyên liệu để xuất đi thị trường châu Âu càng hạn chế.
Bốn là, đối với Mỹ, dù Đạo luật chống khai thác IUU ban hành và có hiệu lực từ năm 2015, nhưng những đạo luật và chương trình liên quan đang tác động đến các nước xuất khẩu thủy sản là Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP)

Theo đó, chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) của Mỹ yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát hoặc giả mạo xâm nhập thị trường Mỹ. Đầu năm 2019, tôm Việt Nam vào Mỹ phải khai báo nguồn gốc từng lô hàng theo chương trình SIMP. Mã số vùng nuôi, ao nuôi phải cung ứng trước và trước khi lô hàng xuất bến phải báo cho phía Hoa Kỳ chi tiết xuất xứ lô hàng. Việc này gắn liền công tác cấp mã số cơ sở nuôi – là một việc khó nhưng buộc phải tuân thủ mới đáp ứng yêu cầu khi xuất khẩu sang Mỹ.

Cơ hội

Bên cạnh các thách thức nêu trên, ngành Thủy sản Việt Nam cũng đón nhận nhiều cơ hội tốt:

Thứ nhất, niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam nói chung và với thủy sản Việt Nam nói riêng đã gia tăng đáng kể sau đại dịch Covid-19 nhờ vào quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh thuỷ sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador phải thường xuyên phong toả, cách ly xã hội để chống dịch, dẫn đến sản lượng sản xuất và xuất khẩu của những nước trên giảm đáng kể khoảng 50%. Tương tự, những quốc gia láng giềng như: Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng giảm khoảng 30% sản lượng xuất khẩu thủy sản do đại dịch Covid-19 liên tục bùng phát. Vì vậy, các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam.
Thứ hai, DN nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và tập trung phát triển các thị trường để ngành Thủy sản Việt Nam bứt phá trong thời gian tới. Muốn bứt phá, người nuôi và các DN xuất khẩu cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng. Việc tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm cá tra tạo sự khác biệt so với sản phẩm cá thịt trắng khác sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và khiến người tiêu dùng chọn sản phẩm cá tra thay vì các sản phẩm khác. Cùng với đó, việc cải thiện chất lượng con giống, đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong mọi điều kiện và mở rộng thị trường cũng là vấn đề các chuyên gia lưu ý.
Thứ ba, các chuyên gia nhận định, sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra “chiến tranh” thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19. Nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng. Các sản phẩm thủy sản tiện dụng (RTC và RTE) có giá trị gia tăng có xu hướng được ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho sản xuất – chế biến…) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các DN thủy sản chủ động hơn trong sản xuất.
Thứ tư, các FTA có hiệu lực và được đưa vào thực thi trong năm 2020 đã tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của nước ta. Sau khi giảm liên tục trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 7. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã giúp thủy sản liên tục có tăng trưởng hai con số. Thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng 19-30%. Xuất khẩu thủy sản sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt 958 triệu USD. Dù con số này có giảm nhẹ so với năm 2019, song là kết quả tương đối khả quan trong một năm nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.

Kết luận

Đại dịch Covid-19 kéo dài cả năm 2020 làm gián đoạn hoạt động thương mại thuỷ sản toàn cầu, làm thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam do đó biến động theo xu hướng thị trường dẫn đến xuất khẩu tôm chân trắng, tôm biển, cá biển, cua ghẹ tăng, trong khi xuất khẩu cá tra giảm sâu, cá ngừ và mực, bạch tuộc giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên các thị trường, nhưng các nước nhập khẩu chính thủy sản Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ giảm nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam (giảm 3,6%), trong khi thị trường lớn nhất là Mỹ vẫn tăng đáng kể (10%) nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, các thị trường khác như Nga, Anh, Australia, Canada thậm chí vẫn tăng mạnh (10-32%) nhập khẩu từ Việt Nam.

Năm 2021, tình hình thương mại thủy sản sẽ vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác.

Các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Sau một năm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra DN thủy sản Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường. VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả