Cơ hội thời “tiền mặt là vua”
Hiện tại, hơn 60% mã cổ phiếu trên 3 sàn giao dịch có giá dưới giá trị sổ sách và hàng chục mã được chào bán với giá thấp hơn lượng tiền mặt ròng của doanh nghiệp.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, áp lực bán trên toàn thị trường vẫn rất mạnh. Số mã giảm giá trên cả 3 sàn là 673, bao gồm 308 mã giảm sàn, áp đảo so với 127 mã tăng giá.
Nhiều cổ phiếu bluechips hay ngân hàng cũng “trắng bên mua”.
Ðáng chú ý, trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm giá sàn, cho thấy tâm lý bi quan của giới đầu tư.
Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, nhưng ít hơn trước, giá trị bán ròng là hơn 400 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, thông thường, chính sách nới lỏng tiền tệ tại các nước phát triển sẽ hướng dòng vốn giá rẻ chảy đến các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý ngại rủi ro tăng mạnh hiện nay, thì sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế có thể không diễn ra theo cách thông thường.
Trên phương diện đầu tư trực tiếp, công ty chứng khoán này nhận định, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoãn lại các quyết định liên quan đến đầu tư mới hay mở rộng sản xuất - kinh doanh cho đến cuối năm.
Trên phương diện đầu tư gián tiếp, dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục hướng đến các tài sản có tính an toàn cao cho đến khi có dấu hiệu chắc chắn rằng sự lây lan của dịch Covid-19 trên toàn cầu được chặn đứng.
Do đó, động thái nới lỏng tiền tệ gần đây khó có thể thúc đẩy dòng vốn ngoại vào Việt Nam gia tăng trở lại trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, việc nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới được kỳ vọng hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính cũng như nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro đổ vỡ tiềm tàng trên thị trường, từ đó dần ổn định tâm lý của các nhà đầu tư.
Ðối với thị trường Việt Nam, tuyên bố tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa thể chấm dứt hay đảo ngược xu thế bán ròng của khối ngoại, nhưng phần nào trấn an tâm lý của nhà đầu tư.
VNDIRECT cho rằng, sau khi thị trường tài chính quốc tế ổn định trở lại, dòng vốn giá rẻ sẽ hướng đến các quốc gia có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Ðặc biệt, dòng vốn giá rẻ sẽ lựa chọn các quốc gia đã chứng minh được sự hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19, cũng như có năng lực khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh với tốc độ nhanh sau khi dịch suy yếu.
Việt Nam là một ứng cử viên tiềm năng do đã chứng minh được năng lực phòng chống dịch hiệu quả được cộng đồng quốc tế công nhận và duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh tương đối ổn định, vì thế có năng lực và khả năng để tăng trưởng sản xuất một cách nhanh nhất sau khi dịch qua đi.
Hiện tại, dịch Covid-19 đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, còn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra sự hoang mang của giới đầu tư tài chính. Nếu xem dịch bệnh là “giặc” thì toàn thế giới đang có cuộc chiến tranh toàn diện với dịch.
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) Chi nhánh TP.HCM nhìn nhận, trong cuộc chiến, tích lũy lương thảo là hành động cần thiết đầu tiên. Ðiều này lý giải cho tình trạng bán cổ phiếu, bởi tiền mặt là lương thảo của nhà đầu tư trên thị trường tài chính.
Theo thống kê, hành động bán tháo đã dẫn đến hơn 60% mã cổ phiếu trên 3 sàn giao dịch có giá giảm xuống dưới giá trị sổ sách, hàng chục cổ phiếu được chào bán với giá thấp hơn lượng tiền mặt ròng của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) có lượng tiền mặt gấp 3 lần thị giá cổ phiếu; không ít công ty bảo hiểm, khu công nghiệp, xây dựng… có giá cổ phiếu thấp hơn lượng tiền mặt.
Tình trạng này gợi nhớ đến trường hợp Công ty Chứng khoán Kim Long năm 2016, cổ phiếu có thị giá khoảng 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu và khi giải thể, mỗi cổ đông được nhận 11.000 đồng tiền mặt cho mỗi cổ phiếu.
Hay như cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đang chịu áp lực giảm giá mạnh từ sự sụt giảm của giá dầu.
Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001 đến nay. PVS đang có giá 10.100 đồng/cổ phiếu (ngày 23/3), trong khi lượng tiền mặt của doanh nghiệp tương đương hơn 15.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Phan Tấn Nhật nói vui rằng, Ban lãnh đạo PVS nên học tập cách tư duy của Tổng thống Mỹ Donald Trump (đề xuất gói cứu trợ có quy mô 850 - 1.000 tỷ USD để kích thích nền kinh tế, trong đó 250 tỷ USD tiền mặt sẽ được trao trực tiếp cho người dân, tương đương mỗi người nhận 1.000 USD) chia cho mỗi cổ đông 4.000 - 5.000 đồng tiền mặt để giúp cổ đông chống chọi tốt trong thời điểm đại dịch hiện nay.
Nhiều quốc gia đang nỗ lực nghiên cứu các loại thuốc, vắc-xin nhằm chống lại dịch Covid-19. Thông tin tích cực ban đầu về việc hạn chế dịch lây lan cũng như kiểm soát dịch đã được đưa ra. Ðiều mà nhiều người dân, cũng như giới đầu tư mong ngóng.
Trong thách thức luôn có cơ hội. Theo ông Nhật, đối với các công ty năng lượng, sản xuất điện, than, khí đốt, các công ty sản xuất thiết yếu…, thì với tình hình giá các nguyên liệu giảm mạnh như hiện nay là cơ hội tốt để tích lũy “lương thảo”, sử dụng các nghiệp vụ để tăng lượng tồn kho, hạ giá vốn nguyên liệu, cải thiện biên lợi nhuận khi kinh tế phục hồi.
Hay ở những thời điểm “đen tối”, hoảng loạn, các nhà đầu tư trường vốn, giá trị có thể nhớ lại những bài học kinh điển của cha đẻ trường phái đầu tư giá trị Benjamin Graham để tìm kiếm các cơ hội “mua một tài sản có giá trị 1 USD với mức giá 0,5 USD” đang xuất hiện ngày một nhiều.
Thực tế cho thấy, không ít công ty, cổ đông lớn đăng ký mua vào cổ phiếu, thể hiện quan điểm trên.
Theo đánh giá của ông Nhật, trong ngắn hạn, nhiều mã cổ phiếu đã và đang hình thành vùng đáy ngắn hạn và số lượng sẽ cải thiện dần dần, thể hiện qua tín hiệu xu hướng thị trường cũng đang tạo đáy.
Nhiều mã có dấu hiệu kết thúc quá trình suy giảm ngắn hạn và chuyển sang xu hướng phục hồi, tích lũy. Do đó, đối với các trường hợp đã quản trị tốt rủi ro, nhà đầu tư nên chủ động chọn lọc, tích lũy các cổ phiếu cơ bản nằm sâu dưới giá trị sổ sách hay giá tương đương tiền mặt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận