Cơ hội cho chứng khoán vẫn rất lớn
Phiên giao dịch ngày 22-5, VN-Index ghi nhận mức giảm khá mạnh, đến 10,23 điểm (-0,8%) và đóng cửa ở mức 1.266,91 điểm. Đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của chỉ số này khi hứng chịu áp lực bán 1,1 tỉ cổ phiếu của phiên 20-5 về đến tài khoản nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước bán hạ giá liên tục khiến cổ phiếu lao dốc khá nhanh ở phiên chiều. Tổng trị giá giao dịch 3 sàn tăng vọt gần 33.400 tỉ đồng, cao kỷ lục trong 23 phiên.
Nhà đầu tư đã bớt lo
Tuy vậy, theo các chuyên gia tham dự talkshow chứng khoán với chủ đề "Sóng" chứng khoán trở lại, cơ hội cổ phiếu ngành nào?" do Báo Người Lao Động tổ chức chiều cùng ngày, dù thị trường có thể rung lắc nhưng xu hướng vẫn là tích cực.
Ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, nhận định khoảng 1 tháng trước, các nhà đầu tư khá lo ngại trước sức ép tỉ giá tăng, lãi suất nhấp nhổm đi lên hay căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, khiến VN-Index mất hơn 100 điểm chỉ trong 1 tuần vào giữa tháng 4 vừa qua. Còn hiện tại, những lo lắng này vẫn còn nhưng dường như nhà đầu tư đã "quen", trong khi kinh tế vĩ mô trong nước đang có những tín hiệu tích cực hơn, sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu đều khả quan. "Kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Nếu nhìn kỹ hơn, nhiều DN có lợi nhuận rất tốt" - ông Minh nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Khối phân tích cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank, nếu nhìn vào các kênh đầu tư ở hiện tại, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Ngay cả lãi suất huy động có nhích lên nhưng mặt bằng chung vẫn ở mức thấp. Vì vậy, khi VN-Index có mức giảm đủ hấp dẫn sẽ kích thích dòng tiền từ nhà đầu tư chảy vào.
Điều này lý giải cho đợt tăng mạnh khoảng 100 điểm của thị trường từ cuối tháng 4 đến nay. "Nếu lãi suất đầu vào từ nay tới cuối năm nhích lên khoảng 1 điểm % cũng chưa thể khẳng định là đảo ngược chính sách tiền tệ nên vẫn chưa đáng lo" - ông Lâm nói.
Các chuyên gia khách mời tham dự talkshow chứng khoán do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 22-5 Ảnh: TẤN THẠNH
Trong bối cảnh như vậy, các chuyên gia cho rằng việc thị trường điều chỉnh giảm mạnh trong phiên 22-5 cũng chưa thật sự đáng lo. Bởi nhìn dài hơn thì triển vọng vẫn tích cực. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho rằng khi đánh giá xu hướng tăng giảm của thị trường chứng khoán cần nhìn yếu tố dòng tiền vào thị trường như thế nào? Thực tế, ở thời điểm hiện tại, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có lợi thế cạnh tranh so với bất động sản, trái phiếu, vàng, lãi suất. Trong đó, lãi suất có tăng nhưng vẫn trong mặt bằng thấp so với 1 năm trước. Còn giá vàng dù lập đỉnh nhưng không phải ai cũng đổ xô mua vàng như 10 năm trước.
"Định giá thị trường theo P/B (theo giá trị sổ sách) vẫn đang thấp nhất trong gần 10 năm; định giá theo P/E (thu nhập trên giá cổ phiếu) đang khoảng 13-13,5x so với mức trung bình khoảng 16-18x thì không phải tăng quá nóng" - ông Trung nói.
Khi nào khối ngoại giảm bán ròng?
Các chuyên gia nhận định trong ngắn hạn, VN-Index có thể rung lắc nhiều hơn khi tiến tới ngưỡng 1.300 điểm nhưng chỉ là sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhà đầu tư, không phải xu hướng giảm. Ngay cả việc bán ròng liên tiếp của khối ngoại trong nhiều tháng qua cũng không quá đáng lo vì tỉ trọng giao dịch của khối này trên thị trường không quá lớn.
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng có thể vài phiên tới thị trường điều chỉnh nhưng cần phân tích các yếu tố tác động tích cực đã đảo chiều hoặc thay đổi chưa? Nếu chưa thay đổi xu hướng vẫn là tích cực dù trong ngắn hạn có thể rung lắc, giảm.
Ông Đinh Đức Minh cho biết khối ngoại đã bán ròng liên tục ở nhiều thị trường 2-3 năm nay chứ không phải mới. Lý do lớn nhất là lãi suất có sự chênh lệch lớn giữa các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam và Mỹ. Khi đó, dòng tiền của khối ngoại có xu hướng chảy sang Mỹ vì mức sinh lời cao hơn.
Ông Minh dẫn chứng lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang ở mức khoảng 4,5%-5%/năm, khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu và đặc biệt là gần như không có rủi ro. Vì vậy, họ sẽ bán chứng khoán ở các thị trường mới nổi, cận biên (không chỉ Việt Nam) để chuyển dòng tiền đầu tư sang Mỹ.
"Dù vậy, mỗi lần VN-Index điều chỉnh về mức hấp dẫn (P/E khoảng 10x), khối ngoại vẫn sẽ mua mạnh trở lại. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài luôn dành sự quan tâm đối với chứng khoán Việt Nam" - ông Minh nói.
Vậy khối ngoại sẽ bán ròng tới bao giờ? Theo dự báo mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm nay vào cuộc họp chính sách tháng 9 tới, liệu khối ngoại sẽ bán ròng từ nay tới khi đó?
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, nhiều nước trong khu vực đều ghi nhận việc nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi thị trường chứng khoán. Ông Lâm dự báo có thể khi FED có động thái giảm lãi suất, khối ngoại sẽ giảm áp lực bán ròng. Đặc biệt, trong trường hợp Việt Nam đủ điều kiện nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3-2025 hoặc chậm hơn là tháng 9-2025, sẽ kích thích dòng tiền nước ngoài trở lại.
Thống kê từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 27.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng phân tích kỹ, ông Nguyễn Thành Trung cho biết riêng nhóm cổ phiếu họ Vingroup (VIC, VHM, VRE) đã chiếm tới khoảng 45% trị giá bán ròng, còn lại một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác như MSN, VNM và các quỹ ETF... Những con số này cho thấy việc bán ròng tập trung vào một số nhóm cổ phiếu nhất định, chứ không phải toàn thị trường.
"Trước đây 5-10 năm, tỉ trọng giao dịch của khối ngoại chiếm khoảng 20% tổng giao dịch trên thị trường nên khi họ bán ròng sẽ tác động rất lớn. Hiện tại, thanh khoản mỗi ngày có thể lên tới cả tỉ USD, trong đó khối ngoại chỉ chiếm khoảng 5%-6% nên tác động không quá lớn" - ông Trung nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận