Cơ hội bứt phá của Hàng không Việt Nam sau dịch COVID-19
Các hãng hàng không trong khu vực như Thai Airways, Malaysia Airlines, Phillipine Airlines và Garuda Indonesia đang trong quá trình tái cấu trúc, bảo hộ phá sản hoặc thu hẹp quy mô.
Đây là cơ hội lớn cho các hãng hàng không Việt trở thành hãng hàng không hàng đầu trong khu vực, qua đó nâng cao được vai trò ngành hàng không và góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế đất nước Việt Nam, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Trước những ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 mang lại, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng dương (2,9%) trong năm 2020 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng 6,7-7% trong năm 2021-2022. Ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới là Moody’s, S&P và Fitch đều nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng trong phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngành hàng không Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế này nếu có những chính sách hợp lý để vượt qua giai đoạn khủng hoảng và nắm bắt cơ hội.
Dịch COVID-19 cũng làm các hãng hàng không thua lỗ nặng nề. Đơn cử, tính đến quý I/2021, tính theo lợi nhuận gộp từ bán hàng/dịch vụ, Vietnam Airlines vẫn lỗ khoảng 3.904 tỷ đồng. Do thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như phải dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác quốc tế (vốn chiếm trung bình khoảng 60% năng lực khai thác) và dịch chuyển khai thác sang nội địa vốn cũng suy giảm về nhu cầu, dẫn đến thực trạng dư thừa tải cung ứng tại Việt Nam, nguồn lực tàu bay của các hãng bay Việt dư thừa trong giai đoạn vừa qua trung bình ở mức khoảng 40% số tàu (tính theo số giờ khai thác).
Để duy trì hoạt động, giành thị phần khách, các hãng liên tục hạ giá bán xuống thấp để lấy dòng tiền khiến việc kinh doanh vận tải hàng không bị thua lỗ. Chưa kể, việc bán phá giá vé máy bay trong bối cảnh các hãng hàng không đang gặp áp lực lớn về tài chính hoàn toàn có thể gây ra sự sụt giảm doanh thu trầm trọng mà tồi tệ hơn hãng bay lâm vào tình trạng phá sản khi doanh thu không bù đắp nổi các chi phí hiện hữu, các hãng hàng không còn lại có khả năng sẽ kiểm soát thị trường, tăng giá vé, ảnh hưởng lâu dài tới lợi ích người tiêu dùng.
Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại chịu thiệt thòi.
Mặt khác, việc giảm giá cũng tạo ra sự mất cân đối về phát triển giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác khi giá vé máy bay ở nhiều thời điểm còn rẻ hơn đường sắt và đường bộ trong khi thời gian đi lại chỉ mất 2 giờ so với 21-36 giờ cho chặng TP.HCM - Hà Nội, ảnh hưởng đến thị phần chung của ngành vận tải và lợi ích nhà nước.
Đánh giá sự ra đời của hàng không giá rẻ đã tạo cơ hội đi lại bằng tàu bay cho nhiều người, tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nếu hãng bay bán phá giá, cụ thể trong một thời gian dài mà tiền bán vé thu về không đủ số chi ra thì cần phải xử lý nghiêm để tạo minh bạch và công bằng giữa các hãng hàng không.
Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam nhìn nhận, khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không, nhất là các hãng hàng không càng tăng do đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư. Do đó, các doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Nhà nước chú ý định hướng chiến lược nhằm giữ được thị phần và sức cạnh tranh cho các hãng hàng không Việt Nam.
IATA dự báo thị trường sẽ hồi phục vào năm 2023-2024 nhưng mức độ hồi phục khác nhau giữa các thị trường và phụ thuộc vào tốc độ phổ cập tiêm chủng của các quốc gia. Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (trừ Singapore) còn thấp so với các quốc gia khác trên thế giới. Hơn nữa, việc liên tục xuất hiện biến chủng mới nên khả năng hồi phục của ngành hàng không Việt Nam có thể cũng sẽ kéo dài 2-3 năm tới.
Ngoài ra, Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cũng như đảm bảo sức khỏe tài chính của các hãng trong nước để cạnh tranh với các hãng nước ngoài và đủ chi phí duy trì khai thác bay an toàn, ngành hàng không cũng cần có cơ chế giám sát, quản lý để thực hiện các giải pháp chống bán phá giá đối với doanh nghiệp vận tải hàng không.
Theo đó, Chính phủ sớm có công cụ để xóa bỏ cạnh tranh tiêu cực là cần thiết và đảm bảo lợi ích của khách hàng và là tạo tiền đề cho ngành hàng không phục hồi trong tương lai trong đó thực hiện điều tiết hiệu quả để ổn định mặt bằng giá bán trung bình trên thị trường nhằm đảm bảo cho các hãng hàng không có thể duy trì hoạt động và phát triển bền vững. Các hãng hàng không quy định mức giá cụ thể theo tín hiệu thị trường nhưng nằm trong khung giá dịch vụ do Nhà nước quy định.
“Khi sản xuất kinh doanh ổn định, doanh thu được cải thiện để đảm bảo cho doanh nghiệp có khả năng trả lãi và vốn vay dài hạn của ngân hàng. Đây cũng là tín hiệu tốt tạo niềm tin cho các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư khi tham gia cho vay đầu tư vốn vào doanh nghiệp”, lãnh đạo một hãng bay phân tích./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận