menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Nguyên Vũ

Cơ hội bứt phá cho nông sản Việt khi chuyển đổi số

Chuyển đổi số được áp dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp thì cơ hội vươn lên của nông sản Việt càng dễ..

Tiêu thụ sản phẩm đa nền tảng

Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển thể hiện rõ rệt trong thời gian qua, nhất là giai đoạn cả nước chống chọi với những sóng dịch Covid-19. Lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân, doanh nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban, tham gia sàn thương mại điện tử, hợp tác xã và người nông dân dễ nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất... Hiện tại, việc bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử góp phần giúp hợp tác xã tiêu thụ 500-700kg rau, củ, quả/ngày; doanh thu đạt 18-20 tỷ đồng/năm.

Có hơn 20 ha trồng cà gai leo tại Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, có những thời điểm sản phẩm của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Chương Mỹ) gần như không tiêu thụ được qua kênh bán hàng truyền thống, vì vậy công ty đã tìm đến các kênh bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Zalo…

Ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao cho hay, kể từ khi công ty đưa sản phẩm lên các trang bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, sản phẩm cà gai leo đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận… nên doanh thu tăng gấp 2-3 lần so với phương thức bán hàng truyền thống.

Còn theo ông Đỗ Hòa, Giám đốc đơn vị Rain coffee cho biết, đơn vị đã sử dụng một số kênh bán hàng thương mại điện tử và hiện chiếm khoảng 20% doanh số của đơn vị.

"Tôi cũng đã thử mua hàng trên TikTok và nhận thấy việc mua hàng rất nhanh và dựa nhiều vào nội dung giải trí thu hút người xem. Do đó, tôi đang tiếp tục nghiên cứu các kênh bán hàng thương mại điện tử và áp dụng cho kênh phân phối của đơn vị trong thời gian tới", ông Hòa chia sẻ với Báo Chính phủ.

Thông tin từ Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com. Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng. Điều này cho thấy thông qua thương mại điện tử, các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực nông sản có cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.

Bà Hoàng Thị Gái (Hải Phòng) là một trong số các nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, đang có 100 ha trồng lúa, rau màu, trong đó có nhiều loại rau, củ quả xuất khẩu và đang liên kết với hàng trăm nông dân trong vùng để trồng rau sạch phục vụ xuất khẩu. Chia sẻ thêm với Báo Tin tức, để việc liên kết đạt hiệu quả cao, bà Gái thành lập các nhóm Zalo, các tổ đội trao đổi thông tin sản xuất hàng ngày. Người nông dân một thời chỉ biết cắm mặt vào đồng ruộng khẳng định, phải biết áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất thì nông nghiệp mới phải triển được... Bà Gái cho biết, nông dân bây giờ phải có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo mạng xã hội thì mới cập nhật được thông tin, kiến thức mới, cũng như kết nối với thị trường.

Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người nông dân

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã từng chia sẻ, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.

Cơ hội bứt phá cho nông sản Việt khi chuyển đổi số
Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử.

Trong phát biểu chỉ đạo gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả rất tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao.

Cũng từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, cải tiến, chế tạo máy móc, nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tổ chức, liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản, gắn sản xuất kinh doanh với giữ gìn chủ quyền biển, đảo, an ninh quốc gia.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu các cấp Hội Nông dân tiếp tục xây dựng tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước…

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, những nông dân chuyên nghiệp đã trở thành "đầu tàu" dẫn dắt các lớp nông dân khác vươn lên làm giàu, nắm bắt công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn. Vấn đề "tri thức hóa nông dân" trong lúc này được coi là quan trọng, bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay, lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước).

Tính đến nay, thu nhập bình quân của người nông dân các khu vực bình quân đã cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với năm 2010 khi chúng ta mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là những thành tích, kết quả rất đáng biểu dương và đầy nỗ lực, cố gắng của những người nông dân. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học xã hội chỉ ra vấn đề tồn tại là nhiều nông dân Việt Nam chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, không nắm được những việc cần phải làm để tiến hành chuyển đổi số. Khi họ bước vào công cuộc chuyển đổi số thì đầy gian nan, thách thức mặc dù biết đây là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp cũng như các hộ sản xuất. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Chuyển đổi số sao cho hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp như thế nào, dự báo về cung cầu thị trường… đang là những băn khoăn của nông dân.

Có thể nói, chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số; là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chính vì vậy, người nông dân cần nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng; nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam.

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp người sản xuất, kinh doanh có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng hàng hóa thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá… Tuy nhiên, hiện số lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn thường gặp khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử là việc doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian vào việc đăng tải sản phẩm và update thông tin. Trong khi doanh nghiệp sở hữu nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin chi tiết cũng như số lượng hàng hóa khác nhau. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải phải dành thời gian để tương tác với khách hàng thường xuyên.

Cơ hội bứt phá cho nông sản Việt khi chuyển đổi số
Tính đến nay, thu nhập bình quân của người nông dân các khu vực bình quân đã cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với năm 2010.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận sàn thương mại điện tử nên việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng; giá bán cũng chưa phù hợp với biến động của thị trường...

Mặt khác, việc bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream), cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử… chưa được triển khai thường xuyên.

Để khắc phục những hạn chế này, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất… qua đó hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó là hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao; hướng dẫn cách sử dụng nền tảng thương mại điện tử trên máy tính, điện thoại thông minh, để nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới trên sàn thương mại điện tử.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những "nút thắt" này, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, từ nay đến hết năm 2025 đơn vị sẽ phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương thương mại điện tử quốc gia - GoOnline.gov.vn", qua đó hỗ trợ 200.000 doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử như: Chuyển đổi số ứng dụng phần mềm; ứng dụng thanh toán điện tử; xây dựng chuỗi bán hàng đa kênh…

Hương Anh (tổng hợp)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại