24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Vũ Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Có dư 200 – 500 triệu, dân văn phòng đầu tư vào đâu cho hiệu quả?

Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục giảm, thời điểm này với 200 - 300 triệu tiền nhàn rỗi, khá nhiều người chưa biết đầu tư kênh nào hiệu quả?

Với những người làm văn phòng, khá nhiều bạn trẻ tích lũy được khoản tiền tiết kiệm từ 200 triệu – 500 triệu. Và cũng rất nhiều người trong số họ cho hay chưa biết đầu tư gì vừa an toàn vừa hiệu quả với khoản tài chính trên.

Mới đây, chia sẻ trên một trang diễn đàn về tài chính cá nhân, anh Trí Anh (Hà Nội) cho hay: “Tôi là nam, 28 tuổi, chưa lập gia đình, thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng và để dành khoảng 8 triệu mỗi tháng. Sau 6 năm đi làm nhân viên văn phòng, tôi tích góp được 500 triệu.

Nhiều bạn trẻ băn khoăn đầu tư gì với khoản tiền tiết kiệm khoảng 200 - 500 triệu

Trước nay, tôi chưa từng đầu tư gì ngoài việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng bằng hình thức trích 30% từ tài khoản lương. Do đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư cũng không giỏi làm chủ tài chính.

Tuy nhiên, thời gian gần đây lãi suất huy động tại các ngân hàng đều hạ thấp, tôi muốn tham khảo kênh đầu tư khác để chuẩn bị tài chính cho gia đình sau này nhưng chưa biết nên làm gì?”

Tương tự, chị Phạm Sương hiện đang sinh sống tại TP HCM cũng chia sẻ: “Tôi làm nhân viên phiên dịch. Sau 3 năm làm, tôi có khoảng 300 triệu đồng tiền nhàn rỗi nhưng không biết làm gì để sinh lãi.

Dạo trước tôi gửi tiết kiệm, nhưng nay thấy không hấp dẫn nữa. Tôi tự cảm nhận số tiền này khá ít ỏi. Nhưng tôi vẫn mong chuyên gia tư vấn giúp, nên rót vào đâu để sinh lãi bền vững và tốt hơn trong thời điểm này”.

Có dư 200 – 500 triệu, dân văn phòng đầu tư vào đâu cho hiệu quả?
Khoản tiền 300 - 500 triệu đồng là ngưỡng tài chính mà rất nhiều bạn trẻ đạt được

Theo khảo sát của phóng viên, nhóm 4 ngân hàng lớn "big 4" gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất cao nhất vẫn được niêm yết ở mức 6,3%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Như vậy, so với mức đỉnh từ 9-10%/năm hồi đầu năm, tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm sâu sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Giới chuyên gia dự báo xu hướng giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới nhằm tiết kiệm chi phí vốn đầu vào, tạo dư địa hạ lãi suất cho vay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất tiền gửi đi xuống đã làm giảm tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm. Thay vào đó, nhà đầu tư bắt đầu ngó nghiêng, tìm các cơ hội kinh doanh nhằm sinh lời dòng tiền.

Những người có tài chính khoảng từ 200 triệu – 500 triệu gửi ngân hàng có lẽ không phải số ít. Đa phần họ là người trẻ, hiện đại và muốn tìm kiếm các kênh đầu tư 'tiền đẻ ra tiền'. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc bảo toàn và sinh lời nguồn vốn không phải là việc dễ. Từng có nhiều người khởi nghiệp kinh doanh hoặc đầu tư qua một số kênh tài chính, nhưng sau một thời gian ngắn không những mất sạch tiền gốc mà còn phát sinh khoản nợ ngân hàng,...

Có dư 200 – 500 triệu, dân văn phòng đầu tư vào đâu cho hiệu quả?
Có một số kênh đầu tư các bạn trẻ có thể tham khảo

Góp ý về câu chuyện đầu tư này, ông Phạm Lê Duy Nhân – Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư tại một công ty về tài chính, đã đưa ra lời khuyên với một số kênh đầu tư.

Trước hết, theo ông Nhân, mỗi bạn cần duy trì một quỹ khẩn cấp giá trị từ 3-6 tháng thu nhập của mình dưới dạng tài sản có tính thanh khoản cao nhất như tiền mặt hoặc tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn. Khoản này để phòng ngừa cho những rủi ro có thể xảy đến trong tương lai.

Phần tiền còn lại bạn có thể lựa chọn các lớp tài sản đầu tư khác có khả năng sinh lời cao hơn.

“Tuy nhiên, việc lựa chọn tài sản đầu tư phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố như mục tiêu đầu tư (muốn bảo toàn vốn, muốn có dòng thu nhập đều đặn hay muốn tăng trưởng tài sản), thời gian đầu tư, lợi nhuận kỳ vọng cùng với khả năng chấp nhận rủi ro và mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro” – vị chuyên gia này lưu ý.

Cũng theo phân tích của ông Nhân, một vài lớp tài sản đầu tư phổ biến được nhiều người quan tâm hiện nay:

Thứ nhất là vàng. Theo thống kê, nếu nắm giữ vàng từ năm 2010 đến năm 2022 (12 năm), lợi nhuận trung bình hàng năm sẽ vào mức 5,8%. Giá vàng thế giới trong 100 năm qua cũng không hẳn mang lại mức lợi nhuận quá hấp dẫn. Do đó, vàng nên được xem như một tài sản phòng thủ tốt trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế hoặc có những bất ổn lớn về địa chính trị, khi niềm tin vào hệ thống tiền tệ của quốc gia hoặc thế giới bị giảm sút. Vàng cũng là một tài sản chống lại lạm phát tốt, thanh khoản cao nhưng không an toàn khi cất giữ và biên độ biến động cao.

Tiếp đến là trái phiếu. Khi đầu tư vào trái phiếu nhất định nào đó, nhà đầu tư đã bỏ qua bước trung gian ngân hàng và trực tiếp mang tiền cho doanh nghiệp vay. Do đó chúng ta sẽ kỳ vọng một mức lợi nhuận cao hơn tiền gửi tiết kiệm, thông thường sẽ từ 1% đến gần 6% tùy vào loại trái phiếu và tín nhiệm của tổ chức phát hành. Lợi nhuận cao hơn tất nhiên sẽ đi kèm rủi ro nhiều hơn, cụ thể là rủi ro mất vốn nếu đầu tư vào trái phiếu của các công ty kém chất lượng.

Về cổ phiếu, kể từ khi thành lập đến nay chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam là VN-Index, mang lại mức lợi nhuận bình quân 12,6% một năm. Đây là con số rất hấp dẫn nếu so với gửi tiết kiệm. Tuy nhiên đi cùng với đó là rủi ro và biến động cao bởi thị trường cổ phiếu có tính chu kỳ rất lớn. Kênh này chịu sự ảnh hưởng của những yếu tố vĩ mô như chu kỳ kinh tế thế giới, trong nước, chu kỳ tiền tệ; cũng như những yếu tố vi mô hơn như chu kỳ kinh doanh của từng ngành, từng doanh nghiệp. Đầu tư cổ phiếu cũng đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, thông tin và thời gian để có thể đầu tư hiệu quả.

Ngoài ra còn có một lớp tài sản rất phổ biến của người Việt Nam là bất động sản. Bất động sản là một loại hình tài sản có rủi ro rất cao, đặc biệt là rủi ro thanh khoản hay rủi ro pháp lý và cũng cần nhiều vốn để đầu tư. Tuy nhiên địa ốc có đặc tính lưu giữ và gia tăng giá trị tốt khi tham gia trong thời gian dài. Nếu vị trí tốt, bất động sản cũng có thể sinh ra dòng thu nhập đều đặn khi cho thuê.

“Tóm lại, với trường hợp của bạn, tôi tạm thời đưa ra giả định như thu nhập hàng tháng của bạn ở mức 20 triệu đồng và bạn là người ở độ tuổi 30, có khẩu vị rủi ro trung bình. Hãy để dành từ 60-120 triệu đồng ở dưới dạng tiền gửi tiết kiệm. Phần còn lại của tài sản có thể phân bổ 70% vào cổ phiếu và 30% vào trái phiếu, có thể tự tham gia hoặc thông qua các quỹ đầu tư” - ông Phạm Lê Duy Nhân góp ý thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả