Cổ đông ngân hàng “ngó lơ” nợ xấu
Những năm trước, mỗi kỳ họp ĐHCĐ là một lần ban lãnh đạo ngân hàng phải căng mình trước chất vấn của cổ đông về câu chuyện nợ xấu, nhưng năm nay dường như lại khác…
Cổ phiếu giá hời, nợ xấu bị “ngó lơ”
Còn nhớ tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) cách đây 3 năm, cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo SHB về nợ dưới chuẩn tăng cao, tình hình xử lý nợ xấu, con số chênh lệch trích dự phòng trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)… Những vấn đề này, theo các cổ đông, là nguyên nhân chính khiến quy mô của SHB thuộc Top 5 mà lợi nhuận không lọt được vào trong nhóm này.
Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê giải thích: “Nợ dưới chuẩn tăng là do khoản nợ trung và dài hạn trước kia của Habubank đến bây giờ mới trở thành nợ xấu”.
Còn ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB nói: “Bản thân tôi là Chủ tịch cũng thấy ‘ăn không ngon, ngủ không yên’ về câu chuyện lợi nhuận của Ngân hàng, nên tôi hiểu nỗi trăn trở của cổ đông. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là tỷ lệ nợ xấu đúng là có tăng, nhưng không cao”.
Thế nhưng, tại ĐHCĐ thường niên năm nay, phiên hỏi đáp được khởi động rất sớm và cũng kết thúc rất nhanh bởi gần như không có câu hỏi liên quan tới nợ xấu, mà xoay quanh đó là những chia sẻ về sự hài lòng khi giá cổ phiếu SHB tăng mạnh khi chuyển từ HNX sang HOSE, mang lại nguồn thu “đột biến” cho cổ đông.
Cũng trong câu chuyện nợ xấu cao và không chia cổ tức, tại ĐHCĐ thường niên năm 2020 của MSB, cổ đông chất vấn khi nào Ngân hàng xử lý xong nợ xấu tại VAMC với con số 1.533 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng gần 333 tỷ đồng. Đó là chưa kể, báo cáo tài chính năm quý I/2020 của MSB cũng cho thấy chất lượng tín dụng của Ngân hàng không mấy khả quan khi nợ xấu tăng cao.
Các khoản nợ trên tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, khoản nợ ngắn hạn của MSB cũng ở mức cao, lên tới 31.356 tỷ đồng; nợ trung hạn hơn 15.768 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 18.566 tỷ đồng. Về chất lượng chứng khoán được phân loại là tài sản có rủi ro tín dụng, nợ đủ tiêu chuẩn là hơn 16.566 tỷ đồng.
Đại điện MSB, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng thời điểm đó cho biết: “Việc xử lý nợ xấu tại VAMC hiện còn 900 tỷ đồng, dự kiến đến quý III/2020 sẽ xử lý xong. Còn hiện tại, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi chưa xử lý xong nợ tại VAMC thì chưa được trả cổ tức”.
Bước sang ĐHCĐ thường niên 2021, mặc dù chất lượng tín dụng chưa cải thiện nhiều, song các cổ đông không còn gay gắt, mà chỉ khuyến nghị nên đưa nợ xấu về dưới 2% và trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các cổ đông cho biết tâm trạng khá thoải mái khi đi dự ĐHCĐ năm nay bởi cổ phiếu MSB đã niêm yết trên HOSE, thanh khoản và thị giá đều khả quan, mang lại lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư.
“Với lại, xử lý nợ xấu muốn nhanh cũng phải từ từ”, cổ đông Trịnh Viết - người mua cổ phiếu của MSB từ ngày Cục Hàng hải tham gia sáng lập Ngân hàng nói.
Thực tế, thị giá cổ phiếu MSB đã tăng khá tích cực kể từ khi niêm yết trên HOSE, từ mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên (23/12/2020) là 15.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên hơn 21.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 27/4/2021), có thời điểm đạt gần 25.000 đồng, thanh khoản trong phiên giao dịch đầu tiên tăng đột biến với hơn 30 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE khi đó. Hiện tại, khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên của MSB đạt khoảng 5 triệu đơn vị/phiên.
Chỉ là nhất thời?
Một lãnh đạo cao cấp Cơ quan Thanh tra - Giám sát (NHNN) cho biết, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2020 để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...
“Theo đó, thời gian vừa qua, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã nỗ lực xử lý, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và đạt được kết quả tích cực”, vị này nói.
Chia sẻ con số cụ thể, ông cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2020, toàn hệ thống đã xử lý được gần 1,21 triệu tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 69,38%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 30,62%.
Lũy kế từ 1508/2017 đến 31/12/2020, toàn hệ thống đã xử lý được 331.870 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 173.760 tỷ đồng, chiếm 52,36% tổng nợ xấu đã xử lý.
“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, NHNN đã báo cáo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết, trong đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp, sở ngành địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42, hỗ trợ tối đa cho các Nghị quyết 42 trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.
Ngoài nỗ lực xử lý nợ xấu hay thị giá, thanh khoản cổ phiếu tích cực, một nguyên nhân khác khiến nợ xấu ngân hàng năm nay có phần bị “ngó lơ” được chính các cổ đông cho biết là do Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có hiệu lực từ ngày 17/5/2021.
Theo đó, Thông tư 03 đã bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn. Đối với việc phân loại nợ, Thông tư 03 quy định số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại, không phải áp dụng nguyên tắc phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, để tránh một cú sốc lợi nhuận diễn ra tại thời điểm kết thúc thời hạn tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó.
Cụ thể, theo nội dung sửa đổi, số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là số tiền chênh lệch giữa dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng nếu không tái cơ cấu và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tỷ lệ trích lập này sẽ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất ngày 31/12/2021 và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt vào cuối năm 2022 và 2023.
“Việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu dần trong 3 năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021, từ đó giúp các ngân hàng có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn và thúc đẩy cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận