24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ đông đặt nghi vấn về quyết định bán 20 triệu cổ phần của OCH do Ocean Group sở hữu

Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) thông qua chủ trương bán 20 triệu cổ phần của OCH khiến cho nhiều cổ đông hoài nghi về mục đích thực sự của việc bán vốn này?

Như Dân Việt đã đưa tin, mới đây nhóm cổ đông sở hữu trên 63 triệu cổ phần, tương đương với 21,5% vốn điều lệ của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) đã gửi đơn khiếu nại về hoạt động điều hành của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Tổng Giám đốc (TGĐ) của OGC.

Ban Tổng Giám đốc và Hội Đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Đại Dương được đề cập gồm: ông Mai Hữu Đạt (Chủ tịch HĐQT); ông Nguyễn Thành Trung (Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Lò Hồng Hiệp (Tổng Giám đốc).

Phi vụ bán "khéo", vừa đủ mất quyền kiểm soát của Ocean Group

Các cổ đông cho rằng, Ban Tổng Giám đốc và Hội Đồng Quản trị Ocean Group đã cam kết và hứa hẹn về việc duy trì và phát triển công ty nhưng thực tế đang có những hành động gây hại nghiêm trọng tới OGC.

Các cổ đông dẫn chứng, liên tục trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông từ 2018 đến nay, HĐQT Ocean Group luôn kêu gọi được các cổ đông tiếp tục ủng hộ, cam kết phát triển và giữ gìn tài sản của công ty.

Đặc biệt, mới cách đây 2 tháng, tại biên bản cuộc họp Đại hội đồng thường niên năm 2020 của OGC ngày 18/07/2020 chính Chủ tịch HĐQT Mai Hữu Đạt và Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Trung đã khẳng định mô hình Tập đoàn đang phát huy các nguồn lực, do đó, cần duy trì và phát triển mô hình Tập đoàn.

Do đó, không chỉ cam kết gìn giữ tài sản của công ty, của cổ đông, HĐQT còn cho biết, trong nhiệm kỳ của mình sẽ cố gắng không làm mất thêm vốn của Công ty.

Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy 2 tháng kể từ ngày các cổ đông được nghe các cam kết, hứa hẹn của ban lãnh đạo doanh nghiệp, ngày 11/09/2020 chính HĐQT và Ban TGĐ Ocean Group đã thông qua chủ trương bán 20 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH) do OGC sở hữu.

Điều đáng nói, theo Báo cáo của Ban TGĐ thì các chỉ tiêu kinh tế hợp nhất của Tập đoàn với số lượng ảnh hưởng trọng yếu chiếm tới trên 90% là từ OCH. Hoạt động của OGC ghi nhận những đóng góp tích cực của lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm với hai thương hiệu đã trở thành di sản - Bánh Givral và Kem Tràng Tiền và ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn với thương hiệu Sunrise và Starcity được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây đều là những hoạt động nòng cốt đến từ OCH.

Như vậy, nếu việc bán cổ phần này thực hiện thì tỷ lệ nắm giữ cổ phần của OGC tại OCH đang từ 59,85% xuống còn 49,85%. Với con số dưới 50% cổ phần tại OCH, OGC sẽ mất quyền kiểm soát, chi phối tại chính doanh nghiệp đang mang lại nguồn thu chủ yếu của OGC.

Động thái này khiến cho cho các cổ đông băn khoăn và đặt vấn đề, tại sao ban lãnh đạo OCG bán ra đúng 20 triệu cổ phần của OCH, là con số vừa "đẹp" để OCG chỉ còn sở hữu 49,85% mà không phải thấp hơn để vẫn giữ được quyền chi phối?

Cổ đông đặt nghi vấn về quyết định bán 20 triệu cổ phần của OCH do Ocean Group sở hữu
​​HĐQT Ocean Group cho biết, trong nhiệm kỳ của mình sẽ cố gắng không làm mất thêm vốn của Công ty.

Chưa kể, mục đích của việc bán 20 triệu cổ phần của OCH do OGC sở hữu là tạo nguồn tiền thanh toán công nợ và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Thế nhưng trên thực tế, theo báo cáo tài chính tại Đại hội đồng thường niên năm 2020 của OGC ngày 18/07/2020 thì lỗ lũy kế tương đối lớn nhưng phần lớn đã trích lập dự phòng, không có các khoản công nợ xấu phát sinh mới.

Trong khi đó, khoản đầu tư vào OCH (59,85% cổ phần) giá trị 1.185 tỷ đồng, đã dự phòng 227 tỷ đồng và là khoản đầu tư có giá trị nhất đối với OCG hiện nay. Nhiều cổ đông nhìn nhận, tài sản duy nhất và là mảng kinh doanh cốt lõi của OCG chính là cổ phiếu của OCH.

Liệu có phải việc tạo nguồn tiền thanh toán công nợ và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ là cái cớ "khiên cưỡng" để bán đi tài sản quan trọng nhất của OGC?

Cổ đông đặt nghi vấn về quyết định bán 20 triệu cổ phần của OCH do Ocean Group sở hữu
Cổ đông đặt nghi vấn về quyết định bán 20 triệu cổ phần của OCH do Ocean Group sở hữu (ảnh minh họa)​​

Nói một đằng làm một nẻo?

Ocean Group là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm. Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của Ocean Group đạt hơn 11.400 tỷ đồng với lợi nhuận chưa phân phối gần 100 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, Ocean Group lỗ lũy kế hợp nhất trên 2.722 tỷ đồng (tính đến 30/6).

Mới đây, trong văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Ocean Group đã giải trình tình hình thực hiện phương án khắc phục ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh của kiểm toán theo Công văn số 95/2020/CV-OGC ngày 06/5/2020 và đưa ra đề xuất phương án khắc phục triệt để ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán tiếp theo.

Trong văn bản này, Ocean Group nhấn mạnh, trong thời gian qua, Công ty đã tích cực thực hiện các phương án đã nêu tại văn bản số 95/2020/CV-OGC, tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu tình hình tài chính triển khai các chương trình thực hiện kế hoạch SXKD đã được ĐHĐCĐ công ty giao tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Theo đó, các ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2020 chỉ còn 2 ý kiến (trong báo cáo tài chính năm 2019 có 4 ý kiến ngoại trừ, năm 2018 là 5 ý kiến ngoại trừ).

Như vậy, Công ty đã có nhiều nỗ lực để khắc phục các ý kiến ngoại trừ trong những năm vừa qua.

Cũng theo Ocean Group, trong năm 2020, Ocean Group sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh là sản xuất kinh doanh thực phẩm, chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng.

Tập đoàn cũng sẽ đánh giá hiệu quả của các khoản đầu tư bất động sản, tiếp tục tìm các đối tác chiến lược để thực hiện thoái vốn với một số khoản đầu tư chưa hiệu quả tạo nguồn lực cho các dự án trọng tâm.

Công ty sẽ tiếp tục triển khai các phương án khắc phục ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh đã nêu tại văn bản số 95/2020/CV-OGC ngày 6/5/2020.

Đáng nói là văn bản số 95/2020/CV-OGC ngày 6/5/2020, Ocean Group từng nêu rõ, các phương án khắc phục ý kiến ngoại trừ bao gồm: Thực hiện duy tu, cải tạo nâng cấp các khách sạn đang có. Thực hiện các biện pháp đẩy mạnh doanh thu của hệ thống khách sạn Starcity, Sunrise trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, thực hiện tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm của Bánh Givral và Kem Tràng Tiền nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.

Một số cổ đông của Ocean Group cho rằng, muốn làm được các điều kể trên thì Ocean Group phải có quyền chi phối tại OCH.

Theo nhóm cổ đông, những hành động của ban lãnh đạo OGC không chỉ đi ngược lại với cam kết tại Đại hội cổ đông: "HĐQT nhằm một mục tiêu duy nhất: củng cố và phát triển thương hiệu của Tập đoàn xứng với kỳ vọng của các quý cổ đông, đối tác và của cán bộ, nhân viên". Thậm chí, những phương án như Ocean Group gửi tới HOSE có thể không thực hiện được nếu mất quyền kiểm soát OCH.

Như vậy, liệu có hay không "uẩn khúc" khó lý giải đằng sau quyết định của ban lãnh đạo của Ocean Group khi "tự tay" bán tài sản duy nhất và giá trị nhất của OGC?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.88 -0.02 (-0.51%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả