Cơ chế nào cho dự án điện gió lỗi hẹn?
Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, trước ngày 1/11/2021, cả nước có 68 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) trên tổng số 106 dự án đăng ký để hưởng cơ chế giá ưu đãi cố định (FIT). Bên cạnh đó, có một số dự án chỉ kịp COD một phần. Như vậy, hiện còn khoảng 40% số dự án lỡ hẹn dù có trường hợp chỉ cách đích vài bước chân.
Ông Bùi Văn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình (TBW), Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận chia sẻ, tháng 10 đầy thử thách với ngành điện gió Việt Nam cũng đã đi qua, để lại nhiều cảm xúc buồn vui của người trong cuộc. “Với TBW có thể gọi là trọn vẹn khi cả 3 dự án cùng về đích đúng hạn. Đây là thành quả ngọt ngào dành cho những hy sinh, cống hiến và đánh dấu sự “trưởng thành trong gian khó” của toàn thể Công ty”, ông Thịnh cho biết.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến ngày 29/10, nhiều dự án đã được công nhận COD như: BIM; Đông Hải 1 - Giai đoạn 2; Ea Nam; Hàn Quốc - Trà Vinh Ia Pết - Đak Đoa 1; Ia Pết - Đak Đoa 2; Kosy Bạc Liêu…
Với những dự án COD không đúng hẹn, có ý kiến cho rằng, Chính phủ nên có chính sách phù hợp cho những nỗ lực của các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng quá lớn của dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ nên gia hạn FIT một số tháng để những dự án dang dở kịp hoàn thành. Tuy nhiên về giá, sau thời điểm ngày 31/10 thì vẫn là giá cố định nhưng sẽ giảm theo từng quý, mỗi quý giảm 2,5%, tương ứng một năm giảm 10% so với mức giá quy định trong Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg. Đây là mức giảm giá tạo công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư, trong đó ghi nhận nỗ lực của những nhà đầu tư cố gắng đưa dự án về đích sớm.
Theo lộ trình này, đến cuối năm 2023, mức giá FIT giảm tương ứng khoảng 20% là mức giảm phù hợp với xu thế chung của thế giới trước khi chuyển tiếp sang áp dụng cơ chế đấu thầu như chỉ đạo của Chính phủ. Việc áp dụng cơ chế đấu thầu để phát triển các dự án điện tái tạo, trong đó có điện gió cũng là xu hướng chung của thế giới nhằm tạo cơ hội công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư, thông qua đó lựa chọn được những nhà đầu tư thực có năng lực để đưa các dự về đích đúng tiến độ.
Chia sẻ với những khó khăn với các nhà đầu tư điện gió chưa kịp về đích để hưởng cơ chế giá FIT theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng Khoa học thuộc Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng: “Chính phủ nên gia hạn cơ chế giá FIT thêm khoảng 1 năm trước khi chuyển sang cơ chế đấu thầu để những dự án điện gió chưa kịp COD trước ngày 1/11 hoàn thành nốt công việc dở dang. Lý do là phần lớn những dự án dở dang do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19”.
“Phần lớn thiết bị phục vụ cho các dự án điện gió phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và kéo dài suốt gần 2 năm qua đã ảnh hưởng rất lớn tiến độ đặt hàng, giao hàng, lắp đặt… của các nhà máy điện gió ở Việt Nam”, ông Hiến cho biết.
Thông tin về cơ chế, chính sách với đầu tư phát triển các dự án điện gió sau khi cơ chế giá FIT hết hạn, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra mới đây, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ không xem xét gia hạn hay kiến nghị Chính phủ gia hạn giá FIT với các dự án điện gió vận hành sau ngày 31/10. Theo đó, đối với các dự án đang xây dựng nhưng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ có cơ chế xử lý chuyển tiếp và các dự án xây dựng sau ngày 31/10 sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu.
Thông tin với Báo Đấu thầu chiều ngày 1/11/2021, một lãnh đạo EVN cho biết, hiện Tập đoàn đang tích cực cập nhật về tình hình công nhận vận hành COD đối với các dự án điện gió đến ngày 31/10/2021. Về cơ chế đối với những dự án điện gió dang dở, EVN sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận