24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Trà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

CIC đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động

CIC khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển CNTT giai đoạn 2018-2023, đặc biệt là các nội dung xây dựng trung tâm dự phòng, Trung tâm dữ liệu, các phần mềm ứng dụng trong năm 2019. Hoàn thành mô hình cung cấp thông tin trực tiếp (Host to Host) chuẩn để áp dụng chung tất cả các TCTD.

Thực hiện Quyết định 57/QĐ-TTTD ngày 24/01/2019, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã thành lập Tổ triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT 2018-2023 nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động. Hoạt động của Tổ triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT 2018-2023 dựa vào Quyết định số 2276/QĐ-NHNN ngày 19/11/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Kế hoạch “Ứng dụng CNTT của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2018-2023” (Kế hoạch UDCNTT 2018-2023) và quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định 102/2009/NĐ-CP… hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư dự án ứng dụng CNTT…

Để triển khai Kế hoạch UDCNTT 2018-2023, cần phải lập thành dự án ứng dụng CNTT theo đúng trình tự và các thủ tục quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định 102/2006/NĐ-CP để đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả đầu tư. Kế hoạch UDCNTT 2018-2023 là dự án đầu tư lớn, thời gian hoàn thiện dài, đòi hỏi phải được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, phân tích và dự báo sát nhu cầu trước mắt, lâu dài và có tính đồng bộ, từ đó xác định quy mô đầu tư, nguồn nhân lực, lựa chọn công nghệ phù hợp, hướng tới các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến (CMCN 4.0), đảm bảo bám sát chiến lược phát triển của CIC.

Trước mắt, CIC xây dựng đồng thời 3 dự án lớn. Đó là dự án “Ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2023”. Dự án này cụ thể hóa Kế hoạch UDCNTT đã được Thống đốc phê duyệt. Phạm vi công việc gồm: khảo sát, đánh giá đầy đủ năng lực CNTT hiện tại; phân tích FIT-GAP tổng thể về hệ thống CNTT; lập dự án UDCNTT đến 2023 bao gồm 4 tầng công nghệ: Ứng dụng nghiệp vụ; Hạ tầng CNTT; Bảo mật; Vận hành và quản trị CNTT. “Dự án Trung tâm dữ liệu dự phòng giai đoạn 1” tập trung vào việc khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) theo thiết kế và mô hình của dự án Fsmims, đảm bảo đáp ứng khả năng dự phòng hoạt động cho toàn bộ trung tâm dữ liệu chính (DC) hiện thời (gồm hệ thống của dự án Fsmims và nâng cấp do CIC thực hiện trong giai đoạn 2016 đến nay). Cuối cùng là Dự án DR giai đoạn 1 đồng thời phải đảm bảo tính thống nhất và khả năng nâng cấp, mở rộng đồng bộ với Dự án UDCNTT 2018-2023. “Dự án xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu tại 45 Lý Thường Kiệt” chuẩn bị hạ tầng cho DC theo tiêu chuẩn Tier-3.

Cùng với chiến lược UDCNTT 2018-2023, CIC tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kho dữ liệu TTTD quốc gia. Đây là nhiệm vụ có tính chất quyết định đến các hoạt động cung cấp thông tin của CIC. Với cơ cấu tổ chức mới theo hướng chuyên nghiệp hóa khâu thu thập, xử lý và kiểm soát dữ liệu, trong năm 2018, CIC đã đẩy mạnh đôn đốc, tổ chức hoạt động thu thập, xử lý, kiểm soát và cập nhật dữ liệu đầu vào từ các TCTD; tìm kiếm và bổ sung các nguồn thông tin phi truyền thống từ các bộ, ngành và tổ chức tự nguyện. Đặc biệt, CIC đã thu thập được 100% thông tin doanh nghiệp và khối lượng lớn báo cáo tài chính DN từ Bộ KH&ĐT; cơ bản hoàn thành xây dựng Đề án kết nối thông tin với Bộ Công an. Đề án này sẽ triển khai trong năm 2019.

Đặc biệt, đến nay đã có 100% TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, gần 1.200 QTDND, tổ chức TCVM, 43 tổ chức tự nguyện gửi file báo cáo thông tin về cho CIC theo quy định và các thỏa thuận đã ký kết. Tổng số khách hàng vay trong kho dữ liệu TTTD quốc gia hiện nay là trên 38,9 triệu, bao gồm 920.000 doanh nghiệp và trên 38 triệu thể nhân. Số khách hàng hiện đang có dư nợ là 17,4 triệu (trong đó 162 nghìn doanh nghiệp và trên 17,2 triệu thể nhân). Từ kết quả đó, Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng Thế giới đã đánh giá mức độ bao phủ TTTD của CIC tiếp tục được cải thiện, đạt 54,8% (năm trước là 51%) và chiều sâu TTTD duy trì 7/8 điểm (cao hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khối OECD).

Cùng với đó, CIC đã tiến hành hệ thống hóa các quy trình nghiệp vụ, xây dựng và ban hành bổ sung 6 quy trình nghiệp vụ mới và một số quy định nội bộ. Lâp kế hoạch và thực hiện kiểm soát nội bộ theo quy trình. Do vậy, các khâu trong toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của CIC ngày càng được tự động hóa cao và được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng. Công tác marketing được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên. Nhiều hợp đồng dịch vụ mới được ký kết, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng. Việc lấy ý kiến người sử dụng được thực hiện online, tiếp nhận kịp thời các ý kiến góp ý, phản hồi tích cực từ người sử dụng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, CIC vẫn gặp phải một số khó khăn, tồn tại như hệ thống CNTT mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực song do được nghiên cứu xây dựng từ 2008 nên các dự báo về phát triển của hệ thống chưa sát với thực tế phát triển của CIC trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, hệ thống dự phòng hoạt động được tận dụng máy móc thiết bị từ hệ thống cũ nên hiệu năng hoạt động chưa đảm bảo còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp kịp thời. Việc chấp hành báo cáo thông tin của một số TCTD còn chậm; yêu cầu điều chỉnh sai sót thông tin của các TCTD còn nhiều, ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp thông tin của CIC và gián tiếp là việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD. Việc thu thập thông tin từ các công ty tiện ích (như viễn thông, điện, nước...) chưa thực hiện được. Việc chưa triển khai chính thức cổng thông tin đăng ký tín dụng trên toàn quốc gây khó khăn cho khách hàng vay có nhu cầu đăng ký tiếp cận thông tin tín dụng ngoài các địa bàn Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành phố lớn.

Trong năm 2019, CIC sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của NHNN hoàn thiện các cơ chế về tổ chức, hoạt động và tài chính của CIC theo Nghị định 141 của Chính phủ và định hướng của ngành về hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo khuyến khích và nâng cao hiệu quả công việc phù hợp với các quy định của pháp luật. Nâng cao số lượng và chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia, phấn đấu nâng độ phủ thông tin lên trên 58%/dân số trưởng thành theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Phấn đấu mức tăng trưởng số lượng cung cấp sản phẩm dịch vụ từ 15-20%. Đặc biệt, CIC khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển CNTT giai đoạn 2018-2023, đặc biệt là các nội dung xây dựng trung tâm dự phòng, Trung tâm dữ liệu, các phần mềm ứng dụng trong năm 2019. Hoàn thành mô hình cung cấp thông tin trực tiếp (Host to Host) chuẩn để áp dụng chung tất cả các TCTD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả