Chuyên gia: VN-Index khó đạt 1.300 điểm tuần này
Các chuyên gia nhận định VN-Index đã có tuần hồi phục tốt nhưng thanh khoản dần suy yếu, phản ánh tâm lý chưa thực sự hưng phấn. Mặt khác, dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm bluechip.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục tích cực trong tuần vừa qua khi bật tăng từ mốc 1.270 điểm trở lại khu vực kháng cự 1.290-1.300 điểm nhờ sự đồng thuận của nhóm blue-chips.
Sau những tín hiệu kiểm chứng hỗ trợ 1270 thành công khi áp lực bán không còn quyết liệt, lực cầu chấp nhận vùng giá mới và gia tăng mạnh mẽ tạo đà hưng phấn cho thị trường. Bên cạnh đó, việc khối ngoại trở lại mua ròng sau 2 phiên bán ròng nhẹ thêm phần củng cố cho động lực của VN-Index.
Tuy nhiên, những dấu hiệu suy yếu, rung lắc lại xuất hiện khi nhà đầu tư dâng cao tâm lý thận trọng và gia tăng chốt lời ngắn hạn tại khu vực 1.290-1.300 điểm để bảo toàn lợi nhuận. Kết thúc tuần, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.288,39 điểm, tăng 17,79 điểm (+1,4%) so với tuần trước.
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Ông Nguyễn Việt Hưng, chuyên gia phân tích tại Học viện New World Education, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều điểm tựa vững chắc về ngoại cảnh.
Trước hết, sự khởi sắc tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc giúp tâm lý nhà đầu tư phần nào lạc quan hơn. Trong khi các chỉ số tại Mỹ liên tiếp lập đỉnh cao lịch sử mới, chỉ số chính Hang Seng tại Trung Quốc lại bật tăng hơn 20% từ đáy sau khi chính phủ nước này tung hàng loạt gói kích thích kinh tế.
Đối với yếu tố nội tại, GDP của Việt Nam quý III/2024 tăng vượt kỳ vọng (7,4% so với cùng kỳ) còn GDP 9 tháng năm 2024 tăng trưởng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Cơ sở này tiếp tục khẳng định xu hướng hồi phục của nền kinh tế.
Tốc độ tăng GDP 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2024 (%). .
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng 3,88% so với cùng kỳ, cho thấy lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Bổ sung thêm, chuyên gia phân tích Trần Đình Minh cho rằng thị trường đã có sự lan tỏa dòng tiền giữa các nhóm ngành, không chỉ tập trung vào cổ phiếu ngân hàng mà còn chảy vào các nhóm vốn hóa lớn như bất động sản, chứng khoán, thép, hàng hóa.
Điều nổi bật là một vài cổ phiếu nhóm bất động sản và hàng hóa như PDR, DXG, GMD, VHC… đã không thủng đáy mà có những phiên hồi phục khá tích cực. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm trong thời gian tới.
Thứ hai, sự kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý III sẽ giúp nhiều cổ phiếu luân phiên nhau tăng bất chấp biến động của VN-Index.
Tiếp tục lỡ hẹn mốc 1.300 điểm
Tuần vừa rồi, thanh khoản tiếp tục rơi vào tình trạng suy yếu khi VN-Index lên cao. Lý giải hiện tượng này, ông Đình Minh đánh giá dòng tiền vào chứng khoán suy yếu chủ yếu đến từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Bên cạnh việc VN-Index tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, nhà đầu tư cũng thận trọng trước mùa báo cáo tài chính quý III.
Với diễn biến như vậy, vị chuyên gia cho rằng VN-Index chưa đủ điều kiện để chinh phục mốc 1.300 điểm vào tuần này. Điều tiên quyết để thị trường tăng mạnh trong dài hạn được đó chính là thanh khoản. Ví dụ ở năm 2022 và các giai đoạn trước, yếu tố thanh khoản và điểm số thị trường tăng dài hạn luôn đi đôi với nhau.
VN-Index liên tục thất bại trước mốc 1.300 điểm.
Theo chuyên gia Việt Hưng, mốc 1.300 vừa là kháng cự về tâm lý nhưng cũng là khu vực kháng cự rất mạnh của chỉ số. Trên đồ thị tuần, nhà đầu tư có thể dễ nhận thấy rằng chỉ số có 3 tuần thử thách với không dưới 4 lần nỗ lực vượt kháng cự nhưng chưa thành công.
Quay về với quá khứ, mốc VN-Index 1.300 điểm chứng kiến một tuần giảm khốc liệt trong tháng 5/2022 với mức giảm hơn 10%. Vì vậy khi quay lại mốc này, lực cung có xu hướng tăng và kéo tâm lý thị trường chung thận trọng hơn. Đây cũng là lý do khiến cho thanh khoản thị trường sụt giảm.
Chỉ số VN-Index tạo đỉnh trong tháng 6 còn VN30 đã vượt qua hơn 1%. Điều này cho thấy dòng tiền đang tập trung vào các cổ phiếu lớn. Sự lan tỏa dòng tiền từ nhóm cổ phiếu lớn sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chưa lớn cùng với sự chưa đồng thuận của toàn bộ thị trường chính là đà cản chỉ số chung bứt phá.
“Với điểm tựa tích cực từ thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc, tôi tin rằng chỉ số sẽ bứt phá qua mốc 1.300 điểm trong quý IV”, ông Hưng nhận định.
Quý cuối năm cũng là giai đoạn tăng mạnh về nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, chuyên gia này dự báo ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm sẽ được hưởng lợi từ yếu tố chu kỳ. Bên cạnh đó, các ngành có định giá hấp dẫn và câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn như ngân hàng, chứng khoán sẽ là những lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư có khung thời gian đầu tư dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận