menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Hà

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh: Còn nhiều rào cản về kỹ thuật trong mở cửa du lịch

Theo ông Vinh, việc mở đường bay quốc tế là tín hiệu tích cực giúp ngành du lịch

Đường bay quốc tế mở ra là tín hiệu tích cực, kỳ vọng ngành du lịch phục hồi và phát triển trong thời gian tới nhưng còn nhiều rào cản kỹ thuật.

Thời gian gần đây, câu chuyện phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới được khá nhiều người quan tâm. Việc mở cửa du lịch quốc tế hiện nay đang đặt ra những thách thức gì?

Vấn đề mở cửa du lịch hay mở cửa cho các đường bay thương mại quốc tế thông thường là câu chuyện đã đặt ra từ lâu nhưng chưa có chính sách thực sự quyết đoán.

Có thể nói, dịch bệnh đã tác động khiến ngành du lịch bị thiệt hại rất lớn. Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành và các hãng tàu biển bị hủy tour đến Việt Nam tận tháng 5/2022. Có nghĩa, du khách nước ngoài sẽ còn xem xét quy trình chúng ta mở cửa như thế nào rồi mới quyết định trong thời gian tiếp theo.

Theo thông tin mới nhất, Chính phủ đã đồng ý mở cửa, nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu từ 1/1/2022. Đây là một quyết định được cho là đúng đắn, được đón nhận khá tích cực.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết, cần chính sách như thế nào để du khách được vào Việt Nam. Bên cạnh những người đi tham quan, nghỉ dưỡng còn có không ít người đến làm việc tại nước ta.

Hiện nay, số người muốn về Việt Nam khá nhiều nhưng thực tế về được rất ít. Các chuyên gia đến nước ta làm việc rất “nhỏ giọt”.

Điều đáng nói, những người được các doanh nghiệp mời đến với tư cách là chuyên gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất ngặt nghèo, chi phí cao.

Một đối tượng nữa là người Việt Nam đang mắc kẹt ở nước ngoài rất đông. Những người có thể bỏ ra số tiền từ 150 đến 240 triệu đồng để về nước không nhiều. Đó là còn chưa kể số lượng du học sinh rất lớn.

Nếu không có các chuyến bay thương mại thông thường, bán vé như trước khi dịch bùng nổ thì những người này rất khó về nước. Vấn đề là phải có chính sách để xem những ai có thể bay về và về với những điều kiện gì.

Nếu theo điều kiện như hiện tại thì vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, thách thức như quy định cần phải kiểm tra và xác thực những khách du lịch đã tiêm đủ hai mũi vaccine, xét nghiệm âm tính. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kiểm tra?

Thực tế, việc dùng hệ thống hành chính để kiểm tra là bất khả thi. Cũng giống như câu chuyện làm giấy đi đường trong nội địa trước đây. Bởi giấy đi đường đâu có chứng minh được người ta âm tính, tiêm đủ vaccine hay không?

Đó hoàn toàn là thủ tục hành chính, trong khi giải pháp liên thông để được thừa nhận sử dụng “hộ chiếu vaccine” thì chúng ta vẫn chưa làm được.

Tức là vấn đề theo ông đang nằm ở công nghệ?

Hệ thống công nghệ của chúng ta ở trong nước vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù khi mới ra mắt, PC-COVID cũng được đánh giá là khá tích cực, kịp thời. Nhưng đến nay, tác dụng của công nghệ này vẫn còn rất hạn chế, nói gì đến kết nối với quốc tế, kiểm soát trong quá trình khách du lịch vào nước ta.

Chúng ta mong muốn khách quốc tế có thể vào được nhưng đồng thời cũng cần phải tạo điều kiện an toàn cho cả người du lịch và chính người tiếp xúc với họ trong quá trình họ đi lại, trải nghiệm, làm việc tại Việt Nam.

Vấn đề không phải là công nghệ có làm được không mà là chính sách có cho cảnh báo những người có nguy cơ không hay thông tin người nhập cảnh vào, PC-COVID sẽ đóng vai trò thế nào, cảnh báo những người tiếp xúc ra sao?

Công nghệ chưa giải quyết được câu chuyện này. Một mặt, chúng ta rất mong muốn mở cửa, phục hồi hoạt động kinh tế. Thực tế, du lịch kích thích cho nhiều ngành khác cùng khởi động lại.

Nhưng mặt khác, phải làm thế nào để cho người dân yên tâm, cộng đồng và cả người nước ngoài khi đến với Việt Nam cũng yên tâm?

Không những yên tâm mà người ta thấy được đủ độ hấp dẫn để đến. Việc thực hiện mở lại tour cho khách nước ngoài đến Phú Quốc cho đến nay mới có một chuyến duy nhất.

Điều này cũng dễ hiểu bởi số lượng người chấp nhận đi du lịch Việt Nam với điều kiện ngặt nghèo, có cảm giác bị “bó chân” trong một tour duy nhất, không được di chuyển khỏi tour đã định sẵn thì ai đến?

Rõ ràng, họ không đến nữa, đó là vấn đề chúng ta phải nhìn nhận lại và có những chính sách phù hợp hơn. Biết rằng, chính sách mở cửa là rất tốt nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản về kỹ thuật buộc chúng ta phải thay đổi.

Vậy ông đánh giá thế nào về tính khả thi của chủ trương mở lại các đường bay quốc tế?

Đường bay quốc tế mở ra là tín hiệu tích cực, kỳ vọng ngành du lịch sẽ phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều rào cản kỹ thuật.

Những rào cản đó sẽ hạn chế khả năng thu hút khách bay đến Việt Nam. Tất nhiên, sẽ có nhiều người bay về, cố gắng đáp ứng các điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo hiện nay nhưng sẽ chưa nhiều như chúng ta mong đợi.

Bởi vì, họ phải trải qua quá nhiều thủ tục, mà một trong những thủ tục là chứng minh cho được mình tiêm 2 mũi vaccine và âm tính. Làm được điều đó không phải đơn giản. Chúng ta chưa liên thông được hệ thống kiểm soát vaccine bằng công nghệ.

Không phải hiện nay không có giải pháp mà quan trọng phải hiểu hành trình trải nghiệm của người đi du lịch như thế nào, để từ đó đưa ra các lời giải bằng công nghệ một cách phù hợp.

Dù chúng ta thiết kế giải pháp công nghệ nhưng chưa đưa ra trải nghiệm thực của việc nhập cảnh quốc tế. Hiện nay, tính năng của PC-COVID vẫn quá đơn giản, còn quá ít giải pháp, nói đúng hơn là chưa tích hợp được các giải pháp.

Ví dụ, thực tế hiện nay vẫn còn tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng không được chứng nhận màu xanh trên PC-COVID. Vấn đề không phải nằm ở giải pháp công nghệ, mà dữ liệu của các địa phương không liên thông, không kết nối được với PC-COVID.

Nói vậy để thấy, nội địa còn nhiều bất cập như thế thì làm sao ta xác định được người nước ngoài tiêm vaccine chưa?

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh: Còn nhiều rào cản về kỹ thuật trong mở cửa du lịch
Xu thế hậu Covid-19, nhiều người sẽ không muốn đi du lịch theo tour tuyến, theo đoàn bởi cảm giác không an toàn. (Nguồn: Báo Tin tức)

Vấn đề quan trọng là phục hồi ngành du lịch như thế nào, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Bây giờ chúng ta phải hiểu thấu đáo mong muốn của người đi du lịch là gì? Tức là hiểu đối tượng khách hàng mong muốn cái gì? Thực tế, họ không bắt buộc phải đến một nơi mà sẽ bị ngăn cản sự tự do thông thường trong chuyến du lịch đó.

Thứ hai, xu thế hậu Covid-19, họ sẽ không muốn đi du lịch theo tour tuyến, theo đoàn bởi cảm giác không an toàn. Sau thời gian bị kìm hãm, bị cấm đi lại do dịch, tâm lý người ta muốn đến một nơi nào đó có môi trường thông thoáng, yên bình, an toàn và có những trải nghiệm riêng mà trong suốt 2 năm qua họ không có được.

Họ cần những thứ như thế, vậy chúng ta muốn thu hút thì phải tạo ra những trải nghiệm như họ mong muốn. Chứ không phải đơn thuần mong du khách đến rồi bắt buộc họ phải ở trong một khách sạn, phải ở trên một chiếc xe bus, phải đi ăn ở một nhà hàng cố định…

Tức là, họ đâu cần hy sinh rất nhiều thứ, tiền bạc, thời gian để đến một nơi có quá nhiều rào cản, khó khăn như vậy, trong khi đó, nhìn thẳng vào vấn đề, họ có nhiều sự lựa chọn khác.

Cụ thể, Campuchia đã mở cửa, ai cũng có thể bay đến, chỉ cần có chứng minh tiêm vaccine 2 mũi. Indonesia, Singapore cũng mở cửa…

Nếu muốn đến Đông Nam Á, du khách có nhiều sự lựa chọn, vì sao họ lại chọn Việt Nam, điều gì kích thích họ đến nước ta? Nói như vậy để thấy mục tiêu thu hút khách du lịch như thời gian qua là không đạt được như mong muốn.

Còn đối với những đối tượng về nước để làm việc, đó là những nhà kinh doanh, chuyên gia. Họ về không phải để chơi mà đến doanh nghiệp để làm việc, gặp gỡ, họp hành. Cùng với đó là bà con Việt kiều, du học sinh.

Các chuyến bay được nối lại là tín hiệu đáng mừng, nhưng ai bay mới là điều khó. Chúng ta nối lại đường bay nhưng đồng thời chính sách phải phù hợp, đặt thẳng ra những giải pháp phục vụ nhu cầu cụ thể của người du lịch.

Như vậy, câu chuyện ở đây là chính sách. Ta đã lựa chọn “no zero Covid”, tức là thích ứng an toàn thì phải đi theo con đường đó một cách rõ ràng, đồng thời đặt ra các điều kiện thế nào là thích ứng.

Thích ứng là kiểm soát để biết được tình trạng, có hành động kịp thời. Nếu phát hiện du khách bay vào có dương tính thì sao? Hệ thống y tế sẽ có phản ứng linh hoạt như thế nào để phục vụ cho họ.

Trong điều kiện họ phải cách ly tại nơi cư trú để chăm sóc tại chỗ, nếu chuyển biến nặng thì có sự hỗ trợ của y tế hay không? Trong trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cần có biện pháp để hỗ trợ chữa trị tại nhà, tại nơi cư trú ra sao.

Hơn nữa, chúng ta cần tạo ra môi trường du lịch theo đúng mong muốn, trải nghiệm của họ. Bây giờ phần lớn du khách muốn được ở trong resort đẹp, muốn không gian thoáng mát, để họ được thư giãn, họ cần các dịch vụ ăn uống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mua bán.

Muốn thu hút được du khách, chúng ta phải cho họ cái họ cần, ta có đáp ứng nhu cầu đó hay không? Những nơi mình mở cửa du lịch cũng phải có những biện pháp đi kèm để giảm thiểu những nguy hiểm, rủi ro khi tiếp xúc.

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã thông tin, trong số hơn 1.000 người nước ngoài khi đến Việt Nam đợt vừa qua, không có ai bị dương tính. Vậy thì tại sao chúng ta phải ngăn chặn họ, bỏ lỡ cơ hội đón những dòng du khách này?

Rất ít khả năng người từ nước ngoài về bị dương tính, vì muốn bay họ phải thỏa mãn những điều kiện nhất định. Ngay cả khi bị lây nhiễm thì mức độ nặng cũng không nhiều.

Chúng ta phải sống linh hoạt, buộc phải chấp nhận thực tế nếu muốn đạt được những hiệu quả nhất định về mặt kinh tế. Nếu cái gì cũng muốn, cứ thấy một ca dương tính là hoảng loạn thì rất khó để thích ứng thành công, đừng nói gì đến mở cửa du lịch.

Vấn đề bây giờ là muốn tạo môi trường an toàn thì phải tiêm vaccine cho chính người dân ở các vùng du lịch, những người tiếp xúc với khách du lịch.

Người du lịch đến đâu thì mình phải lập vùng xanh đến đó, bằng cách gia tăng mức độ miễn nhiễm ở các vùng đó, thành phố đó bằng cách tiêm vaccine, đảm bảo môi trường an toàn, giãn cách, thực hiện nguyên tắc 5K.

Để người ta đến nơi đó, mức độ an toàn của cả khách du lịch lẫn người dân sở tại cũng phải bảo đảm, giảm thiểu bất an thì mới hấp dẫn du khách.

Trước sức ép mất thị trường du lịch quốc tế năm 2022, chúng ta cần phải có chính sách cũng như hành động, nước đi thế nào để không nhường cơ hội cho các nước khác?

Câu chuyện mở cửa sớm là đúng đắn nhưng phải có các chính sách nhất quán. Thực ra, thị trường chúng ta bị mất là đi tour tuyến, đi theo số lượng khách lớn và theo hành trình, cần thời gian nhất định mới có thể hồi phục được.

Các chuyên gia du lịch cũng đã phân tích, chúng ta cần một chính sách đủ cởi mở, đủ sức hút thì cũng phải hết năm 2022 mới có thể thu hút được các công ty dịch vụ tính toán lại thị trường của mình.

Trước mắt, cần tập trung vào khách lẻ, khách đi theo mục đích kinh doanh, thương mại và hồi hương. Đó là những người cần quan tâm hàng đầu chứ không phải tour tuyến trong lúc này.

Giai đoạn này, người ta rất e ngại đi du lịch theo tuyến vì sẽ rất mất an toàn. Do đó, hãy tập trung vào việc phục vụ đối tượng khách lẻ. Nhóm đó không cần lập kế hoạch lâu dài như đi tour, người ta có thể bay đến Việt Nam ngay nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

Ví dụ, Tết cổ truyền sắp đến, bà con Việt kiều, du học sinh, người Việt Nam đi thăm thân nhân ở nước ngoài bây giờ họ có nhu cầu về nước rất lớn. Đó là chưa kể các nhân viên, lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay đang ở nước ngoài.

Theo tôi, cần mở cửa cho đối tượng này vào lại. Họ phải được mua vé như thông thường, giá vé cũng ngang bằng, cạnh tranh với các hãng hàng không khác. Thứ hai, các điều kiện cách ly phải phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Khi thị trường bắt đầu “ấm” lên, các doanh nghiệp lữ hành và tour tàu biển sẽ thấy sự chuyển biến, tự khắc họ sẽ tính toán chiến lược phát triển cho những giai đoạn tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại