Chuyên gia quốc tế khuyến nghị sửa luật để giảm rút BHXH một lần
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam cần sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng mở rộng nhóm người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc, hạn chế rút BHXH một lần. Theo chuyên gia WB, Việt Nam là nước duy nhất cho phép NLĐ rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động.
Chỉ Việt Nam cho rút BHXH một lần khi còn làm việc
Ông Robert J.Palacios, Chuyên gia trưởng về An sinh xã hội khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (WB) cho biết, việc Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Luật BHXH có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việt Nam đang dẫn đầu châu Á về tốc độ già hoá dân số, nhanh hơn cả Nhật Bản và Trung Quốc. Do đó, vấn đề bao phủ BHXH cũng như sửa đổi, bổ sung Luật BHXH cần phải được triển khai sớm, với các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người dân tham gia hệ thống BHXH.
Tương tự, ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển Con người (WB) cho rằng, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm). Việt Nam cũng là nước duy nhất cho phép NLĐ rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động, làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Điều này gây sức ép lên ngân sách khi nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho lượng lớn người cao tuổi không tham gia hệ thống an sinh xã hội.
Cũng theo ông Christophe Lemiere, nếu Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc đến tất cả NLĐ làm công (khu vực công, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh) sẽ giúp tăng lượng người tham gia BHXH. “Để chính sách BHXH phát triển bền vững, Chính phủ cần tăng diện tham gia BHXH bắt buộc, hạn chế người rút BHXH một lần, hỗ trợ 30-50% mức đóng BHXH tự nguyện cho nhóm người nghèo. Chỉ như vậy mới có thể đạt mục tiêu 60% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2030”, ông Christophe Lemiere nhấn mạnh.
Kinh nghiệm về chính sách BHXH một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Lào, Pakistan… cho thấy, NLĐ chỉ được hưởng BHXH một lần khi hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Điều này tương tự quy định tại Điều 60 và Điều 77 Luật BHXH năm 2014 (đang tạm thời chưa áp dụng) nhằm hoàn trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền NLĐ đã đóng góp trong thời gian làm việc của mình. Các nước cũng quy định điều kiện đóng góp để hưởng hưu trí chỉ từ 10 - 15 năm, không quá dài như ở Việt Nam với 20 năm đóng BHXH. Hơn nữa, NLĐ được khuyến khích tiếp tục đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng hưu trí trong tương lai.
Tiến tới BHXH toàn dân
Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương cũng đặt nhiệm vụ cải cách chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; bao phủ BHXH hướng tới BHXH toàn dân; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đánh giá, Nghị quyết 28 có rất nhiều nội dung tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước quốc tế và khuyến nghị của ILO. Vì thế, việc thể chế hóa Nghị quyết 28 cần được triển khai thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật có liên quan theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có Luật BHXH.
Dự thảo đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, trong đó có một số đề xuất sửa đổi đáng chú ý như: Giảm điều kiện số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; mở rộng nhóm NLĐ tham gia BHXH bắt buộc; sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần; thêm chế độ cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện…
Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, giai đoạn 2016-2020, cả nước có hơn 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần, bình quân gần 750 nghìn người/năm và năm sau tăng cao hơn năm trước. Điều này đặt ra thách thức cho mục tiêu an sinh xã hội và là nguyên nhân chính dẫn tới độ bao phủ lương hưu tăng chậm. Trong số người hưởng BHXH một lần, có 10% đã tham gia 10 năm trở lên. Nguyên nhân của thực trạng trên do áp lực kinh tế, niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH, thời gian đóng BHXH để có lương hưu quá dài, điều kiện rút BHXH một lần dễ dàng với mức hưởng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận