Chuyên gia ngoại hiến kế ổn định kinh tế vĩ mô 2022
Ổn định kinh tế vĩ mô được các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị Việt Nam lưu tâm trong năm 2022 khi “sức khỏe” của người dân và doanh nghiệp đã bị bào mòn, kinh tế quốc tế vẫn biến động.
Xem lại nợ công để kích chi tiêu
Việt Nam đạt thặng dư ngân sách trong vài tháng trở lại đây. Tuy nhiên, GS. Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) không lấy đó làm vui mừng, vì cho rằng, thặng dư tài khóa sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bởi thực chất nó làm tiêu hao tổng cầu.
“Trong điều kiện bình thường, tăng trưởng tiêu dùng chiếm 60 - 70% tăng trưởng GDP. Nhưng trong quý III/2021, tiêu dùng đã giảm kéo GDP giảm sâu. Đến quý IV, tiêu dùng đã phục hồi nhưng vẫn ì ạch. Cho nên, Chính phủ cần tăng chi tiêu để kích cầu trong nước. Điều này sẽ hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương và tạo nguồn thu cho doanh nghiệp trong nước”, GS. Pincus phân tích.
Theo vị chuyên gia này, Chính phủ không tăng chi tiêu do lo ngại về thâm hụt ngân sách và mức độ nợ công. Thực chất, chính sách tài khóa khác quản lý chi tiêu hộ gia đình hay điều hành doanh nghiệp ở 3 điểm.
Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn khó lường, giới chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đều nhấn mạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, thiết kế gói hỗ trợ kích thích cả ở tổng cung, tổng cầu.
Thứ nhất, các quyết định chi tiêu và đánh thuế của Chính phủ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đối với tỷ lệ nợ trên GDP, Chính phủ cần cân nhắc cả tử số (nợ) và mẫu số (GDP), bởi khi cắt giảm chi tiêu để giảm nợ, sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ nợ trên GDP có thể không giảm. Nếu tăng chi tiêu Chính phủ trong bối cảnh dư thừa khả năng để thúc đẩy tăng trưởng, sẽ thực sự kéo giảm tỷ lệ nợ trên GDP.
Thứ hai, tác động của kích thích tài khóa tới tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào quy mô của hiệu ứng số nhân. “Nếu 70% thu nhập tăng thêm được chi cho hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước, thì hiệu ứng số nhân lớn hơn 3, tức là tổng cầu tăng gấp 3 mức kích thích tài khóa. Sự gia tăng tổng cầu giúp tăng thu thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp, bù đắp một phần chi phí kích cầu”, GS. Pincus nói.
Thứ ba, chỉ số quan trọng phản ánh tính bền vững của nợ công không phải tỷ lệ nợ trên GDP, mà là tốc độ tăng trưởng GDP so với lãi suất vay nợ công. Nếu tỷ lệ nợ trên GDP lớn hơn tốc độ tăng trưởng GDP so với lãi suất vay nợ công, sẽ không dẫn đến nguy cơ gánh nặng nợ vượt tầm kiểm soát. Hiện lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm là 2%, do đó mục tiêu của Chính phủ là duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể mức này. Trong trường hợp này, tỷ lệ nợ trên GDP không mang nhiều ý nghĩa kinh tế.
Trong khi đại dịch vẫn khó lường, giới chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đều nhấn mạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, thiết kế gói hỗ trợ kích thích cả ở tổng cung, tổng cầu.
Theo GS. Pincus, ổn định kinh tế vĩ mô trước hết cần chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý. Chính sách tài khóa của Việt Nam biến động thuận chu kỳ, nghĩa là chi tiêu nhiều khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh và chi ít đi khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, cần sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ.
Còn về chính sách tiền tệ, Việt Nam cần lường trước những sóng gió từ các thị trường vốn quốc tế. Là nền kinh tế nhỏ và có độ mở cao, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của dòng vốn đầu tư. Vốn chảy vào ồ ạt có thể gây ra lạm phát và bong bóng giá tài sản, nhưng dòng vốn rút đột ngột có thể dẫn đến thiếu hụt USD và bất ổn tỷ giá. “Việt Nam vẫn còn dư địa để đề phòng những bất ổn đó, như điều tiết dòng vốn ngắn hạn và hạn chế khả năng vay nợ nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp trong nước”, GS. Pincus gợi ý.
Nâng cấp các gói hỗ trợ
Việc thống nhất rằng khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ Covid-19 sẽ đưa đến cách hóa giải là các giải pháp chuyên môn về y tế mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo, song vẫn cần kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần chấp nhận mức bội chi và nợ công tăng lên trong giai đoạn 2021 - 2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong 3 - 5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025.
“Đối với các gói hỗ trợ tài khóa, điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn (gói hỗ trợ hiện mới chưa đến 3% GDP, nên có thể nâng lên khoảng 5 - 7% GDP), đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi”, các chuyên gia ADB lưu ý.
Một vấn đề khác là làm sao thực hiện hiệu quả và nhanh chóng các gói hỗ trợ để tránh tình trạng “có tiền mà không giải ngân được”. Theo quan sát của ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu và Phân tích dữ liệu YouGov Việt Nam, việc triển khai các gói hỗ trợ, đặc biệt cho người nghèo thời Covid-19 bị tắc nghẽn ở khâu giải ngân trực tiếp, bởi việc sử dụng tài khoản ngân hàng vẫn là điều mới mẻ với họ. “Chìa khóa cho vấn đề này là khu vực công bắt tay với khu vực tư nhân, đầu tư dài hạn vào các giải pháp kỹ thuật số”, ông Thomasen nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận