Chuyên gia: Ngân hàng căng mình quản trị rủi ro
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng sẽ không tập trung vào tăng trưởng dư nợ, mà tập trung vào quản trị rủi ro và cho vay các lĩnh vực ưu tiên.
Theo bà Hiền, hầu hết các ngân hàng thương mại niêm yết đều ghi nhận tỷ lệ LDR cuối quý III/2022 tăng vọt so với cuối năm 2021. Nếu chỉ xét LDR theo thông lệ quốc tế (khác với cách tính theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, bao gồm một phần của tiền gửi liên ngân hàng), thì chỉ số này ở 13/15 ngân hàng niêm yết lớn nhất đều ghi nhận trên 100%, cao hơn mức trung bình 95% cuối năm 2021.
Bà Hiền chia sẻ, nếu ước tính của VNDIRECT (không hoàn toàn chính xác, vì một vài số liệu không được ngân hàng công bố chi tiết) thì hiện tại, tỷ lệ LDR theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN đa phần ở dưới mức trần quy định là 85%. Tuy nhiên, các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong 9 tháng đầu năm 2022 đều đang có LDR xấp xỉ ngưỡng này, từ 83 - 84%. Có nghĩa là, dù hạn mức tăng trưởng tín dụng có được nới trong thời gian tới, thì các ngân hàng cũng khó cho vay thêm, nếu như không đẩy mạnh huy động, nhằm đảm bảo tỷ lệ thanh khoản.
“Tất nhiên, đẩy mạnh huy động thì lãi suất sẽ khó lòng bình ổn”, bà Hiền nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng sẽ không tập trung vào tăng trưởng dư nợ, mà tập trung vào quản trị rủi ro và cho vay các lĩnh vực ưu tiên”.
Được biết, SeABank vừa huy động thành công vốn từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) với khoản vay trị giá 200 triệu USD.
Trước đó, VPBank ký kết thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. - thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank.
Khoản vay quốc tế nói trên là nguồn vốn được VPBank huy động thành công thứ 2 trong năm 2022, sau khi được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào tháng 4 từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
“Nhờ chủ động đa dạng hóa nguồn vốn cả trong và ngoài nước, VPBank luôn không ngừng củng cố tiềm lực tài chính vững mạnh, đáp ứng được nhu cầu tín dụng gia tăng của khách hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư và phát triển”, một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết.
Tương tự, VIB đã nhận khoản vay trị giá 150 triệu USD từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC).
“Việc IFC tiếp tục giải ngân một khoản vay với kỳ hạn lên đến 5 năm cho VIB cho thấy sự tín nhiệm của đối tác dành cho Ngân hàng. Nguồn vốn từ khoản vay mới sẽ được bổ sung vào cơ cấu vốn của Ngân hàng, được sử dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường”, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB nói.
VIB vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên 30%. Hiện tại, Commonwealth Bank of Australia là cổ đông chiến lược nước ngoài lớn nhất, nắm giữ khoảng 20% vốn của VIB kể từ năm 2010.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận