Chuyên gia: Năm 2020, Việt Nam có thể bị tác động xấu từ cuộc chiến thương mại
Chuyên gia cho rằng, năm 2020 - 2022, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại.
Tổng kết những nét nổi bật của kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020, chia sẻ các dự báo cho giai đoạn 2021-2025, đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến một số chỉ tiêu vĩ mô quan trọng của nền kinh tế Việt Nam là những chủ đề chính được thảo luận tại hội thảo quốc tế “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới", diễn ra sáng 21/11.
Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, hế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã đi được gần hết chặng đường, dù còn khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Toàn cảnh Hội thảo: “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" (Ảnh: Hạ An)
2016-2019 duy trì tăng trưởng cao
Theo ông Đức Anh, tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011-2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019 (với tốc độ tăng tương ứng đạt 6,81, 7,08% năm 2017, 2018 và khoảng 7,1% năm 2019). Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế chậm lại.
Tuy nhiên, nhìn chung mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%).
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tính chất gia công còn lớn, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao; xuất khẩu vẫn phụ thuộc và nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt, các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu,... là những điểm còn hạn chế của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Ảnh: Hạ An)
2020 Việt Nam có thể sẽ chịu tác động tiêu cực
Đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2019, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng: "2019 là một năm tiêu cực với kinh tế toàn cầu nhưng Việt Nam đã biết tận dụng những lợi thế từ bên ngoài và mang lại kết quả tích cực với kinh tế Việt Nam".
Đây là động lực kiến kinh tế Việt Nam tăng được gần 7% trong năm vừa rồi. Ngoài ra, cũng có những điểm rất mới trong việc tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới, như việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, sang năm 2020, có thể chiến tranh thương mại sẽ được giải quyết một cách tương đối ổn thoả hoặc ít nhất là một phần, trường hợp này sẽ mang đến thách thức cho Việt Nam khi những lỗ hổng về thị trường giảm.
Ngoài ra, sự dịch chuyển của chuỗi giá trị toàn cầu khi chiến tranh thương mại hạ nhiệt sẽ làm thay đổi cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam. "Chúng tôi cho rằng, năm 2020 - 2022 Việt Nam sẽ phải đối mặt với các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại thay vì tác động tích cực trong ngắn hạn", ông Thắng nhìn nhận.
"Về các Hiệp định thương mại tự do, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào câu chuyện cắt giảm thuế quan, bởi khi đã ký quá nhiều Hiệp định thì việc cắt giảm thuế quan chỉ giúp chúng ta tránh được thiệt hại so với các nước xung quanh. Cái mà các Hiệp định có thể đem lại là việc tạo ra môi trường đầu tư và thể chế tốt", ông Thắng đánh giá.
Riêng với EVFTA, đây có thể là một "cú hích" cho nền kinh tế bởi mức độ bổ sung giữa hai nền kinh tế Việt Nam và EU là rất lớn.
"Song, việc chúng ta có tận dụng được tỷ lệ xuất xứ của hàng Việt Nam sang EU hay không và sự chống chịu của Việt Nam trước những tác động tiêu cực của Hiệp định này lại là vấn đề đáng phải lưu ý", ông Thắng đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận