Chuyên gia MBS: "Thị trường không đắt không rẻ, nhưng VN-Index có thể lên 1.350 điểm vào năm sau"
Các chuyên gia phân tích của MBS dự báo lợi nhuận của thị trường có thể tăng lần lượt 3,6% và 16,8% trong năm 2023 và 2024. Trong kịch bản cơ sở, MBS dự báo VN-Index có thể tăng lên ngưỡng 1.300 – 1.350 trong năm 2024.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong buổi toạ đàm với chủ đề "Định vị chiến lược đầu tư trước ngưỡng cửa năm Rồng" do Chứng khoán MBS tổ chức ngày 4/10, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS, cho rằng xu hướng giảm của chứng khoán Việt Nam có phần đồng pha với chứng khoán thế giới.
Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng thận trọng hơn trước lo ngại Fed sẽ tiếp tục chính sách "diều hâu" trong những tháng cuối năm và sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng trở lại công cụ tín phiếu để hút ròng tiền đồng khỏi hệ thống trong những ngày gần đây cũng khiến giới đầu tư quan ngại.
Sau nhịp điều chỉnh, định giá P/E thị trường đã về mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với P/E trung bình ba năm. Nếu so với tương quan giữa lãi suất huy động và định giá thị trường, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mức tương đương giai đoạn 2021 – 2022, định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn.
Các chuyên gia phân tích của MBS dự báo lợi nhuận của thị trường có thể tăng lần lượt 3,6% và 16,8% trong năm 2023 và 2024. Trong kịch bản cơ sở, MBS dự báo VN-Index có thể tăng lên ngưỡng 1.300 – 1.350 trong năm 2024. Động lực đến từ lãi suất điều hành của FED tăng thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023, sau đó giảm từ Q3/24; Mặt bằng lãi suất VND giữ nguyên như hiện tại hoặc giảm thêm 50 điểm cơ bản; Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024: tăng 16,8%; P/E forward thị trường 12 – 12,5 lần
Trong kịch bản kém khả quan, MBS dự báo VN-Index có thể giao động quanh mức 1170 – 1230 trong năm 2024. Lãi suất điều hành của FED tăng thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 và duy trì ở mức cao suốt cả năm 2024; Tỷ giá tăng 3%; Mặt bằng lãi suất VND tăng 25 – 50 điểm cơ bản; Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024: tăng 10%; P/E forward thị trường: 11,5 – 12 lần.
Giám đốc Đầu tư MB Capital ông Đỗ Hiệp Hòa cho rằng , định giá thị chung của thị trường đang ở mức không đắt cũng không rẻ. Thời điểm định giá rẻ nhất là đáy Covid (P/E ~ 10 lần) và đáy tháng 11/2022 (P/E ~9,2 lần). Nhịp điều chỉnh đưa định giá của VN-Index về mức 13,5 lần, song vẫn cao hơn đáng kể thời điểm trước đó.
"So với đỉnh P/E chạm đến khoảng 20 – 21 lần, mức định giá hiện vẫn đang ở lưng chừng. Nếu chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng dồn dập như năm Covid, chúng ta có thể "mơ" mức định giá cao như vậy, song thực tế giai đoạn tiền rẻ dễ dàng đã là quá khứ, nhà đầu tư hiện cần có sự chọn lọc và quản trị rủi ro chặt chẽ hơn" , ông Hòa nói.
Về triển vọng đầu tư, MBS đánh giá cao ngành dầu khí với cơ hội đầu tư từ câu chuyện dịch chuyển năng lượng. Các dự án dầu khí dự kiến được triển khai trong thời gian tới với tâm điểm là Lô B – Ô Môn; Nam Du - U Minh; Kình Ngư Ttawngs; Lạc Đà Vàng...
Tiếp theo là ngành điện; tổng mức đầu tư cho nguồn điện dự kiến đạt 98 tỷ USD trong giai đoạn 2021-30, tương đương 9,8 tỷ USD/năm, phân bổ chủ yếu cho điện khí (30%) và điện gió (35%). Nhu cầu phát triển lưới điện dự kiến chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong 2021-30. Việc đảm bảo đúng tiến độ các dự án lưới điện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh mất cân đối nguồn điện hiện tại và nguồn điện sẽ phát triển rất nhanh trong tương lai.
Cuối cùng là một số ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, hóa chất phân bón, gỗ, thép tôn mạ...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận