24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyên gia lo lắng những yếu tố quyết định cho tăng trưởng Việt Nam như chính sách tài khoá và tiền tệ còn rất ít dư địa trong khi đầu tư công còn chậm ở nhiều địa phương.

Chuyên gia lo lắng những yếu tố quyết định cho tăng trưởng Việt Nam như chính sách tài khoá và tiền tệ còn rất ít dư địa trong khi đầu tư công còn chậm ở nhiều địa phương.

Mặc dù là quốc gia có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng âm của nhiều nền kinh tế trên thế giới nhưng khi nói về những yếu tố để đảm bảo cho ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia lại bày tỏ lo lắng về chất lượng tăng trưởng tín dụng và yếu tố đầu tư công tại Việt Nam.

Dư địa tài khoá và tiền tệ chỉ “đôi chút”

Thậm chí, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân còn cho rằng, Việt Nam có rất ít dư địa tài khoá và tiền tệ.

Theo đó, vị chuyên gia phân tích, trong 20 năm qua, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam chưa bao giờ là thắt chặt, trừ một số thời điểm nhất định, ví dụ như năm 2008 hay 2011, chính phủ buộc phải thắt chặt do lạm phát quá cao.

“Chính phủ trước nay vẫn luôn thi hành một chính sách tiền tệ mở rộng. Cung tiền các năm trước thường trên 20%, vài năm gần đây mới hạ xuống 15% - 17%. Bơm tiền hay tín dụng là cách thức thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam và vì thế, sức ép lạm phát luôn tồn tại”, ông Phạm Thế Anh phân tích.

Trên thực tế, 6 tháng qua, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế rất thấp do doanh nghiệp khó khăn. Nhu cầu vay ít thì các ngân hàng trở nên thừa vốn. “Áp lực thừa vốn khiến lãi suất giảm, trung bình giảm được 1 điểm phần trăm. Việc lãi suất giảm khiến chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát bị thu hẹp, đồng nghĩa là dư địa chính sách tiền tệ của chính phủ đang hẹp đi”, ông Phạm Thế Anh cho biết.

Muốn tiếp tục giảm lãi suất thì bắt buôc phải hạ được lạm phát. Nếu chính phủ cố ép lãi suất xuống ngang lạm phát hoặc thấp hơn lạm phát, tiền sẽ chảy ra các kênh tài sản.

Cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, dù có nhiều gói kích cầu tín dụng, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm mới đạt 3,26% - mức tương đối thấp. Vì vậy, cần xem xét để giảm thêm lãi suất huy động, giảm tiếp lãi suất đầu ra cho một số phân khúc khách hàng để kích cầu tín dụng.

Trong đó, với khối khách hàng DNNVV, cần có một chính sách tín dụng lãi suất thấp hơn để hỗ trợ khối doanh nghiệp này, kích thích tăng trưởng tín dụng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng ở mức hợp lý.

Tăng dư nợ đầu tư công

Chưa hết băn khoăn về chính sách tài khóa, chuyên gia Phạm Thế Anh cho biết thêm, Chính phủ cũng không thắt chặt mà chỉ mở rộng thận trọng hơn thôi. “Nhưng sự thận trọng đó, oái ăm thay, không phải đến từ việc cơ cấu lại thu – chi của chính phủ mà đến từ việc chậm giải ngân đầu tư công”, PGS TS Phạm Thế Anh nhận định.

Việc chậm giải ngân khiến thâm hụt tài khóa bớt đi, tuy vậy con số tuyệt đối và tương đối của thâm hụt (so với GDP) vẫn là rất lớn.

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần tăng giải ngân, tức cần tăng dư nợ đầu tư công, nhưng phải kiểm soát được. “Điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt các mục tiêu: kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất...”, TS. Trần Du Lịch đề xuất.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Giải ngân vốn đầu tư công là một cứu cánh đối với đại dịch COVID-19, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của COVID-19".

Ước giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Để hiện thực mục tiêu này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần tận dụng nguồn lực hiệu quả hơn trong thúc đẩy đầu tư công, bằng cách thay đổi tư duy, thói quen trong sử dụng nguồn lực nhà nước theo hướng mạnh mẽ, trách nhiệm, hiệu quả hơn.

“Không phải làm thế nào để đúng quy trình, không mắc lỗi, mà là làm thế nào để tiến xa hơn, chủ động gỡ những khó khăn về quy trình để đảm bảo nguồn lực được sử dụng nhanh nhất. Điều đó không thể có được nếu chỉ dựa vào sửa đổi văn bản, chỉ đạo, mà chính các chủ đầu tư phải có ý thức tích cực hơn”, ông Dương nói.

Chuyên gia của CIEM khuyến nghị, thời gian tới, cần tiếp tục cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả