Chuyên gia Hà Đăng Sơn: Quy hoạch điện VIII sẽ giải bài toán cơ cấu về nguồn điện
Chuyên gia cho rằng Quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện cũng như giải bài toán cơ cấu về nguồn điện.
Ngày 15/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII).
Ngay khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đã được dư luận đánh giá cao. Cụ thể, TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh nhìn nhận rằng, việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII sẽ giúp giải cứu các dự án điện gió, điện mặt trời.
Theo TS Hà Đăng Sơn, thách thức lớn nhất để thực hiện quy hoạch này là làm sao vừa đảm bảo các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải điện, giảm khí nhà kính... trong khi vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, an ninh năng lượng, đặc biệt là điều chỉnh chi phí liên quan cung ứng điện năng sao cho phù hợp tình hình quốc tế và khả năng chi trả của người dân.
Nêu quan điểm vì sao việc phê duyệt này lại “giải cứu” các dự án điện gió, điện mặt trời, ông Hà Đăng Sơn chỉ ra: Các dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng, triển khai trong thời gian qua có công suất rất lớn nhưng thực tế thống kê điện năng phát thực sự của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố.
Ông Sơn nêu ví dụ, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 giờ sáng - 18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 giờ - 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường. Trong khi đó, điện gió lại phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Và theo tính toán thì hiện nay, năng lược phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất.
Từ đó, theo ông Sơn, sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, điện mặt trời rất hạn chế và rất khó để dựa vào, đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng.
“Quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí... Đồng thời, là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện”- TS Hà Đăng Sơn nhận định.
Cũng theo TS Hà Đăng Sơn thì đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà. Mục tiêu là đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng.
Được biết, Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII gồm 4 điều. Trong đó có điều 1 gồm 6 mục lớn quy định các vấn đề: Phạm vi, ranh giới quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu phát triển; Phương án phát triển điện lực quốc gia; Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển các công trình điện lực và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích; Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện và thứ tự ưu tiên thực hiện; các giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
Theo Quy hoạch điện VIII, quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Quy hoạch được xây dựng với quan điểm phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các cam kết quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận