menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hùng Dũng

Chuyên gia đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

Kinh tế Việt Nam năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn.

Ổn định giá cả trước nhiều rủi ro

Tại diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam lần 2 với chủ đề "Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng” sáng 22/11, bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng.

Bà chỉ ra, những rủi ro chủ yếu đến từ bên ngoài. Đơn cử như cuộc chiến ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng và đồng USD mạnh lên hay nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

"Các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu", bà Ramla Khalid nói và nhắc đến những rủi ro từ thị trường trong nước, đặc biệt trong thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản.

Chuyên gia đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023
​Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào cho biết, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6 lên 7 - 7,5%.

Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%.​

Theo ông Painchaud, để đối phó với những thách thức này, các chính sách cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý những rủi ro tiêu cực và giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.​

"Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả. Nên cân nhắc vị thế chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng.​ Bên cạnh đó, bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu", đại diện IMF đánh giá.

Vị đại diện IMF cũng nhận định, mặc dù chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện kể từ cuối năm 2021, rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng tăng lên, căng thẳng trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện thanh khoản ngân hàng thắt chặt hơn và lãi suất cao đòi hòi phải giám sát chặt chẽ rủi ro ổn định tài chính.​ Các chính sách tài khóa cần linh hoạt và nhắm trúng đối tượng hơn nếu áp lực lạm phát tăng lên.​

Chuyên gia đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023
​Niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống tài chính, chứng khoán là yếu tố cần được củng cố.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinGroup cũng đưa ra những rủi ro chính ở mức độ cao đối với nền kinh tế bao gồm, bất ổn xã hội gia tăng - tác động đến niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính, không chỉ phát hành trái phiếu mới, mà còn cả với lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Ông cho rằng, việc tái cấp vốn không thể được thực hiện theo các đợt chào bán công khai ngay cả với các tổ chức phát hành tín dụng tốt. Ngoài ra, có thể xảy ra khả năng vỡ nợ trái phiếu, vi phạm chéo và khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp. Theo đó, vi phạm chéo xảy ra khi ngân hàng có tư cách là nhà đầu tư là chất lượng tài sản ngân hàng, mặc dù mức độ rủi ro không đáng kể, nhỏ hơn 3% tài sản thu nhập lãi​.

Vị CEO FiinGroup cũng nhấn mạnh về việc khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. "Nợ xấu của ngân hàng xấu đi”, ông nói.

Từ đó, ông Thuân đưa ra các gợi ý chính sách đối với ngắn hạn, bao gồm rà soát đặc biệt đối với các tổ chức phát hành lớn có rủi ro đối với các trái chủ cá nhân, chương trình tín dụng bất động sản, thúc đẩy trái phiếu phát hành công khai​, thông điệp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ để khôi phục niềm tin của thị trường.

Dự báo tăng trưởng chậm lại

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp NCIF cho biết, sự phục hồi của kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023.

Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỉ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.

Chuyên gia đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023
​TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp NCIF.

Nói đến chính sách tài khóa, ông Thắng cho rằng hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi.

Tuy nhiên, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại – từng bước trở về trạng thái trước Covid-19, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022.

Với các yếu tố như đại diện UNDP chỉ ra, ông Thắng dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo 2 kịch bản.

"Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn", ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại