Chuyên gia điểm danh các nhóm tiềm năng có thể đón sóng kết quả kinh doanh quý II
Nếu chọn đầu tư dựa trên kỳ vọng lợi nhuận quý II/2024 tăng trưởng tốt, đâu là nhóm cổ phiếu đáng quan tâm? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán.
Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, sau khi chỉ số VN-Index chinh phục được ngưỡng 1.300 điểm, áp lực bán gia tăng đã khiến chỉ số có phiên đảo chiều cuối tuần. Liệu thị trường có xẩy ra một nhịp điều chỉnh để tích lũy trong giai đoạn tiếp theo không, theo các ông/bà?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
VN-Index lại thêm một tuần nữa “lỡ hẹn” với mốc 1.300 điểm dù có những thời điểm thị trường tạo được cảm giác vượt đỉnh một cách rất vững vàng. Lực cầu hụt hơi ở các cổ phiếu vốn hóa lớn sau khi vượt 1.300 điểm là nguyên nhân khiến VN-index vẫn loay hoay chưa thể bứt phá.
Tình hình vĩ mô trong nước không có biến chuyển quá lớn và có thể nói là đang duy trì sự ổn định cần thiết. Điều này được thể hiện qua chỉ báo vĩ mô ưa thích của chúng tôi là lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam 10 năm liên tục điều chỉnh trong thời gian gần đây.
Một trong những lý do khiến thị trường chưa thể bứt phá mạnh mẽ là dòng tiền vẫn đang có xu hướng tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ (Small-cap), trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sự chọn lọc rất khắt khe của dòng tiền.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về xu hướng thị trường chứng khoán trong 3-6 tháng tới, bởi 2 chất xúc tác quan trọng nhất là sự ổn định của vĩ mô trong nước và sự tích cực từ liên thị trường vẫn chưa thay đổi. Trong ngắn hạn, VN-Index khả năng sẽ có những phiên rung lắc rũ bỏ quanh khu vực 1.250-1.280 điểm, các nhịp điều chỉnh từ mốc 1.250 điểm trở lên sẽ vẫn được xem là lành mạnh.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Vùng đỉnh cũ 1.290 - 1.300 điểm cũng sẽ trở thành mốc hỗ trợ mới ít nhất trong phạm vi 1-2 tuần tháng 6. Tại các vùng điểm quan trọng thị trường thường biến động tăng giảm mạnh về điểm số. Thị trường sẽ cần thêm một số phiên tích luỹ trước khi quay trở lại xu hướng tăng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Nhịp điều chỉnh diễn ra vào đúng phiên giao dịch cuối tuần không nói lên được nhiều do hiệu ứng thứ Sáu thường mạnh và động thái chốt lời cũng ảnh hướng vào dịp cuối tuần.
Ông Phan Dũng Khánh
Bên cạnh đó, thanh khoản giảm liên tục trong hơn 1 tháng gần đây trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp cũng ảnh hưởng lên thị trường. Tuy vậy, chỉ 1 phiên giảm bằng thành quả của cả tuần khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng.
Hiện thị trường đang ở ngay vùng hỗ trợ 1.270 - 1.280, nếu giá có thể bật lại được và vùng này được giữ vững với thanh khoản cải thiện thì xu hướng tích cực vẫn duy trì. Ngược lại, thị trường có thể tìm đến những vùng đáy thấp hơn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Theo tôi, có thể đang là một nhịp điều chỉnh như vậy trước khi tiếp tục xu hướng tăng. Sau phiên giảm mạnh cuối tuần, thị trường đang lo ngại về khả năng vượt đỉnh giả, nhưng khi xem xét về chu kỳ của chỉ số, kết hợp với góc nhìn diễn biến liên thị trường gần đây chưa có gì tiêu cực, đặc biệt là bối cảnh kinh tế đã tốt hơn rất nhiều, tôi đánh giá đây chưa phải là thời điểm để tạo đỉnh lớn, mà thiên về khả năng chỉ là nhịp retest sau khi vượt đỉnh hơn.
Mặc dù đóng cửa thấp hơn đỉnh cũ nhưng theo quan sát của tôi thì những nhịp retest như vầy vẫn thường xuyên diễn ra, chỉ cần áp lực bán không gia tăng lên khi tiếp tục giảm điểm thì tín hiệu sẽ không chuyển xấu.
Trong khi khối ngoại vẫn chưa ngưng đà bán ròng, thông tin một quỹ Đài Loan (Trung Quốc) vừa được cho phép huy động thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư vào Việt Nam cho thấy TTCK Việt vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của một số nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là đợt huy động vốn thứ 6 của Fubon FTSE Vietnam ETF kể từ khi thành lập. Ông/bà nhìn nhận thông tin này tác động như thế nào đến tâm lý thị trường ở thời điểm hiện tại?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Trong quá khứ Fubon từng rót vốn vào thị trường Việt Nam thông qua FTSE Vietnam ETF với giá trị giao dịch tương tự, và đều có tác động tích cực lên thị trường nhờ hoạt động giải ngân quyết liệt trong thời gian ngắn. Cần chú ý, rằng các quỹ ngoại bị giới hạn bởi room sở hữu nước ngoài, do đó các cổ phiếu trong rổ FTSE Vietnam không có tính đại diện cho thị trường Việt Nam, và đặc biệt thiếu vắng các cổ phiếu ngành ngân hàng ngoại trừ VCB, STB, SHB và EIB.
Còn một lưu ý thêm là ngoài việc sẽ được tăng vốn, quỹ này vẫn liên tục bị rút ròng trong tháng 6 với giá trị ròng ghi nhận khoảng 29 triệu USD.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh một số quỹ nước ngoài có động thái bán ròng hoặc rời khỏi TTCK Việt Nam. Khối ngoại liên tục bán ròng và chúng ta cần nhiều nhà đầu tư tổ chức quan tâm và giải ngân hơn, bởi nền kinh tế phát triển vẫn có sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh quá trình nâng hạng thị trường.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Với chuỗi bán ròng miệt mài của khối ngoại thì thông tin này như một làn gió mát, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng quá nhiều vì tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK không còn cao như xưa sau khi nhà đầu tư cá nhân phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Bên cạnh đó, việc họ bán ròng liên tục từ nhiều cá nhân - tổ chức thì quy mô hiện tại chỉ có thể bù đắp phần nào, chưa kể đây chỉ là con số dự kiến, nên theo tôi tác động tích cực không quá lớn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Theo tôi, thông tin này sẽ chỉ tác động tích cực về mặt tâm lý trong ngắn hạn. Trước tiên, chúng ta cần hiểu, việc được chấp thuận huy động vốn không đồng nghĩa rằng Fubon sẽ thực hiện giải ngân ngay lập tức. Thời gian giải ngân có thể bắt đầu sau vài tuần kể từ thời điểm chấp thuận, đồng thời lượng giải ngân cũng được phân bổ thành nhiều phiên. Do đó, ảnh hưởng đối với giá của những cổ phiếu được mua không lớn.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng dòng vốn của các quỹ ETF nói chung đã và đang có những dấu hiệu khả quan hơn trong thời gian gần đây. Cụ thể, lượng bán ròng của khối ngoại đối với các quỹ ETF nội trong tháng 5 đã giảm đáng kể, chỉ còn 750 tỷ đồng, so với mức gần 2.600 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tháng 4. Trong nửa đầu tháng 6, khối ngoại hiện cũng chỉ còn bán ròng khoảng 240 tỷ đồng đối với các ETF nội. Trong quá khứ, dòng vốn của các quỹ ETF thường sẽ có sự tương đồng với xu hướng giao dịch của khối ngoại. Do đó, chúng tôi kỳ vọng rằng khối ngoại sẽ sớm giải ngân trở lại trong tương lai khi bức tranh vĩ mô tích cực hơn.
Tiếp đà phục hồi về lợi nhuận từ quý I/2024, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2024 được dự báo nối tiếp đã tăng trưởng nhưng có sự phân hóa rõ nét hơn. Sự phân hóa này sẽ theo xu hướng nào, theo các ông/bà? Nếu chọn đầu tư dựa trên kỳ vọng lợi nhuận quý II/2024 tăng trưởng tốt, đâu là nhóm cổ phiếu đáng quan tâm?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Chúng tôi đánh giá cao triển vọng hồi phục của nhóm ngành thép trong quý II/2024, trong số các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp là HPG và NKG.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có thể dần hồi phục theo sự trở lại của các dự án bất động sản, đặc biệt là lượng hàng còn vướng mắc pháp lý trong năm trước, khi khả năng phê duyệt pháp lý của các cơ quan chức năng được hỗ trợ nhờ cập nhật của các luật mới điều chỉnh thị trường bất động sản có thể đồng loạt có hiệu lực bắt đầu từ năm 2025.
Ông Trương Thái Đạt
Đối với HPG, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2024 có thể đạt gần ngang mức lịch sử của năm 2022, khoảng trên 4,1 triệu tấn (~10% YoY). Dự án trọng điểm Dung Quất 2 giai đoạn 1, công suất 2,8 triệu tấn HRC/năm đang dần thành hình, dự kiến đóng góp sản lượng từ năm 2025. Với công nghệ hiện đại hơn, HPG có thể sản xuất HRC chất lượng cao, đa dạng chỉ tiêu kĩ thuật, phù hợp với công nghiệp ô tô, tàu thủy,... với tiêu hao nhiên liệu giảm khoảng 10%. DSC đánh giá, nhu cầu HRC ở thị trường xuất khẩu và nội địa đều còn nhiều dư địa, từ đó giai đoạn 1 sẽ có thể đầy công suất từ năm 2028.
Với NKG, thị trường xuất khẩu tiếp tục khởi sắc. DSC kỳ vọng, động lực tăng trưởng từ thị trường xuất khẩu sẽ tiếp diễn cho NKG khi (1) các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu đồng loạt vào thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ từ thị trường bất động sản, (2) giá thép Việt Nam thấp hơn đáng kể, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. DSC kỳ vọng, sản lượng tôn mạ xuất khẩu năm 2024 tăng trường 25% YoY, đạt 640.000 tấn, tiến sát tới mức cao kỷ lục của năm 2021.
DSC nhận thấy, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực về mặt thanh khoản và nguồn cung, đặc biệt, làn sóng này có thể mạnh mẽ hơn ở thị trường phía Nam (thị trường chính của NKG) vào cuối quý III/2024 khi nhiều dự án được xây dựng và mở bán trở lại. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ tôn mạ NKG nội địa không biến động mạnh theo thị trường bất động sản, chính vì thế sự hồi phục nói trên sẽ không mang đến tăng trưởng quá lớn cho sản lượng tôn mạ tiêu thụ nội địa của NKG, theo ước tính của DSC khoảng 6% YoY.
Một số nhóm khác dự kiến sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm 2024 là hàng không, du lịch, bán lẻ, công nghệ.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Nhiều nhóm cổ phiếu duy trì mức tăng trưởng từ ổn định lên mức phục hồi mạnh và ấn tượng - qua đó nhóm có kết quả kinh doanh tốt trên nền thấp 2023 như ngành thép, bán lẻ, tiện ích cho đến nhóm có mức tăng trưởng khả quan như nhóm công nghệ viễn thông, hoá chất, dầu khí...
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Rất nhiều lần từ 2 năm nay tôi vẫn luôn kiên định một số ngành trong đó có công nghệ, năng lượng (sạch xanh, tái tạo), vận tải (chú trọng vận tải hàng không), bất động sản, tiêu dùng... Ngành công nghệ là một ngành phải nói là tăng trưởng khủng khiếp nhất trong 2 năm vừa qua, nhiều cổ phiếu ngành này bất chấp sàn tăng hay giảm vẫn chỉ có một chiều là tăng giá, thậm chí chứng khoán Mỹ lập đỉnh lịch sử vài chục lần trong năm nay thì những mã nhóm này cũng liên tiếp phá đỉnh kỷ lục. Do đó, nhóm này trong ngắn hạn và trung hạn vẫn còn có thể mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Các nhóm ngành còn lại nhiều khả năng tiếp tục là những ngành tiềm năng sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Thực ra, chúng tôi đã dự báo sự phân hóa ngay từ thời điểm đầu năm dựa trên các số liệu kinh tế vĩ mô. Chúng tôi tin rằng, nửa sau của năm mới là giai đoạn chứng kiến sự hồi phục lan tỏa ở tất cả các nhóm ngành, mặc dù vậy vẫn sẽ có những ngành ghi nhận tín hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn và chính trong một ngành cũng ghi nhận sự phân hóa giữa các doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, kết quả kinh doanh sẽ có xu hướng tốt hơn đối với các nhóm ngành bán lẻ, du lịch - nhóm đã có sự suy giảm mạnh trong suốt năm 2023, giá cổ phiếu của các nhóm này cũng đã hồi phục khá nhờ triển vọng tích cực. Một số nhóm ngành tài chính & bất động sản cũng đáng chú ý. Để lựa chọn dựa trên triển vọng lợi nhuận quý II, tôi sẽ ưa thích nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhóm ngành xuất khẩu và ngân hàng.
Dù thị trường đã hồi phục kéo dài hơn 1 tháng vừa qua, nhưng thực tế nhiều nhà đầu tư vẫn còn “đánh bắt xa bờ” khi danh mục cổ phiếu không tăng tỷ lệ thuận với thị trường. Việc tiếp tục nắm giữ chờ ngày “về bờ” hay tận dụng thị trường tăng điểm bán chuyển danh mục vẫn là băn khoăn đối với nhóm nhà đầu tư này. Theo các ông/bà, chọn chiến lược nào sẽ phù hợp với giai đoạn hiện tại?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Dòng tiền vẫn đang có xu hướng tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đi theo “câu chuyện riêng”, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sự chọn lọc rất khắt khe của dòng tiền. Trong khi đó chỉ số dự kiến sẽ vận động trong biên độ hẹp, với cơ hội kiếm lợi nhuận dành cho những nhà đầu tư mạnh dạn mua khi thị trường điều chỉnh về khu vực 1.250 - 1.280.
Một trong những phương án hành động hợp lý trong tháng 6 là canh giải ngân ở những nhóm ngành cơ bản, vốn hóa lớn, đã điều chỉnh sâu về mức chiết khấu giá an toàn. Tiêu biểu là nhóm ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Việc theo đuổi các cổ phiếu tiềm năng đôi lúc cũng cần kiên trì nắm giữ ở nhóm cổ phiếu tài chính - hoá chất - thép - dầu khí chẳng hạn, nhưng vẫn không quên việc cơ cấu danh mục để luôn cẩn thận với cổ phiếu nắm giữ và mua mới để kỳ vọng vào mức sinh lời khả quan hơn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Với những nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao, margin lớn thì vẫn nên cơ cấu lại mỗi khi thị trường phục hồi. Còn với các nhà đầu tư trung dài hạn, còn tỷ trọng tiền, không có đòn bẩy có thể DCA (trung bình giá) trong những pha giảm điểm của thị trường, đặc biệt chú trọng vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng, nền tảng như công nghệ, công nghệ mới (như AI), năng lượng xanh, vận tải, hàng tiêu dùng, bất động sản.. Nhà đầu tư lưu ý không nên sử dụng margin trong giai đoạn này do độ biến động lớn dẫn đến rủi ro cao. Việc lướt sóng cổ phiếu cũng chỉ nên dùng số tiền vừa phải chứ không nên tất tay.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Như tôi đã đề cập bên trên, ngay cả các cổ phiếu trong cùng một ngành vẫn chứng kiến sự phân hóa, không còn câu chuyện “nước lên, thuyền lên”, vì vậy, không quá khó hiểu khi các nhà đầu tư vẫn ở trạng thái “đánh bắt xa bờ”.
Tôi cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển và phân hóa, tuy nhiên chỉ thực sự chú ý vào nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản mạnh mẽ, có câu chuyện hấp dẫn. Do đó, tôi cho rằng việc nắm giữ các cổ phiếu chưa đủ hấp dẫn sẽ không phải là chiến lược phù hợp trong giai đoạn này - khi thị trường nhiều khả năng sẽ vào nhịp điều chỉnh.
Theo tôi, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp hồi để giảm bớt tỷ trọng và canh mua vào các cổ phiếu mạnh, cơ bản tốt, có câu chuyện hấp dẫn dòng tiền hơn để có thể “đánh bắt trúng đích”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận