Chuyên gia đề xuất chia 5 bậc giá điện
Để xây dựng được phương án biểu giá điện hợp lý, cần đảm bảo tổng doanh thu từ điện sinh hoạt (khi tính theo bậc thang) cân bằng với tổng doanh thu điện sinh hoạt khi tính theo giá điện bình quân.
Cân bằng quyền lợi và trách nhiệm
Tiếp tục đóng góp vào dự thảo quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến, TS. Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để xây dựng được phương án biểu giá điện hợp lý là cần đảm bảo tổng doanh thu từ điện sinh hoạt (khi tính theo bậc thang) cân bằng với tổng doanh thu điện sinh hoạt khi tính theo giá điện bình quân. Nếu thấp hơn thì thiệt cho ngành điện, còn cao hơn thì số tiền ngành điện thu về sẽ dôi ra, dẫn đến lạm thu.
Nguyên tắc này cân bằng được quyền lợi và trách nhiệm của các bên (khách hàng và nhà cung cấp điện). Nhà nước hay ngành điện sẽ không phải có trách nhiệm bù (hay hỗ trợ) cho những hộ nghèo, sử dụng ít điện bởi người dùng nhiều (phải chấp nhận giá cao hơn) sẽ bù cho người dùng ít (trả giá thấp hơn mức giá bình quân). TS. Ngô Đức Lâm khẳng định, để thực hiện được nguyên tắc này không khó, nhưng đòi hỏi sự minh bạch trong tính toán. Cụ thể, cần công bố doanh thu từ giá điện sinh hoạt của từng bậc và tổng doanh thu các bậc (trong biểu giá điện 6 bậc hiện đang áp dụng), đồng thời doanh thu từ giá điện bình quân.
“Nếu như bằng nhau rồi thì chúng ta cần hoan nghênh và ủng hộ hoàn toàn việc áp dụng biểu giá như hiện tại. Còn nếu chưa cân bằng thì phải sửa. Theo kinh nghiệm tính toán của tôi và xem mức độ tỷ lệ % các hộ sử dụng như đã công bố thì doanh thu của những hộ sử dụng nhiều (với mức giá phải trả cao hơn mức bình quân) đang cao hơn phần phải bù cho những hộ sử dụng ít. Do đó, phần thu nhiều khả năng đang bị thừa ra”, TS. Ngô Đức Lâm nói. Nhưng để biết chính xác mức thừa hay thiếu cụ thể thế nào thì cần có được các số liệu tiêu thụ điện của các hộ ở từng bậc cụ thể.
Nếu có số liệu chi tiết sẽ là cơ sở để tính toán và đề xuất được phương án các bậc đề xuất cụ thể phù hợp nhất. Tuy nhiên, vì không có số liệu cụ thể nên chuyên gia này đưa ra giả thiết mức 300 - 500 Kwh/tháng sẽ là khoảng sử dụng bình quân phổ biến và đáp ứng điều kiện sinh hoạt trung bình hiện nay (vì kinh tế và đời sống của người dân đã cải thiện hơn so với giai đoạn những năm 2014 trở về trước và đây cũng là khoảng lượng điện mà một gia đình có thu nhập ở mức trung bình thường sử dụng mỗi tháng hiện nay). Với mức trung bình này thì người sử dụng sẽ trả mức giá bình quân, còn dùng nhiều hơn phải trả giá cao hơn và ngược lại (nguyên tắc là giá của các hộ sử dụng nhiều đủ bù cho giá của lượng hộ sử dụng ít).
Giá tăng dần, hay chia 3, chia 5 bậc
Từ cơ sở này, TS. Ngô Đức Lâm đề xuất 3 phương án xây dựng biểu giá điện mới. Phương án 1: Giá sẽ tăng dần theo đường chéo lên, càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền, đảm bảo bù trừ cho nhau. Phương án này là lý tưởng nhất nhưng lại khó thực hiện vì phải chia ra rất nhiều bậc, dẫn đến khó và phức tạp cho cả phía quản lý, cung cấp điện cũng như cho khách hàng.
Phương án 2: Chia 3 bậc, khoảng cách giữa các bậc lớn. Trong đó, nhóm sử dụng 301-500 kWh trả theo đúng giá điện bình quân. Mức tiêu thụ từ 0-300 kWh thì hưởng mức giá giống nhau, dưới giá điện bình quân. Mức tiêu thụ từ 501 kWh trở lên phải chi trả mức giá như nhau và cao hơn giá điện bình quân. Phương án này có điểm bất hợp lý ở chỗ: Với mức tiêu thụ từ 0-300 kWh có người hưởng lợi nhiều quá, đồng thời cũng có người được hưởng ít quá.
Phương án 3: Chia 5 bậc. Theo phương án này, các mức tiêu thụ từ 0-150 kWh được hưởng lợi nhiều nhất dưới giá điện bình quân; mức 151-300 kWh vẫn được hưởng lợi nhưng thấp hơn. Mức tiêu thụ từ 301-500 kWh được hưởng theo đúng giá điện bình quân và từ 501 kWh trở lên, người dùng phải trả giá cao hơn giá điện bình quân. Mức cao hơn cụ thể bao nhiêu phải có số liệu mới tính toán cụ thể được, nhưng sẽ trên nguyên tắc bù trừ với các mức sử dụng ít hơn như đưa ra ở trên.
TS. Ngô Đức Lâm đề xuất sử dụng phương án 3 này vì khắc phục điểm bất hợp lý của phương án 2 bằng cách chia thêm 2 bậc nữa, trong khi vẫn đảm bảo nguyên tắc chung về bù chéo và đảm bảo tổng doanh thu từ điện sinh hoạt (theo các bậc) bằng với tổng doanh thu điện sinh hoạt tính theo giá điện bình quân. “Tất nhiên phương án này cũng chỉ dựa trên giả thiết và có thể cần có những điều chỉnh thêm cho phù hợp. Nếu có số liệu sử dụng thực tế về số hộ tiêu thụ điện của mỗi bậc (trong biểu giá điện 6 bậc đang áp dụng hiện tại) thì sẽ tính và chia được các bậc hợp lý nhất cho phương án biểu giá điện mới”, chuyên gia này khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận