24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Đức Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyên gia của VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2023

Theo các chuyên gia, kịch bản kinh tế 2023 với tốc độ tăng trưởng GDP 6% có khả năng xảy ra nhất khi chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành linh hoạt phù hợp.

Cần điều tiết cung tiền

Tại hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2023 sáng 22/6, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2023 dựa trên dữ liệu Tổng cục Thống kê.

Kịch bản thứ nhất, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6%, CPI bình quân của năm khoảng 4%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất trong điều kiện các yếu tố bên ngoài: xung đột Nga – Ukraine, sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Chính sách tài chính – tiền tệ được điều hành linh hoạt phù hợp, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.

Kịch bản thứ hai khi tốc độ tăng trưởng GDP khi đó đạt 6,5%, CPI bình quân của năm khoảng 4,2%, sẽ ít khả năng hơn nhưng cũng có thể xảy khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc là cú hích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hồi phục kinh tế và các chính sách điều hành nhanh chóng phát huy hiệu quả

Còn kịch bản thứ ba có khả năng thấp khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,5%, CPI bình quân của năm khoảng 3,5%. Tuy ít có khả năng xảy ra, nhưng nếu diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn không những sẽ gây cản trở tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những trong những tháng còn lại của năm 2023 mà còn là hậu quả xấu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

Chuyên gia của VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2023
​Các chuyên gia tại hội thảo.

Theo đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị một số chính sách vĩ mô như cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tràn tích cực.

Các chính sách hỗ trợ đầu cung theo ngành và doanh nghiệp cần đúng đối tượng và thiết thực hơn. Hiện nay các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây ra lãng phí ngân sách.

Do vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan toả cao và tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Về chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.

Ngoài việc hạ lãi suất điều hành phù hợp bối cảnh trong và ngoài nước, việc điều tiết cung tiền và đảm bảo thanh khoản hệ thống (đã làm khá tốt) cần được phát huy tốt hơn để đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, qua đó từng bước nâng dần tỉ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại trong các quý còn lại của năm 2023.

Bên cạnh đó, cần quản lý thật tốt kỳ vọng lạm phát, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp dự phòng và hành động nhanh chóng và nhất quán nếu rủi ro lạm phát kỳ vọng tăng dần. Cần truyền thông rõ kịch bản, lộ trình, điều kiện hành động cho công chúng, đảm bảo không quên mục tiêu duy trì ổn định giá cả và bảo vệ uy tín chính sách của ngân hàng trung ương.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đạt mức rất thấp

Trao đổi tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR nhận định, kinh tế Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý IV/2022.

Mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng II/2023, điều này đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Chi phí lãi vay đã chiếm tỉ lệ lớn trong GDP của Việt Nam trong năm 2022, với môi trường lãi suất cao đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cũng ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp.

Chuyên gia của VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2023

“Tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao. Huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh và tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây. Tiền gửi khu vực dân cư tăng mạnh, cho thấy sự tăng lên của cảm nhận rủi ro đầu tư, làm giảm nhu cầu thành lập doanh nghiệp”, ông phân tích.

Vi vậy, Quốc hội đã ban hành một Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với mục tiêu phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, chương trình được thiết kế thực hiện trong hai năm 2022 và 2023.

Theo TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, một số chính sách tài khóa được ban hành gồm chính sách miễn, giảm thuế là 64.000 tỷ đồng; Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách là 176.000 tỷ đồng cho các hạng mục: đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; ban hành chính sách thực hiện hỗ trợ tiền nhà cho người lao động là 6.600 tỷ đồng, từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Chuyên gia của VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2023
​Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng (Nguồn: Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2023).

Về chính sách tiền tệ, ngân hàng gồm điều chỉnh lãi suất; cơ cấu lại thời gian trả nợ; giảm các loại phí liên quan đến thanh toán, giao dịch, giảm lãi suất cho vay; tiếp tục tái cấp về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội.

Kết quả, chính sách tài khoá với chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay 2% cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện ở mức rất thấp chỉ đạt 0,8% so với kế hoạch. Chính sách hỗ trợ tiền nhà cho người lao động giải ngân đạt 57%, song đã hết thời gian thực hiện chính sách.

Còn về chính sách tiền tệ, sau năm 2022 với mặt bằng lãi suất cao làm tăng chi phí sản xuất, đến đầu năm 2023 cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất huy động khoảng 6,2% (giảm 0,3% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân ở mức 9.2% (giảm 0,7% so với cuối năm 2022).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả