24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Văn Khánh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyên gia Chứng khoán Beta: Năm 2024, VN-Index nhiều khả năng dao động ở vùng 1,300 - 1,400 điểm

Ông Võ Kim Phụng - Phó phòng Phân tích CTCK Beta đã đưa ra những mảnh ghép tích cực cho bức tranh tươi sáng hơn của nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2024.

Kinh tế Việt Nam khả quan hơn trong năm 2024

Nhìn về diễn biến của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023, ông Võ Kim Phụng - Phó phòng Phân tích CTCK Beta thấy xuất hiện nhiều điểm sáng, hỗ trợ cho triển vọng khả quan hơn của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Chính sách tiền tệ nới lỏng (bắt đầu từ tháng 04/2023) với mặt bằng lãi suất hiện đang duy trì ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây; cùng nhiều giải pháp nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng; và khả năng đảo chiều chính sách thấp trong năm 2024 sẽ hỗ trợ tích cực không chỉ cho tăng trưởng kinh tế mà còn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy niềm tin đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Trừ khi có những yếu tố bất lợi bất ngờ từ bên ngoài, không thể kiểm soát, dẫn đến cú sốc về lạm phát hay tỷ giá” - ông Phụng lưu ý.

Mặt khác, tín hiệu giảm lãi suất vào năm 2024 của Fed trong kỳ họp tháng 12 vừa qua sẽ tạo động lực cho Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tài khóa mở rộng, thông qua tiếp tục giảm thuế, phí và duy trì đẩy mạnh đầu tư công với nhiều dự án lớn ở các ngành nghề chủ lực trong năm 2024 sẽ tạo động lực dẫn dắt và tác động lan tỏa cho các thành phần kinh tế khác.

Xuất khẩu cũng có nhiều tín hiệu tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Với khả năng Fed giảm lãi suất, sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, đầu tư của Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ “sáng” hơn trong năm 2024.

Chuyên gia Chứng khoán Beta: Năm 2024, VN-Index nhiều khả năng dao động ở vùng 1,300 - 1,400 điểm
Xuất khẩu hàng hóa hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 (Ảnh minh họa)

Vốn FDI vẫn là điểm sáng trong năm vừa qua. Vốn FDI đăng ký lũy kế 11 tháng đầu năm 2023 tăng 14.8% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, vốn FDI thực hiện lũy kế đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, tăng 2.9% sau 11 tháng.

Các sự kiện lớn như Việt Nam - Mỹ, Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút FDI, tham gia sâu hơn và trở thành mắc xích quan trọng trong nhiều chuỗi giá trị cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở những lĩnh vực mới mang lại giá trị gia tăng cao hơn, có tính đột phá lớn hơn như công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… trong những năm tới.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam và Trung Quốc ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác cũng được kỳ vọng sẽ mang lại triển vọng tích cực cho xuất khẩu, thu hút vốn FDI, du lịch và tiêu dùng trong nước khi khách du lịch Trung Quốc hồi phục trở lại so với mức trước đại dịch” - ông Phụng bình luận.

Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng cho thấy sự tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước. Quyết định giảm thuế VAT đối với hàng hóa và dịch vụ cho đến hết tháng 6/2024 hy vọng sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2024.

Một yếu tố tích cực khác là việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ vào ngày 08/12/2023. Triển vọng “Ổn định” được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam nói chung và chứng khoán nói riêng trong dài hạn. Việc được nâng hạng tín nhiệm quốc gia cũng có thể giúp chi phí vay vốn nước ngoài của Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam giảm.

Qua những phân tích trên, ông Phụng đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6.5% theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua là “hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn so với nền thấp của năm 2023 nếu chúng ta tận dụng tốt được các lợi thế, phát huy được các sức mạnh nội tại, thông qua việc chủ động các chính sách ưu tiên cho tăng trưởng, từ đó hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong năm 2024”.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể đảo chiều trong năm tới

Chuyên gia của Beta dẫn số liệu lũy kế từ đầu năm tới ngày 15/12, cho thấy khối ngoại đã bán ròng trên sàn HOSE lên tới 22.6 ngàn tỷ đồng. Song, nếu tính từ tháng 4/2023 - thời điểm khối ngoại bắt đầu đẩy mạnh bán ròng đến ngày 15/12 thì giá trị bán ròng lên tới hơn 28.5 ngàn tỷ đồng.

Chuyên gia Chứng khoán Beta: Năm 2024, VN-Index nhiều khả năng dao động ở vùng 1,300 - 1,400 điểm
Khối ngoại bán ròng mạnh trên HOSE từ tháng 04/2023 - Ảnh minh họa: Freepik

Chuyên gia Chứng khoán Beta chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại mạnh tay bán ròng trong năm 2023.

Thứ nhất, một phần dòng tiền đã theo xu hướng toàn cầu rút về thị trường Mỹ, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ của nước này hạ nhiệt, triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ cùng với khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ ở Mỹ trong thời gian tới, giúp TTCK có triển vọng khả quan.

Thứ hai, các quỹ cơ cấu danh mục khi đánh giá lại danh mục, đi cùng với nguyên nhân thứ ba là tỷ trọng nắm giữ của khối ngoại phần lớn là các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng hiệu suất của nhóm này không tốt trong thời gian qua, dẫn đến hiệu suất đầu tư của các quỹ này tại Việt Nam có thể không đạt như kỳ vọng, buộc họ phải dịch chuyển sang các thị trường có hiệu suất đầu tư tốt hơn.

Thứ tư, một số quỹ ETF nội bị nhà đầu tư Thái Lan bán mạnh có thể do liên quan đến chính sách thuế mới sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024 và TTCK Thái Lan giảm mạnh kể từ đầu năm 2023.

Yếu tố tỷ giá và chênh lệch lãi suất là nguyên nhân thứ năm.

Cuối cùng là hoạt động chốt lời của khối ngoại, vì nhóm này đã giải ngân mua ròng mạnh tới 32.5 ngàn tỷ trong giai đoạn tháng 11/2022 - 01/2023, khi TTCK Việt Nam có mặt bằng giá thấp.

Ông Phụng nhận xét, việc khối ngoại bán ròng liên tục với giá trị lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại đã phần nào tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước, dù bối cảnh kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện trong những tháng cuối năm 2023, cùng với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường như xu hướng giảm của lãi suất hiện đang neo ở vùng thấp lịch sử.

Ông Phụng cho biết, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể “đảo chiều trong năm 2024, khi hệ thống KRX được triển khai và câu chuyện nâng hạng FTSE của TTCK Việt Nam trở nên rõ ràng và nóng hơn vào nửa cuối năm 2024. Xu hướng thu hút vốn khối ngoại trở lại có thể sẽ rõ ràng hơn khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành”.

Xác suất cao VN-Index dao động trong khoảng 1,300 - 1,400 điểm

Vị chuyên gia đưa ra dự báo về TTCK với triển vọng kinh tế năm 2024 được đánh giá khả quan hơn (tăng trưởng GDP kỳ vọng khoảng 6 - 7%), tăng trưởng lợi nhuận (EPS) của các doanh nghiệp có thể đạt từ 15 - 25%; được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng của một số nhóm ngành như thép, hóa chất, dầu khí (thượng nguồn), công nghệ, du lịch, điện, bán lẻ và tiêu dùng, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển…

Ngoài ra, một trong những điểm nhấn lớn nhất của TTCK Việt Nam trong năm 2024, được ông Phụng đánh giá tích cực là khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo xếp hạng của FTSE. Qua đó sẽ thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài, có thể lên tới hàng tỷ USD, đồng thời giúp nâng cao chất lượng TTCK khi đáp ứng các tiêu chí và chuẩn mực quốc tế.

Vị chuyên gia của Beta nhận định, năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp trong lịch sử dự kiến được duy trì, cùng với việc dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục dịch chuyển từ tiền gửi sang các kênh khác có tỷ suất sinh lời kỳ vọng cao hơn, trong đó có TTCK, sẽ góp phần hỗ trợ cho triển vọng hồi phục trong năm 2024, đặc biệt khi khối ngoại có dấu hiệu dừng bán ròng.

Ông Phụng cho biết, xu hướng chính của VN-Index trong năm 2024 là tích cực dần hướng về cuối năm và có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, tùy thuộc vào triển vọng của từng ngành trong năm 2024. Có 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán:

  • Kịch bản cơ sở (60%): VN-Index nằm trong khoảng 1,300 - 1,400 điểm, với bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng đúng kế hoạch, mặt bằng lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, áp lực bán ròng của khối ngoại giảm và trở lại mua ròng sau khi Fed giảm lãi suất.
  • Kịch bản tích cực (20%): VN-Index vượt 1,400 điểm, với bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, rủi ro nợ xấu ngân hàng cải thiện; có sự dịch chuyển mạnh từ tiền gửi sang TTCK cùng với khả năng quay lại mạnh mẽ của khối ngoại sau khi Fed giảm lãi suất và đặc biệt là câu chuyện nâng hạng trở nên rõ ràng hơn.
  • Kịch bản tiêu cực (20%): VN-Index dưới 1,300 điểm khi rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện, rủi ro nợ xấu ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao, đồng thời thu hút vốn khối ngoại hạn chế.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả