Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm đầu tư chứng khoán từ các cuộc suy thoái kinh tế
Các chuyên gia đánh giá, các Ngân hàng Trung ương đang đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ và lạm phát vẫn đang ở mức cao cho thấy những áp lực đối với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, dù vẫn đang tăng trưởng mạnh.
Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt tại Mỹ, nhưng chỉ số CPI tháng 8 vẫn đang cao hơn so với dự báo với 8,3%. Còn tại châu Âu, lạm phát vẫn đang tăng khiến các nước đẩy nhanh chính sách thắt chặt tiền tệ. Trước tình hình này, nhà đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam bị chậm một nhịp nên vẫn đang phục hồi tốt với các chỉ số vĩ mô tích cực. Vì kinh tế Việt Nam có độ mở lớn thế nên phần nào cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những rủi ro được cho gần như đã phản ánh hết vào thị trường trong giai đoạn này. Chính vì vậy, các nhà đầu tư có thể dần tìm kiếm những doanh nghiệp tốt, có độ hấp dẫn để nắm giữ với thời gian dài hơn thay vì tìm kiếm những kỳ vọng trong ngắn hạn.
Tại chương trình Phố Tài Chính, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect, hiện tại có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề câu chuyện suy thoái toàn cầu có thể xảy ra hay không. Hiện nay, nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận đợt giảm thứ 2 về GDP và bước vào đợt suy thoái về mặt kỹ thuật. Nhưng một số chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng kinh tế Mỹ chưa suy thoái do tỷ lệ thất nghiệp của nước này thấp nhất trong nhiều năm qua, cũng như thu nhập của người dân có phần tăng lên. Nhìn về châu Âu, nhiều chuyên gia cho rằng khu vực này sẽ bước vào đượt suy thoái từ quý IV và kéo dài sang 2023. Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức khi thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến sản xuất, cũng như thị trường BĐS đang rơi vào giai đoạn giảm, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Nhiều khả năng, nền kinh tế thế giới sẽ bước vào một đợt suy thoái từ năm 2023.
Chương trình Phố Tài Chính ngày 19/9.
Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS), đánh giá giai đoạn hiện tại, nền kinh tế thế giới có sự phân hóa. Châu Âu là khu vực lục địa già, nền kinh tế đang bị ảnh hưởng từ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, giá khí đốt, nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao. Suy thoái được đánh giá có thể xảy ra trước mắt ở châu Âu là cao hơn Mỹ. Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là hai quốc gia “khỏe hơn”.
Theo quan sát của bà Hiền, mỗi đợt suy thoái có bản chất khác nhau. Đợt gần nhất diễn ra khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu nhìn xa hơn, đợt suy thoái diễn ra năm 2007 – 2008 xuất phát từ chính nội tại của thị trường tài chính, do vậy mức độ sát thương lớn. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên đến trên 9% và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh khi GDP mất đà tăng trưởng 7%. Thị trường chứng khoán thời điểm đó giảm từ 900 điểm xuống còn 300 điểm. Ngoài một số dấu hiệu truyền thống để nhận biết suy thoái, một thông tin khá thú vị đó là dự báo suy thoái kinh tế thông qua sản xuất chip. Chip điện tử hiện nay được cho là “hơi thở” với các ngành sản xuất kinh doanh. Theo Bloomberg, sản lượng chip đã bước vào tháng thứ 6 suy giảm liên tiếp về mặt tăng trưởng. Trong vòng 1 thập kỷ vừa qua, sản lượng chip giảm manh nha báo hiệu suy thoái kinh tế trong thời gian ngắn.
Ông Chung cho biết mỗi cuộc khủng hoảng sẽ có đặc trưng khác nhau và thường có một “điểm nổ”. Cuộc khủng hoảng 2007 – 2008 lớn hơn và khởi nguồn từ năm 2005 với các khoản nợ vay mua nhà không thể trả, điều này dẫn đến sự sụp đổ của thị trường tài chính. Về cơ bản, mỗi cuộc khủng hoảng có dấu hiệu nhận biết chung là tăng trưởng kinh tế âm, tỷ lệ thất nghiệp cao, đường cong lãi suất đảo ngược, tỷ lệ lạm phát cao… Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, sự điều hành của mỗi quốc gia và cả nền kinh tế thế giới có sự khác biết khá lớn so với các cuộc khủng hoảng trước đó, nên là chưa đủ khẳng định sự suy thoái có diễn ra trong thời gian tới hay không.
Nếu xảy ra suy thoái toàn cầu, chuyên gia đến từ VNDirect cho biết nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero” Covid khiến giá cả hàng hóa cơ bản tăng cao, lạm phát tăng. Các nền kinh tế lập tức đảo ngược chu kỳ kích thích kinh tế thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ nên không thể tránh khỏi suy thoái. Như vậy sự suy thoái này có thể tránh được nếu Trung Quốc chấm dứt chính sách “Zero” Covid cũng như nếu cuộc chiến Nga và Ukraine ghi nhận sự tích cực.
Chuyên gia đến từ AAS đánh giá cao suy thoái có thể bắt nguồn từ châu Âu. Tuy nhiên, việc suy thoái khởi nguồn từ châu Âu sẽ không quá lâu và lớn do kỳ vọng cuộc chiến giữa Nga-Ukraina sẽ có những tín hiệu tích cực. Cùng với đó, tín hiệu tích cực cũng đến từ việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa một số thành phố để tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế như ở hiện tại.
Ông Chung cho rằng nếu kinh tế thế giới bước vào suy thoái thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi đã gia nhập nhiều tổ chức kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhìn vào nền kinh tế Việt Nam hiện tại và nội tại trong những năm gần đây thì ảnh hưởng sẽ là ít.
Theo bà Hiền, nội lực của nền kinh tế trong nước đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tăng trưởng về tiêu dùng nội địa đủ sức bù lại những thiếu hụt từ tăng trưởng xuất khẩu. Cùng với đó, sự điều hành của Chính phủ ở giai đoạn này được đánh giá cao sẽ giúp cho Việt Nam giảm nhẹ được tác động của một đợt suy thoái trên thế giới nếu như có xảy ra.
Về thị trường chứng khoán, ông Chung nhận định khi chưa sáng tỏ với hai ý kiến về suy thoái hay không suy thoái kinh tế, cùng với đó, sự thay đổi về chính sách vận hành của Nhà nước cũng như nới room tín dụng không đáng kể sẽ khiến sự e dè của nhà đầu tư. Về ngắn hạn, khả năng thị trường đi ngang (sideway) là cao. Còn về dài hạn, các nội tại của doanh nghiệp khi bị định giá thấp sẽ giúp dòng tiền trở lại tốt hơn.
Trong khi đó, bà Hiền cho biết thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Nếu nhìn về quá khứ, thị trường khoán phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái kinh tế. Điều khiến giới đầu tư lo ngại nhất đó là việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn là suy thoái kinh tế. Do đó, thời điểm hiện nay, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đang có sự suy, giảm chủ yếu xuất phát từ việc Mỹ vẫn trong giai đoạn tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ. Khi nào chính sách trên có sự đảo ngược sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các rủi ro được đánh giá phản ảnh vào thị trường nên có thể thị trường sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm.
Bà Hiền khuyên nhà đầu tư nên tích lũy dần dần trong giai đoạn hiện tại, lựa chọn những cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn so với giá trị nội tại của doanh nghiệp. Từ khảo sát trong quá khứ, ở những thời điểm khó khăn như hiện tại, những ngành thường có diễn biến tích cực hơn thị trường là ngành tiêu dùng thiết yếu, điện, nước, năng lượng hoặc những nhóm có chi trả cổ tức cao. Nhà đầu tư cũng nên luôn giữ kỷ luật đầu tư, mua cổ phiếu vì lý do gì thì bán cổ phiếu khi lý do đó không còn. Cùng với đó, cần quản trị rủi ro về danh mục, sử dụng đòn bẩy hợp lý…
Còn theo quan điểm của ông Chung, nhà đầu tư không nên đặt kỳ vọng quá cao về tỷ suất sinh lời cho giai đoạn tới. Trên thị trường vẫn có những cổ phiếu tốt và giai đoạn này nên kỳ vọng ở mức lợi suất khoảng 10 – 15%/năm. Nhà đầu tư nên xác định đầu tư dài hạn vào những cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt thay vì tìm những cơ hội ngắn hạn và mong chờ tỷ suất sinh lời quá cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận