Chuyển động ngân hàng Việt: 'Tây ra, Á vào'
Trái ngược với xu hướng rút dần của các ngân hàng Âu - Mỹ, các ngân hàng Đông Á và Đông Nam Á đang gia tăng mạnh mẽ sự hiện diện ở Việt Nam, qua cả kênh trực tiếp và gián tiếp.
Cuối tháng 4 vừa qua, thông tin gây chấn động giới tài chính là việc tập đoàn SMBC của Nhật Bản mua 49% cổ phần Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit của VPBank với giá 1,37 tỷ USD, tương đương mức định giá gần 2,8 tỷ USD, vượt xa mức vốn hoá của nhiều ngân hàng cỡ khá trong nước.
Thương vụ tỷ đô này được kỳ vọng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển thị trường tài chính Việt Nam, khi các tổ chức tín dụng, nhất là các đơn vị lớn và hiệu quả nhất được nhà đầu tư nước ngoài săn đón và sẵn sàng trả giá cao so với mặt bằng hiện nay.
Đây là diễn biến tích cực, trong bối cảnh Việt Nam chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài. Trong lĩnh vực ngân hàng, sự có mặt của các đối tác ngoại, với tiềm lực và kinh nghiệm toàn cầu, càng đóng vai trò ý nghĩa hơn để cải thiện và nâng cao tính cạnh tranh của các ngân hàng Việt.
Sau "deal" FE Credit, SMBC nhiều khả năng sẽ thoái 15% cổ phần trong Eximbank, để đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank trong thời gian tới. SMBC là một trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, 2 cái tên còn lại, MUFG và Mizuho đã "chắc chân", là cổ đông chiến lược, nắm giữ lần lượt 19,73% Vietinbank và 15% Vietcombank.
Năm 2019, KEB Hana Bank của Hàn Quốc cũng đã trở thành nhà đầu tư chiến lược, sở hữu 15% cổ phần BIDV. Ở một thương vụ quy mô khiêm tốn, Aozora của Nhật Bản năm ngoái đã mua 15% cổ phần phát hành thêm của OCB để trở thành cổ đông chiến lược, trước khi nhà băng này niêm yết trên sàn HoSE đầu năm nay.
Một loạt thương vụ kể trên cho thấy một xu hướng rõ nét: thị trường tài chính Việt Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á.
Không chỉ đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần chiến lược. Nhiều ngân hàng châu Á cũng đã tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam thông qua việc mở chi nhánh hay thành lập ngân hàng 100% vốn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2020 có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn điều lệ vào khoảng hơn 41.200 tỷ đồng.
Trong đó có 4 ngân hàng được thành lập mới từ năm 2016-2017 là Public Bank Việt Nam (Ngân hàng TNHH MTV Public Viet Nam), Ngân hàng hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam, Ngân hàng TNHH MTV Woori Việt Nam và Ngân hàng TNHH MTV UOB Việt Nam. Các ngân hàng còn lại là ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam đều được cấp phép từ năm 2008.
Các năm gần đây, khối ngân hàng nước ngoài châu Á có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Như Shinhan Bank của Hàn Quốc, tới cuối năm 2019 có vốn chủ sở hữu 16.546 tỷ đồng, đứng đầu trong 9 ngân hàng 100% vốn ngoại, tăng 63% so với năm 2016, trong khi tổng tài sản tăng với tốc độ còn nhanh hơn, 88% lên mức 103.431 tỷ đồng, chỉ xếp sau HSBC Việt Nam.
Các ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản của Public Bank Việt Nam (Malaysia) tăng 105%, UOB Việt Nam (Singapore) tăng 53%, Hong Leong Bank (Malaysia) tăng 39%, CIMB Việt Nam (Malaysia) tăng 33%, Woori Việt Nam (Hàn Quốc) tăng 92%.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng phương Tây đang có xu hướng rút dần khỏi Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2018.
Đầu tiên là thương vụ VIB nhận chuyển nhượng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) – Chi nhánh TP.HCM. Việc chuyển giao được hoàn tất trong quý 3/2017. Cuối tháng 4/2017, ANZ Việt Nam cũng bán toàn bộ mảng dịch vụ bán lẻ tại thị trường Việt Nam cho một đối tác Hàn Quốc là Shinhan Bank.
Đến tháng 6/2017, Techcombank cũng có thông báo về thoả thuận thoái toàn bộ 20% vốn của HSBC sau 12 năm gắn bó. Đầu năm 2018, Techcombank tiếp tục bán công ty tài chính tiêu dùng cho Lotte của Hàn Quốc. Cũng năm 2017, BNP Paribas đã thoái toàn bộ 74,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 18,68% vốn của Tập đoàn này lại OCB sau 10 năm đầu tư.
Đầu năm 2018, Cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited đã bán tổng cộng 154 triệu cổ phiếu ACB và hoàn tất thoái vốn khỏi ngân hàng này sau một thập kỷ đồng hành. Gần đây nhất, tháng 3/2019, Tập đoàn Société Générale - một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Âu đến từ Pháp cũng rút khỏi SeABank.
Có nhiều nguyên nhân giải thích cho xu hướng dịch chuyển đầu tư này, chẳng hạn nằm trong chiến lược tái cấu trúc, thoái vốn khỏi các khoản đầu tư thiếu hiệu quả các các tập đoàn đa quốc gia sau khủng khoảng tài chính thế giới; hay dòng tiền đang chảy về các chính quốc, nơi có lãi suất rẻ hơn và nhiều cơ hội đầu tư an toàn hơn.
Diễn biến các ngân hàng phương Tây dần rút khá tương đồng với việc quỹ ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt suốt 2 năm qua. Ở chiều ngược lại, các quỹ Đông Á vẫn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với thị trường Việt Nam. Quỹ Fubon của Đài Loan đã và đang giải ngân khoản vốn lên tới 8.000 tỷ đồng vào các mã bluechip ở Việt Nam, góp phần giúp chỉ số VNIndex tăng trưởng thời gian qua. Cùng với đó, các quỹ đầu tư lâu năm, đã gắn bó với thị trường Việt Nam từ thời điểm sơ khai như VinaCapital hay Dragon Capital vẫn tiếp tục gia tăng giá trị đầu tư.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, so với Mỹ - châu Âu, các nhà đầu tư châu Á có lợi thế hơn ở Việt Nam khi ít nhiều có sự đồng điệu về văn hoá, tín ngưỡng, dẫn tới mức độ am hiểu và thích nghi thị trường cao hơn.
Vị chuyên gia này nhận định với dân số lên đến 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc top đầu thế giới, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
“Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng ngân hàng số và ngân hàng bán lẻ của Việt Nam. Các nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua cổ phần tại những ngân hàng nhỏ hoặc công ty tài chính có nền tảng công nghệ yếu, mua cổ phần và đầu tư công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, tài chính vi mô, bảo hiểm… Các đối tác quan tâm đến ngân hàng Việt chủ yếu đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Trung Quốc”, ông Nghĩa đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận