Chuỗi Món Huế lỗ cả trăm tỉ đồng, nhà đầu tư rót 70 triệu USD không hề biết
Báo cáo tài chính của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên cả 100 tỉ đồng, nhưng các nhà đầu tư rót 70 triệu USD vào chuỗi Món Huế lại được ông Huy Nhật báo cáo việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận.
Nhóm đầu tư bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital, là các quỹ của các nhà đầu tư quốc tế hoạt động bên ngoài Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, nhóm này đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.
Báo cáo tài chính của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế ghi nhận đến cuối năm 2018, công ty này có khoản lỗ lũy kế gần 107 tỉ đồng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nói họ không biết được thực tế này. Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận.
Một cuộc điều tra sơ bộ chính thức của nhóm, các nhà đầu tư cũng đã phát hiện nhiều giao dịch và hoạt động đáng ngờ, bao gồm khoản thất thoát đáng kể tiền quỹ đầu tư cùng với việc đóng cửa quy mô lớn hàng loạt cửa hàng tại Việt Nam khi chưa có chấp thuận từ các nhà đầu tư, trong khi đó việc đóng cửa này cũng không có lý do thương mại rõ ràng. Điều này đã dẫn tới việc hơn 1.500 lao động tại Việt Nam bị mất việc làm.
Điều đáng nói, không chỉ các nhà cung cấp, hiện nay các nhà đầu tư cũng đã thất bại trong việc liên hệ với ông Huy Nhật và đội ngũ quản trị.
"Nhóm nhà đầu tư cũng không biết ông này đang nơi đâu. Chúng tôi đang cố gắng song chưa thể liên hệ được với ông Huy Nhật và đội ngũ quản trị vận hành, và hiện không rõ ông này đang ở đâu", đại diện nhóm đầu tư cho biết.
Theo người phát ngôn của nhóm các nhà đầu tư, trong cơ cấu vốn hiện nay, ông Huy Nhật là cổ đông chi phối, chủ tịch, người đại diện theo pháp luật và là người sáng lập công ty. Các nhà đầu tư là nhóm các nhà đầu tư sở hữu cổ phần thiểu số và tin tưởng giao phó cho ông Huy Nhật điều hành các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Ông Huy Nhật cùng với bà Hạnh Ngô nắm quyền và trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh. Với cương vị này, ông Huy Nhật phải tuân thủ các cơ chế quản trị doanh nghiệp cũng như tuân thủ toàn bộ tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp quốc tế mà một nhà đồng chủ đầu tư và giám đốc của một doanh nghiệp cần phải tuân theo.
"Đáng tiếc là trong trường hợp này, ông Huy Nhật đã thực hiện một loạt giao dịch khi chưa có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư, vi phạm nghĩa vụ của mình và sau đó âm mưu cùng với các cộng sự thân cận tìm cách che đậy những vi phạm đó. Hiện chúng tôi đang nỗ lực liên lạc với đội ngũ quản trị vận hành hiện tại để hiểu rõ tình hình", nhóm nhà đầu tư đưa ra cáo buộc.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trước khi khóa website, Công ty Huy Việt Nam vẫn giữ thông tin ông Huy Nhật nằm trong ban lãnh đạo, chịu trách nhiệm về quản lý tổng thể doanh nghiệp, điều hành việc mở các nhà hàng mới, phát triển kinh doanh và marketing.
Tuy nhiên, theo hồ sơ của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đến đầu tháng 10-2019, công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty.
Hiện tại, chủ tịch của Huy Việt Nam cùng giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế đều không thể liên lạc.
Việc các nhà đầu tư khởi kiện ông Huy Nhật liệu có phải là động thái để cứu thương hiệu Món Huế cũng như đẩy hết trách nhiệm cho ông Huy Nhật?
Nhóm các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầy đủ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và những tổn hại mà ông Huy Nhật gây ra.
Ông Huy Nhật, với tư cách chủ tịch và CEO của Huy Vietnam Group, là người chịu trách nhiệm duy nhất đối với việc quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn tới tình trạng hiện nay.
Các nhà đầu tư đã rót khoản vốn đáng kể vào Việt Nam để phát triển việc kinh doanh và tạo nhiều việc làm quy mô lớn. Nhóm các nhà đầu tư tiến hành các hành động pháp lý này chỉ nhằm kiểm soát tình hình, ngăn chặn nguy cơ tiếp tục thất thoát nguồn quỹ từ hoạt động kinh doanh, và nỗ lực khôi phục hoạt động liên tục và kìm hãm sự đi xuống của doanh nghiệp dưới sự quản lý của ông Huy Nhật.
Ông Huy Nhật đã được tin tưởng giao phó trọng trách vận hành doanh nghiệp. Ông cũng phải chịu trách nhiệm trước việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại Việt Nam khi chưa có chấp thuận của các nhà đầu tư mà không có lý do thương mại cụ thể nào cho việc đóng cửa này. Điều này đã dẫn tới việc hơn 1.500 lao động tại Việt Nam bị mất việc làm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận