Chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn không được cải thiện
Một cựu cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã cảnh báo rằng, các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong hai năm tới.
“Phần lớn sản xuất chậm hơn và đó là yếu tố ảnh hưởng đến GDP. Nếu không thể có được nguyên liệu cần thiết, bạn phải giảm tốc độ sản xuất”, John Rutledge, Chiến lược gia đầu tư của Công ty đầu tư Safanad và cũng là cựu cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cho biết.
Tờ Washington Examiner đã liên hệ với một số giáo sư nghiên cứu về chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các giáo sư đã cho biết cảnh báo của ông Rutledge là có cơ sở.
Giáo sư Hitendra Chaturvedi của Đại học Bang Arizona cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu đang hoạt động “không ổn” và cảnh báo “các vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn”.
Giáo sư Chaturvedi cho biết, các chuỗi cung ứng hiện tại đang gặp vấn đề lớn khi đối phó với nhu cầu tăng đột biến từ người dân Mỹ.
"Một trường hợp điển hình là câu chuyện gần đây về hơn 40 tàu container neo đậu bên ngoài Cảng Los Angeles mà không có chỗ để dỡ hàng. Công suất vận chuyển xuyên Thái Bình Dương vẫn ở mức quá tải với sự thiếu hụt hầu như trong mỗi lần giao hàng từ nhà máy châu Á đến các kệ hàng ở Mỹ”, Giáo sư Chaturvedi cho biết.
“Không chỉ thiếu container, khung xe tải và tàu mà còn thâm hụt năng lực cảng biển, kho bãi, vận tải đường bộ và đường sắt. Một cách để suy nghĩ về vấn đề này là chúng ta đã thấy nhu cầu tăng khoảng 30% trong khi khả năng chuyên chở hiệu quả giảm 10% đến 15%. Điều này càng tăng thêm bởi tình trạng thiếu lao động tại các bến cảng tiếp nhận trên khắp nước Mỹ”, ông nói thêm.
Giáo sư Chaturvedi cho biết: “Số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến ở một số quốc gia châu Á và việc đóng cửa các cảng sau đó cũng đang gây ra ảnh hưởng lớn”.
Tuy nhiên, theo giáo sư Tobias Schoenherr của Đại học bang Michigan: “Nhiều công ty và chuỗi cung ứng đã được chứng minh là rất linh hoạt và có thể thích ứng nhanh chóng với thực tế mới”.
Giáo sư Schoenherr đã đưa ra ví dụ về việc Zoom nhanh chóng tiến hành các cuộc họp với các nhà cung cấp và kiểm tra các nhà máy thông qua hình thức trực tuyến. Ông lập luận rằng: "Sự đổi mới này đã làm cho nhiều công ty trở nên linh hoạt hơn, giúp họ thịnh vượng trong tương lai".
Trong một số trường hợp, nhu cầu vẫn chưa phục hồi. Giáo sư Schoenherr cho biết: “Một số nhà cung cấp này bị ảnh hưởng vì phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung đáng kể cho một số bộ phận nhất định. Vì vậy, ngay cả khi không có bất kỳ vấn đề nào về phía cầu, thì vẫn sẽ có những thách thức ở phía cung. Thậm chí, nhiều công ty phải chịu những thách thức trên cả hai mặt trận này”.
Giáo sư Chaturvedi và Schoenherr cũng cho biết, các vấn đề của chuỗi cung ứng góp phần gây ra một tình huống khác trong nền kinh tế gần đây, đó là giá cả gần như tăng đột biến trên diện rộng.
“Chi phí vận chuyển một container xuyên Thái Bình Dương trước đại dịch Covid-19 là dưới 2.000 USD. Theo chỉ số giá cước vận chuyển container toàn cầu, chi phí này đã gấp 10 lần so với những ngày trước đại dịch trong một số trường hợp. Không chỉ tăng giá, thời gian nhận được sản phẩm còn tăng gấp 3 - 4 lần. Báo cáo tình báo đường biển nói rằng, độ tin cậy lịch trình toàn cầu từng ở mức 90% trước Covid-19 và giờ đã ở mức 30%”, Giáo sư Chaturvedi cho biết.
Đối mặt với một vấn đề như vậy, ông giải thích rằng: “Các doanh nghiệp có thể làm ba việc khi điều đó xảy ra là xử lý khoản lỗ, tăng giá, hoặc giảm quy mô. Bạn nghĩ chuyện gì đã xảy ra? Đương nhiên là tăng giá kết hợp với giảm kích thước sản phẩm”.
“Năng lực rất hạn chế cũng khiến chi phí hậu cần ngày càng cao. Đây là một yếu tố khác góp phần làm tăng giá tiêu dùng và dẫn tới lạm phát. Vì vậy theo quan điểm của tôi, những thách thức về chuỗi cung ứng là một trong những yếu tố góp phần khiến lạm phát tăng đột biến gần đây”, Giáo sư Schoenherr nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận