24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy giữa COVID-19: Khẩn cứu bằng cách nào?

Theo chuyên gia, chuỗi cung ứng tác động trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp, do đó cần có biện pháp khẩn cấp để khắc phục tình trạng đứt gãy do đại dịch.

Đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng mới đã và đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đứt gãy vận hành chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới và trong khu vực.

Tại Việt Nam, làn sóng dịch bùng phát và kéo dài gần 2 năm nay và đặc biệt nguy hiểm từ cuối tháng tư đã khiến đa số doanh nghiệp rơi vào khó khăn do hoạt động sản xuất bị đình đốn, kinh doanh bị gián đoạn, lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ.

Bên cạnh đó, việc nhiều địa phương ra các văn bản có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ cũng đang gây áp lực rất lớn cho vận tải, khiến hàng hóa không thể lưu thông kịp thời, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics.

Chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy giữa COVID-19: Khẩn cứu bằng cách nào?
Tọa đàm "Giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng thời COVID-19" có sự góp mặt của nhiều chuyên gia.

Chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp lao đao

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, chuỗi cung ứng hiện nay có vai trò rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động quản trị chuỗi cung ứng tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro, tối đa hóa hiệu suất, đạt được lợi thế cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường, mở rộng chiến lược và khả năng vươn xa của doanh nghiệp.

Với nền kinh tế, việc xây dựng và quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng mang đến một môi trường kinh doanh lành mạnh, với triết lý hai bên cùng có lợi, sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực trong xã hội cả về con người, nguồn lực tự nhiên... do vậy hiệu quả của nền kinh tế cũng được nâng lên.

"Nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, hệ lụy đến nền kinh tế và xã hội còn tiếp diễn. Đầu tiên, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Chi phí để duy trì sản xuất và kho vận bị đội lên quá cao, gián tiếp gây lạm phát trong những tháng cuối năm. Doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng và các đối tác tiềm năng vào tay các quốc gia cạnh tranh.

Thứ nữa, việc cung ứng hàng hóa bị thiếu hụt, giá cả leo thang, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và phòng chống dịch. Một khi các doanh nghiệp không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và khả năng hội nhập của kinh tế Việt Nam", ông Hải phân tích.
Chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy giữa COVID-19: Khẩn cứu bằng cách nào?
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Khi được hỏi về những thách thức mà các doanh nghiệp hàng hải và logistics đang phải đối diện giữa đại dịch COVID-19, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - cho biết, khó khăn lớn nhất đó là phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục (business continuity).

Ngoài ra, cước vận tải biển tăng phi mã và sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới cũng khiến doanh nghiệp khốn đốn. Đơn cử: Giá cước đi tuyến Mỹ đã tiếp tục tăng giá khủng thêm 2000-3000USD từ ngày 15/6. So với cùng kỳ năm 2020, giá cước đã tăng tới 5 lần. Như vậy riêng giá cước hiện nay đã tương đương 60% tiền hàng hóa trong một cont đồ gỗ/furniture, chưa kể các chi phí logistics gia tăng khác (mức thông thưởng chỉ khoảng 15-20%).

Khó khăn thứ 3 đó là vấn đề tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch.

"Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, với việc áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm quá quyết liệt như hạn chế di chuyển, hạn chế lưu thông giữa các vùng, yêu cầu cách ly bắt buộc, mỗi địa phương lại đặt ra những quy định riêng, sự thiếu nhất quán và liên tục thay đổi trong các giấy phép vận tải hàng hóa…dẫn đến hậu quả là chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Sự mắt cân đối trong cơ cấu giữa nguồn lực với yêu cầu sản xuất – xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động, lái xe, thiếu công nhân tác nghiệp hiện trường…. là những khó khăn mà các doanh nghiệp logistics và hàng hải chúng tôi đang phải đối mặt", ông Trung dẫn giải.

Chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy giữa COVID-19: Khẩn cứu bằng cách nào?

Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Cũng theo ông Trung, VIMC còn chịu ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng thuyền viên, khi việc thay thế thuyền viên hay để thuyền viên lên bờ gần như là không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, VIMC còn phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động. "Chúng tôi phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định để tránh gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, bên cạnh đó lại vừa phải đảm bảo an toàn cho người lao động", ông Trung nói.

Địa phương không thống nhất, hàng hóa khó lưu thông

Thừa nhận thực trạng hàng hóa bị ách tắc, khó lưu thông trong thời gian gần đây tại một số chốt kiểm soát dịch trên tuyến quốc lộ, nhất là các chốt kiểm soát dịch ra, vào cửa ngõ thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ Giao thông Vận tải lý giải: "Nguyên nhân chính là do giai đoạn đầu còn có hiện tượng các địa phương áp dụng chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải".

Chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy giữa COVID-19: Khẩn cứu bằng cách nào?

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ Giao thông Vận tải.

Trước lo ngại của nhiều doanh nghiệp về việc bị đứt gãy chuỗi cung ứng do các các địa phương không thống nhất biện pháp gián cách xã hội, hạn chế lưu thông, ông Thanh Hải cho rằng, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư này có đặc điểm rất khác. Riêng về mặt kinh tế, tác động nguy hiểm khác với lần dịch trước là ứng xử của các địa phương với dịch lần này gây ra đổ vỡ chuỗi cung ứng.

Theo ông Hải, mặc dù các văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ ngành trung ương đã quy định rõ về việc đảm bảo tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng một số địa phương lại có quy định riêng khiến hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. "Đơn cử như Bộ Y tế có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe để hàng hoá lưu thông có giá trị trong vòng 72 giờ, không phân biệt là test nhanh hay PCR. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn yêu cầu lái xe phải có xét nghiệm PCR, cá biệt có địa phương chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm trong vòng 24 tiếng. Thậm chí ngay trong phạm vi một tỉnh cũng có quy định khác nhau giữa các quận, huyện, xã, phường", ông Hải dẫn chứng.

Cũng theo ông Hải, tước những bất cập trên, ngày 24/8, Bộ Công Thương đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 để thống nhất thực hiện tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Trước đó, ngày 18/8, Bộ Công Thương có văn bản góp ý đối với Dự thảo quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 gửi Bộ Giao thông Vận tải. Theo ý kiến của Bộ Công Thương, hướng dẫn khi ban hành cần quy định rõ ràng, cụ thể các điều kiện, đặc biệt là điều kiện để đi qua các chốt kiểm soát đối với hai trường hợp đã được cấp mã QR code và chưa được cấp mã QR code.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương có liên quan, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương cần thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, như vậy mới bảo đảm lưu thông hàng hóa được thuận lợi, an toàn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hợp nhất các văn bản hướng dẫn trước đây để các địa phương và các doanh nghiệp dễ thực hiện. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng ban hành công văn trao đổi với Sở Công Thương các địa phương nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong hoạt động lưu thông hàng hóa khi bối cảnh dịch COVD-19 diễn biến càng ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, theo ý kiến của ông Trần Bảo Ngọc, để việc lưu thông hàng hóa trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và của địa phương. Cụ thể, xây dựng kế hoạch vận tải, phương án huy động phương tiện vận chuyển, người lái xe, nguyên vật liệu, vật tư phụ tùng của đơn vị mình. Nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, các chốt kiểm soát dịch, các quy định về kiểm soát dịch đối với phương tiện và người trên phương tiện tại các chốt kiểm soát dịch.

Với tỉnh, thành phố cần căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải. Chỉ đạo cơ quan y tế tại địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các địa điểm lưu trú tạm thời; ưu tiên tiêm phòng, xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với đội ngũ lái xe vận tải hàng hoá.

"Cho đến nay, chúng ta phải khẳng định rằng chỉ đạo của các cấp từ trung ương đến địa phương là khá đầy đủ và đang mang lại hiệu quả nhất định. Vì vậy, trong thời gian tới và lâu dài, các địa phương cần chỉ đạo rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 1102, Văn bản số 1015 của Thủ tướng, Văn bản số 5187 của Văn phòng về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19. Đồng thời chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp", ông Ngọc đề xuất.

Hiến kế khẩn 'cứu' chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi nhiều địa phương có chính sách cứng nhắc, ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh, đặc biệt là sau khi dịch bùng phát tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam, VLA đã chủ động làm việc với nhiều cơ quan quản lý nhà nước và nêu 33 Kiến nghị theo 3 Nhóm nội dung.

Chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy giữa COVID-19: Khẩn cứu bằng cách nào?

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam.

Nội dung An toàn phòng chống dịch: Bổ sung quy tắc vận tải an toàn, đề xuất ưu tiên tiêm phòng cho lao động lái xe, lao động đang thực hiện công tác tại cảng, kho, bãi, khai báo hải quan; Hỗ trợ nguồn bộ kit test nhanh kháng nguyên để doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp dịch vụ logistics chủ động xét nghiệm rà soát lao động của chính mình…

Kiến nghị về nội dung đảm báo lưu thông hàng hoá: VLA kiến nghị UBND TP Hà Nội thay đổi vị trí và phương án kiểm soát để đảm bảo sự lưu thông thông suốt trên tuyến quốc lộ 1A, kiến nghị tạo thuận lợi, hỗ trợ trong việc miễn, giảm thủ tục cấp QR code, giấy phép đi đường.

Kiến nghị về nội dung giảm chi phí: Đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM từ 1/10.2021. Và giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng.

Đề nghị các Hiệp hội ngành hàng và Hiệp hội VLA, Hiệp hội Đại lý Môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cùng với VCCI cần có sự phối hợp, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp thành viên trong việc trao đổi thông tin về tình hình thị trường giá cước, container rỗng và hoạt động nghiệp vụ để cùng là đối tác giải quyết với các hãng vận chuyển trong việc lưu cước, giá cước và giảm phụ phí hàng hải…

Chiều 8/9, báo điện tử VTC News tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng thời COVID-19”.

Tọa đàm có sự tham gia của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ Giao thông Vận tải; ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam; ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Tọa đàm “Giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng thời COVID-19” hướng đến việc đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, nguyên liệu…trong tình hình dịch bệnh kéo dài, vừa giữ an toàn trong mùa dịch. Đồng thời, đảm bảo cho các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn, đứt gãy và tạo đà cho sự bùng nổ sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tọa đàm cũng nhận được sự đồng hành của Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả